|
Đến dự Hội thảo, về Viện Hàn lâm có: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm.Các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Viện Hàn lâm: GS. anh hùng lao động Vũ Khiêu, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Phạm Xuân Nam, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm KHXH&NVQG; TS. Hồ Ngọc Hải, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm KHXH&NVQG; PGS.TS.Trần Đức Cường, nguyên Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam.Về phía đại biểu, có: GS.NGND. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TS.Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam; GS.TS.Đỗ Việt Hùng, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; GS.TS. Andrew Hardy, Trưởng Đại diện Viện Viễn đông bác cổ Pháp tại Hà Nội; Đại diện gia đình GS. Phạm Huy Dũng, em trai cố GS.VS. Phạm Huy Thông; cùng đại biểu là lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo các viện nghiên cứu chuyên ngành, các ban chức năng của Viện Hàn lâm.
|
|
|
|
|
Thay mặt Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã điểm lại tiểu sử và những dấu mốc quan trọng trong quá trình học tập, nghiên cứu và hoạt động cách mạng của nhà trí thức Phạm Huy Thông. GS.VS. Phạm Huy Thông sinh ngàv 22 tháng 11 năm 1916 ở Hà Nội, quê tại Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Năm 16 tuổi, Giáo sư đã nổi tiếng là một trong những cây bút tiên phong của phong trào Thơ mới. Năm 17 tuổi đã xuất bản những bài thơ còn để mãi lại cho đời như: Tiếng địch Sông Ô. Anh Nga... Năm 21 tuổi, Giáo sư Pham Huy Thông đỗ cử nhân Luật. Giáo sư cũng đã tốt nghiệp Thạc sĩ Sử - Địa và Tiến sĩ Luật khi còn rất trẻ.
Năm 1946, Ông được tham gia trong phái đoàn của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, được chọn làm Thư ký riêng và phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính trong thời gian này được gần gũi, làm việc dưới sự chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ông đã quyết định lựa chọn cho mình con đường phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc và kiên định đi trên con đường ấy trong suốt cuộc đời.
|
|
|
|
|
Năm 1967, Giáo sư Phạm Huy Thông được giao nhiệm vụ thành lập Viện Khảo cổ học, từ đây, tên tuổi Phạm Huy Thông gắn liền và mãi mãi sống cùng những sự kiện có ý nghĩa nhất của ngành khảo cổ học Việt Nam: Viện Khảo cổ học được thành lập vào năm 1968; Tổ chức nghiên cứu và khẳng định tính lịch sử của Thời đại các Vua Hùng với bốn Hội nghị liên tiếp về Thời đại Hùng Vương (Hùng Vương dựng nước) trong các năm 1968 - 1970; đặc biệt, dấu ấn ông để lại là Hội nghị Khảo cổ học hằng năm đã được tổ chức thường xuyên, năm nay là lần thứ 51; với cuốn Kỷ yếu được in lần đầu tiên năm 1972.
Một số hình ảnh hoạt động của GS. VS. Phạm Huy Thông được trưng bày tại Hội thảo
Năm 1976, GS. Phạm Huy Thông được cử giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Giáo sư đã có nhiều đóng góp quan trọng, trực tiếp tham gia vào các công trình nghiên cứu lớn của Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ học, Viện Sử học, Viện Hán Nôm... đồng thời cũng có nhiều đóng góp trong các chương trình hợp tác quốc tế. Các tổ chức quốc tế đã có những đánh giá cao về vai trò của ông trong các hoạt động đối ngoại. Viện Hàn lâm Khoa học nước Cộng hòa Dân chủ Đức đã trao tặng Giáo sư danh hiệu Viện sĩ nước ngoài.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao tài năng và trí tuệ của Ông. GS.VS. Phạm Huy Thông là nhà khoa học được tín nhiệm giao nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau: Tổng thư ký phong trào Hòa bình miền Nam (năm 1954 - 1955); Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và là Quyền Bí thư Đảng ủy Bộ Giáo dục; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam và ủy viên Ban Bảo vệ Hòa bình thế giới…Giáo sư cũng được Nhà nước tặng nhiều huân chương và các phần thưởng cao quý khác.
|
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã bổ sung thêm nhiều chi tiết trong cuộc đời hoạt động cách mạng và nghiên cứu khoa học của GS. Phạm Huy Thông, nhất là khi Ông được điều động về Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Viện Khảo cổ học. Bắt đầu từ đây, cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với ngành Khảo cổ học Việt Nam. Ông trở thành người Viện trưởng đầu tiên và lâu nhất (1968-1988) của Viện Khảo cổ học. Dưới sự lãnh đạo của GS. Phạm Huy Thông, Viện Khảo cổ học đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu lớn có giá trị; trong đó phải kể đến: Mười thế kỷ đầu Công nguyên, Văn minh Đại Việt, Trống đồng Đông Sơn... Bên cạnh đó, Ông cũng chính là người đã kiên trì và duy trì việc tổ chức Hội nghị Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học hằng năm cho đến tận hôm nay. Ông cũng là người chủ trương xuất bản các công bố này trong tập sách: Những phát hiện mới về Khảo cổ học (cuốn kỷ yếu đầu tiên được in vào năm 1972).
|
PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, khẳng định ngành Khảo cổ học Việt Nam đã ra đời và phát triển bắt đầu từ GS. Phạm Huy Thông. Suốt 20 năm với tư cách là Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Ông đã để lại cho những thế hệ đi sau khối di sản hết sức có giá trị.
16 báo cáo tham luận gửi đến Hội thảo là những chia sẻ, đánh giá của các nhà khoa học, các đại biểu tham dự về những đóng góp của Ông trên nhiều lĩnh vực (lịch sử, phong trào Thơ mới,...), trên nhiều tư cách (nhà thơ, nhà sử học,...) của các nhà khoa học như GS. Vũ Khiêu, GS.NGND. Phan Huy Lê, GS. Phong Lê, GS. Hà Minh Đức, GS. Phạm Huy Dũng…
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS.VS.Phạm Huy Thông, Hội thảo một lần nữa giúp các nhà khoa học, giới nghiên cứu cùng nhau ôn lại và tri ân một con người đã hết mình vì sự nghiệp khoa học, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tấm gương của GS.VS. Phạm Huy Thông sẽ luôn đồng hành, khích lệ các thế hệ những nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trên con đường nghiên cứu khoa học./.
Nguyễn Thu Hà
(Ảnh: Thu Hà, Hữu Thiết)