Hội thảo khoa học quốc tế “Tư tưởng của C.Mác về công bằng xã hội và ý nghĩa hiện thời của nó”

17:00 21/05/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong hai ngày 17 – 18/5/2017, tại Thành phố Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk) Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Viện Friedric – Ebert – Stiftung (Văn phòng Việt Nam) và Viện Rosa – Luxemburg – Stiftung (Văn phòng Đông Á) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Tư tưởng của C.Mác về công bằng phân phối và ý nghĩa hiện thời của nó”. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo một diễn đàn mở để các nhà khoa học thảo luận, trao đổi về nội dung và ý nghĩa của nguyên tắc công bằng phân phối trong tư tưởng của C.Mác từ cả phương diện lý luận và thực tiễn, qua đó, thiết thực hướng tới kỷ niệm 200 năm ngày sinh của C.Mác.

GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu<br>khai mạc Hội thảo

Tham dự hội thảo, về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch; về phía Viện Triết học, có PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo; về phía Viện Friedric – Ebert – Stiftung (Văn phòng Việt Nam), có ông Erwin Schweisshelm, Giám đốc; và về phía Viện Rosa – Luxemburg – Stiftung (Văn phòng Đông Á), có bà Liliane Danso Dahmen, Giám đốc.

Hội thảo đã nhận được 42 báo cáo tham luận từ nhiều học giả đến từ các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy trong và ngoài nước, như: Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Nghiên cứu con người, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); Viện Kinh tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Viện Kinh tế học (Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào), Trường Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc), Trường Đại học Khoa học Senshu (Nhật Bản), Đại học Luật và Kinh tế Berlin (CHLB Đức), Viện Triết học, Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác (thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Đức khẳng định giá trị bền vững của triết học Mác nói chung và tư tưởng của Mác về công bằng phân phối nói riêng. Từ đó, Giáo sư nhấn mạnh việc trở lại nghiên cứu tư tưởng của Mác về công bằng phân phối không chỉ mang ý nghĩa học thuật mà còn mang ý nghĩa thực tiễn cấp thiết đối với nhân loại. Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tài Đông nêu rõ mục đích của Hội thảo là làm sáng tỏ tư tưởng của C.Mác về công bằng phân phối, đồng thời tìm ra những phương hướng để ứng dụng tư tưởng đó vào thực tiễn. Trên tinh thần chủ đạo đó, Hội thảo đã lần lượt tiến hành 3 phiên thảo luận toàn thể và 1 phiên thảo luận theo hình thức World Cafe.

PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học, đọc báo cáo đề dẫn Hội thảo    Ông Erwin Schweisshelm, Giám đốc Viện Friedric Ebert Stiftung (Văn phòng Việt Nam) phát biểu chào mừng Hội thảo

Phiên thảo luận thứ nhất có chủ đề “Khái niệm công bằng trong lý thuyết của Mác – quan điểm lịch sử và chính trị”. Ở phiên này, các học giả đã trình bày báo cáo và tiến hành thảo luận về tư tưởng của C.Mác về công bằng xã hội, trong đó, tập trung vào các vấn đề cơ bản như: nguyên tắc công bằng phân phối trong quan niệm của Mác, nghiên cứu so sánh quan niệm về công bằng phân phối của Mác với một số quan niệm hiện đại, khái niệm công bằng và công bằng phân phối của Mác từ góc nhìn lịch sử. Qua thảo luận, các học giả đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận liên quan đến học thuyết của C.Mác về công bằng phân phối.

Phiên thảo luận thứ hai có chủ đề “Ý nghĩa của tư tưởng C.Mác trong những thảo luận về công bằng kinh tế, xã hội ở Việt Nam và Lào ngày nay”. Phiên thảo luận thứ hai đi sâu vào những vấn đề công bằng trong lĩnh vực kinh tế, từ điểm nhìn thực tiễn của hai nước Việt Nam và Lào. Trong đó, các học giả đã cùng nhau phân tích thực trạng công bằng phân phối trong nền kinh tế Việt Nam và Lào, trên cơ sở đó, nhận diện những thách thức cũng như những vấn đề mà hai nước đang phải đối mặt. 

Phiên thảo luận thứ ba có chủ đề “Những quan niệm đương đại về công bằng ở một số quốc gia”. Trong phiên này, hội thảo đã nhận được những chia sẻ từ các học giả về vấn đề công bằng từ góc nhìn vai trò của nhà nước, hay từ góc nhìn quyền được bảo trợ cuối đời. Bằng kinh nghiệm thực tiễn từ đất nước mình, các học giả đã đặt ra những vấn đề mới, góp thêm những điểm nhìn mới về vấn đề công bằng phân phối nói riêng, công bằng xã hội nói chung.

 Bà Liliane Danso Dahmen, Giám đốc Viện Rosa Luxemburg Stiftung (Văn phòng Đông Á) phát biểu chào mừng Hội thảo   <br>Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Sau ba phiên toàn thể, trong buổi cuối cùng của Hội thảo, các học giả đã tham gia vào phiên thảo luận dưới hình thức World Cafe. Ở phiên này, các học giả được chia thành 3 nhóm, luân phiên tiến hành thảo luận về kinh nghiệm thực hiện công bằng phân phối ở Trung Quốc, CHLB Đức và Hàn Quốc, mỗi nhóm do một học giả đến từ chính những quốc gia này chủ trì. Cụ thể, các học giả chủ trì thảo luận lần lượt là GS. Ngụy Tiểu Bình (Trung Quốc), GS. Hansjoerg Herr và GS. Lutz Brangsch (CHLB Đức), GS. Kim Sang Bong (Hàn Quốc). Các thảo luận diễn ra trong tinh thần cởi mở, sôi nổi, qua đó, các học giả đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm nhằm đảm bảo công bằng trong phân phối ở đất nước mình, những vấn đề mà mỗi nước đang gặp phải, những yếu tố cần thiết để đảm bảo công bằng phân phối, đồng thời gợi mở những hướng đi, những phương pháp để đạt đến mục tiêu công bằng xã hội đi đôi với phát triển xã hội.

Tổng kết Hội thảo, bà Liliane Danso Dahmen, Giám đốc Viện Rosa – Luxemburg – Stiftung (Văn phòng Đông Á) và ông Erwin Schweisshelm, Giám đốc Viện Friedric – Ebert – Stiftung (Văn phòng Việt Nam) đều nhấn mạnh rằng, chủ đề tranh luận tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn, những nội dung mà các học giả thảo luận đã đề cập đến nhiều vấn đề nóng bỏng trong xã hội Việt Nam và các nước châu Á, đồng thời cũng có ý nghĩa vạch ra phương hướng cho các nước châu Âu. Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tài Đông bày tỏ sự cảm ơn đến Viện Friedric – Ebert – Stiftung (Văn phòng Việt Nam), Viện Rosa – Luxemburg – Stiftung (Văn phòng Đông Á) và các học giả tham dự Hội thảo và khẳng định sự thành công của Hội thảo trên cơ sở không khí trao đổi học thuật sôi nổi, các học giả đã cùng nhau chia sẻ nhiều tri thức cũng như những kinh nghiệm thành công và thất bại của đất nước mình trong tiến trình phát triển, thông qua đó, làm sáng tỏ những vấn đề mà Hội thảo đã đặt ra.   

Là Hội thảo thứ tư được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) với Viện Friedric – Ebert – Stiftung (Văn phòng Việt Nam), Hội thảo "Tư tưởng của C.Mác về công bằng phân phối và ý nghĩa hiện thời của nó" đã đánh dấu một cột mốc mới trong quan hệ giữa hai đơn vị, đồng thời tiếp tục gợi mở nhiều hàm ý cho công cuộc phát triển kinh tế và đảm bảo công bằng xã hội ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường, những vấn đề vốn đã được đặt ra từ các lần Hội thảo trước đây. Thành công của Hội thảo là cơ sở để hai đơn vị có thể tiến tới một mối quan hệ hợp tác sâu, rộng, và toàn diện hơn trong tương lai.

PV

    

In trang Chia sẻ

Tin khác