Tham dự Hội thảo có: PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Ông Frederic Thomas, Phó đại diện IRD; TS. Xavier Oudin và TS. Laure Pasquier Doumer, IRD; TS. Nguyễn Thắng, Trung tâm Phân tích và Dự báo, VASS cùng các đại biểu đến từ Vụ Thống kê Dân số và Lao động; Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vụ Kinh tế, Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
|
Cuốn sách “Vai trò của hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức đối với tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam” do nhóm các nhà nghiên cứu bao gồm: TS. Laure Pasquier Doumer, TS. Xavier Oudin và TS. Nguyễn Thắng chủ trì soạn thảo cùng với sự đóng góp của các nhà nghiên cứu của VASS. Cuốn sách trình bày những phát hiện từ cuộc điều tra hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức được tiến hành vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015. Đây là cuộc điều tra đầu tiên về khu vực này ở Việt Nam với đầy đủ các hợp phần khác nhau và có tính đại diện ở cấp quốc gia – một trong những kết quả nghiên cứu của Chương trình “Nâng cao hiểu biết về những chính sách mới chống nghèo đói (NOPOOR)” do Chương trình FP7 của Liên minh Châu Âu tài trợ.
Chương trình NOPOOR có sự hợp tác giữa VASS và IRD cùng 17 đối tác khác trong vòng 5 năm (2012-2017). Đây là hoạt động do Chương trình nghiên cứu 7 (FP7) của Liên minh Châu Âu về xóa đói giảm nghèo trong bối cảnh phát triển tài trợ. Trong quá trình này, các học giả đã cùng nhau xây dựng khung phân tích, thu thập số liệu và tiến hành phân tích nhằm đưa ra những khuyến nghị chính sách vì mục tiêu tăng trưởng bao trùm cho Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Viện Hàn lâm, PGS.TS. Bùi Nhật Quang nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo các đại biểu tham dự; đồng thời nhấn mạnh, việc công bố cuốn sách thể hiện kết quả quan trọng và phát hiện mới của Chương trình NOPOOR, tập trung vào khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể, khu vực phi chính thức đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Phó Chủ tịch đánh giá cao nội dung nghiên cứu được trình bày trong cuốn sách và khẳng định, hoạt động nghiên cứu đã đánh dấu một bước tiến mới trong phương pháp sử dụng công nghệ tiên tiến để thu thập số liệu có chất lượng tốt, góp phần thúc đẩy hợp tác khoa học giữa các cơ quan, đảm bảo quá trình chọn mẫu có tính đại diện tốt nhất cho khu vực phi chính thức.
|
|
|
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Ông Frederic Thomas bày tỏ sự trân trọng về hợp tác khoa học giữa IRD và VASS trong thời gian qua, thể hiện qua những hoạt động nghiên cứu và đào tạo hữu ích (học bổng, khóa đào tạo mùa hè, dự án NOPOOR cùng với các quốc gia khác với sự tham gia của Liên minh Châu Âu…); bày tỏ niềm tự hào khi được công bố cuốn sách “Vai trò của hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức đối với tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam”. Đây là một trong những thành quả và sự hợp tác tốt đẹp giữa IRD và VASS, các nhà khoa học Việt Nam - Pháp; đồng thời là ví dụ điển hình sinh động về hoạt động hợp tác khoa học giữa hai quốc gia, từ đó đóng góp vào quá trình giảm nghèo và phát triển tại Việt Nam.
|
Tại Hội thảo, TS. Xavier Oudin và TS. Laure Pasquier Doumer đã giới thiệu khái quát một số phát hiện chính của cuốn sách. Theo đó, nội dung cuốn sách này cho thấy khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, vai trò này sẽ tiếp tục duy trì trong trung hạn. Khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo ra gần 1/3 GDP phi nông nghiệp, 57% việc làm phi nông nghiệp và 23% tổng GDP năm 2014. Đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, khu vực này có khả năng giải quyết việc làm cho một bộ phận lớn dân cư, có tính linh hoạt trong hoạt động, sức sống mạnh mẽ. Tăng trưởng của khu vực này vẫn có tiềm năng khi mặt bằng chung có công nghệ thấp, trang thiết bị và kỹ năng có nhiều hạn chế, nên có dư địa lớn cho các can thiệp chính sách tác động tới năng suất lao động.
Bên cạnh đó, việc đưa khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể vào trong mô hình tăng trưởng mới không chỉ đơn thuần gắn liền với việc đẩy mạnh quá trình chính thức hóa khu vực phi chính thức. Việc đặt mục tiêu thu hẹp khu vực này thường dựa trên quan điểm cho rằng lao động trong khu vực phi chính thức gắn liền với đặc tính dễ bị tổn thương và năng suất thấp.
Do vậy, mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách khi giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương của người lao động trong khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể là tạo ra các ưu đãi về an sinh xã hội để tăng cường bảo vệ người lao động, cụ thể như: 1. Cần điều chỉnh mục tiêu trợ giúp xã hội để tiếp cận với những người dễ bị tổn thương nhất trong khu vực hộ kinh doanh cá thể; 2. Cần triển khai chính sách để nâng cao nhận thức của chủ cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể về nguy cơ sức khỏe và các hậu quả tiêu cực lâu dài nhằm đảm bảo không chỉ những người có sức khỏe kém mới tham gia vào chương trình bảo hiểm y tế tự nguyện; 3. Cần tuyên truyền phổ biến thông tin và xây dựng lòng tin của người dân để khuyến khích họ tham gia chương trình bảo hiểm hưu trí. Cuối cùng cần xác định lại tỷ lệ chi phí – lợi ích của bảo hiểm xã hội khi tính đến sự đa dạng về khả năng đóng góp giữa các nhóm hộ.
Ngoài ra, có thể cải thiện năng suẩt của khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể nhờ các chính sách tăng cường thông tin cho các hộ này về cơ hội thị trường và đổi mới sáng tạo: Cần nỗ lực phát triển thị trường tín dụng phù hợp với đặc điểm và tính không đồng nhất của hộ sản xuất kinh doanh cá thể, trong đó cần định hướng mục tiêu tín dụng vi mô tập trung hơn vào khu vực phi chính thức và tín dụng dài hạn để thúc đẩy đầu tư cho các hộ có tiềm năng; Triển khai chính sách nâng cao tay nghề, kỹ năng đặc biệt là để phù hợp hơn với cơ hội thị trường và cải thiện năng lực quản lý để tăng độ tin cậy tín dụng của các hộ cá thể, đặc biệt đối với nhóm hộ có sự phát triển hơn.
|
Các đại biểu tham dự đánh giá cao kết quả công trình nghiên cứu và những kết luận của cuốn sách đặt ra. Bên cạnh đó hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận xoay quanh câu hỏi về hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức là động lực hay cản trở cho sự phát triển của Việt Nam? Cùng với đó là bàn luận các vấn đề về chính sách hỗ trợ cho khu vực phi chính thức, tập trung chú trọng đến lao động và việc làm cũng như cần có những chính sách sâu sát và hiệu quả hơn nữa gắn với nhu cầu và đặc điểm khu vực này.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích giữa các chuyên gia IRD và VASS, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nghiên cứu hai bên, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ và thị trường lao động đầy biến động đang đặt ra yêu cầu cho IRD và VASS cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hơn nữa, đóng góp những bằng chứng khoa học thiết thực hướng tới phục vụ hiệu quả vào quá trình hoạch định chính sách trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang