Tham dự Hội thảo, về phía Ấn Độ có Bà Nina Tshering La, đại biện lâm thời, Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam; GS. Virendra Kumar Malhotra, Thư ký thường trực, Hội đồng nghiên cứu Khoa học xã hội Ấn Độ (ICSSR) cùng các cán bộ của ICSSR và các đại biểu đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học của Ấn Độ. Về phía Việt Nam có: GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; PGS.TS. Ngô Xuân Bình, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á và đại biểu đến từ Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Hội hữu nghị Việt – Ấn; Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương; Học viện Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương; Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế về quốc phòng cùng đại diện lãnh đạo các Ban chức năng, các viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm và đông đủ cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.
|
Quan hệ Việt Nam – Ấn Độ là mối quan hệ truyền thống, hữu nghị. Đó là mối quan hệ đặc biệt dựa trên nền tảng của sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau và sự chia sẻ những lợi ích cũng như lịch sử giao lưu thương mại, văn hóa và tôn giáo từ hàng ngàn năm.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 9 năm 2016 đã đánh dấu bước phát triển mới, nâng cấp quan hệ song phương từ mức đối tác chiến lược lên mức đối tác chiến lược toàn diện, đưa Ấn Độ trở thành một trong ba đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam bên cạnh Nga và Trung Quốc. Do vậy, việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai phía trong sự phát triển kinh tế – chính trị – xã hội cũng như khẳng định vị thế của mỗi nước trong khu vực và trên thế giới.
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Đức nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện đông đảo của các đại biểu tham dự Hội thảo; đồng thời khẳng định ý nghĩa quan trọng của Hội thảo trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và 1 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Qua đó, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nêu rõ mục đích Hội thảo nhằm nhìn lại và đánh giá những thành tựu và hạn chế của mối quan hệ Việt Nam – Ấn Độ 45 năm qua và triển vọng quan hệ hợp tác trong những năm sắp tới; đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Ấn Độ phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa; thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa Viện Hàn lâm và các đơn vị trực thuộc với các viện nghiên cứu, các trường đại học ở Ấn Độ.
Bên cạnh đó, GS.TS. Phạm Văn Đức đề xuất một số nội dung Hội thảo cần tập trung thảo luận:
1/ Những nhân tố tác động đến quan hệ Việt Nam – Ấn Độ: sự thay đổi trong bối cảnh khu vực và thế giới, tình hình Ấn Độ, Việt Nam và chính sách đối ngoại của mỗi nước.
2/ Thực trạng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ năm 1972 trên các lĩnh vực: chính trị - ngoại giao, kinh tế, an ninh - quốc phòng, văn hóa, giáo dục, khoa học kĩ thuật…
3/ Đánh giá những thành tựu, hạn chế trong quan hệ Việt Nam – Ấn Độ trên các lĩnh vực.
4/ Phân tích và đánh giá kiến trúc an ninh khu vực: nhân tố Việt Nam, Ấn Độ.
5/ Dự báo xu hướng phát triển, triển vọng hợp tác, đưa ra những đề xuất kiến nghị để thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm tới.
Trong phát biểu chào mừng, thay mặt Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Bà Nina Tshering La bày tỏ niềm vui và trân trọng những thành tựu trong quan hệ song phương giữa hai nước thời gian qua; khẳng định việc trao đổi những ý tưởng và giá trị truyền thống là những hình thức hợp tác hiệu quả góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (hợp tác kinh tế - xã hội).
Trên cơ sở điểm lại lịch sử hợp tác song phương giữa hai quốc gia trên các lĩnh vực (kinh tế, văn hóa – xã hội, y tế, khoa học công nghệ, quốc phòng – an ninh) và triển vọng hợp tác của hai bên về năng lượng tái tạo, Bà Nina Tshering La đánh giá cao vai trò quan trọng của Việt Nam - đầu mối liên lạc giữa Ấn Độ và ASEAN; qua đó nhấn mạnh, sự tin cậy và niềm tin sâu sắc có ý nghĩa quan trọng với những thành tựu đạt được trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia, do vậy, hai bên cần phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh thông qua việc trao đổi và hợp tác chặt chẽ.
Cũng trong bài phát biểu chào mừng, GS. Virendra Kumar Malhotra nhấn mạnh, Việt Nam - Ấn Độ đã thiết lập quan hệ hợp tác văn hóa và tôn giáo lâu đời và có mối giao lưu nhân dân tốt đẹp, đặc biệt là hợp tác về học thuật. Giáo sư cũng khẳng định, Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ; đánh giá cao triển vọng hợp tác hai nước và khu vực Đông Nam Á; mong muốn, những thành tựu và kết quả của mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sẽ được trao đổi, thảo luận thông qua Hội thảo, qua đó góp phần phát triển mối quan hệ hai quốc gia lên tầm cao mới.
|
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung khẳng định, mối quan hệ Việt Nam – Ấn độ đã phát triển tốt đẹp trong suốt 45 năm qua; đồng thời nêu bật những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, an ninh, giao lưu nhân dân và phát triển du lịch. PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung cũng chỉ ra những hạn chế trong quan hệ song phương, đặc biệt là quan hệ kinh tế, qua đó, đã phân tích và đặt ra một số giả thuyết về những nhóm nguyên nhân hạn chế quan hệ Việt Nam – Ấn Độ. PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung cũng cho rằng để phát triển quan hệ song phương, hai bên cần tăng cường tìm hiểu lẫn nhau sâu hơn nhằm tìm kiếm những cơ hội hợp tác từ những khó khăn đó cũng như thúc đẩy vai trò hỗ trợ của nhà nước; bày tỏ niềm tin vào tương lai quan hệ hai nước sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ.
|
|
|
Hội thảo nhận được 30 báo cáo tham luận, trong đó có 11 tham luận được trình bày, chia thành 2 phiên thảo luận, tập trung vào 2 nội dung chính:
Phiên 1: Những vấn đề chung, quan hệ Việt Nam – Ấn Độ và những nhân tố tác động (Ông Phạm Sỹ Tam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; Trợ lý Giáo sư Tilottama Mukherjee, Trưởng khoa Chính trị học, Đại học Calcutta, Kolkata; GS. Beena Narayan, trường Quản lý và Trung tâm Nghiên cứu IES, Mumbai; PGS.TS. Đỗ Thu Hà, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn); Phiên 2: Quan hệ Việt Nam – Ấn Độ: Thành tựu và triển vọng, (GS. Ganganath Jha, Đại học Jawaharlal Nehru; Đô đốc Abhay Kumar Singh, Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng; GS. B.V. Muralidhar, Đại học Sri Venkateshwara, Tirupati; ThS. Nguyễn Hà Trang, Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương; TS. Lê Thị Hằng Nga, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á) cùng với 10 câu hỏi, bình luận được đặt ra đã phổ quát những điểm chính trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong 45 năm qua và phân tích triển vọng quan hệ ngoại giao hai nước trong thời gian tới.
|
Nội dung các tham luận đã nhấn mạnh đến nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước (quan hệ kinh tế - thương mại, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực…); trao đổi về môi trường an ninh hàng hải ở phía Tây Ấn Độ - Thái Bình Dương (thách thức và triển vọng); chỉ rõ kết quả đạt được và hạn chế trong quan hệ hợp tác hai bên, qua đó thúc đẩy vai trò của Ấn Độ và Việt Nam trong việc thiết lập quan hệ song phương. Bên cạnh đó, các báo cáo đã đề xuất những gợi mở quan trọng trong việc tìm kiếm phương thức, định hướng và giải pháp thúc đẩy mối quan hệ hai bên. Những ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã đưa ra những gợi ý hữu ích cho các nghiên cứu tiếp theo, tạo ra tiếng nói của cộng đồng nhà khoa học và có giá trị tham khảo quí giá cho các nhà hoạch định chính sách.
Hội thảo là diễn đàn khoa học hữu ích cho các nhà nghiên cứu Việt Nam và Ấn Độ chia sẻ những thông tin, tư liệu, những quan điểm, góc nhìn đa chiều về mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Ấn Độ. Sự phân tích và đánh giá của các nhà khoa học sẽ cung cấp một cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, qua đó đề xuất những ý tưởng, giải pháp hữu ích cho việc triển khai hiệu quả kế hoạch hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang