Tọa đàm “Đối mặt với bất bình đẳng – Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Nghèo đói và Chia sẻ thịnh vượng 2016”

17:00 25/06/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Nhân chuyến công tác tại Việt Nam của đoàn chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới, sáng ngày 20 tháng 06 năm 2017, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tổ chức tọa đàm “Đối mặt với bất bình đẳng – Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về nghèo đói và Chia sẻ thịnh vượng 2016”

Đến dự buổi Tọa đàm, về phía VASS có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch VASS; đại diện  lãnh đạo một số viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc VASS cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học của VASS. Về phía WB có Ngài Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam; 2 đồng tác giả của báo cáo “Nghèo đói và Chia sẻ Thịnh vượng 2016”: Ngài Carlos Silva-Jauregui – Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB, Ngài Mario Negre – Cố vấn của WB. 

Tọa đàm do Chủ tịch Viện Hàn lâm – GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – Ngài Ousmane Dione chủ trì.

Tháng 10/2016, Nhóm nghiên cứu thuộc WB lần đầu tiên công bố Báo cáo thường niên tiêu đề “Nghèo đói và Chia sẻ thịnh vượng”, cung cấp những số liệu về thực trạng nghèo đói trên toàn cầu; dõi theo tiến độ thực hiện mục tiêu kép của  WB về giảm nghèo đói cùng cực và chia sẻ thịnh vượng; đồng thời phân tích các vấn đề chuyên môn chính sách. Mỗi báo cáo hàng năm đều có một chủ đề riêng. Nội dung trọng tâm của bản báo cáo đầu tiên ra mắt năm 2016 là Bất bình đẳng. Việc tổ chức buổi tọa đàm này là cơ hội giao lưu quốc tế có ý nghĩa đối với các chuyên gia, các học giả của VASS trong trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của thế giới về giảm nghèo, chia sẻ thịnh vượng, đối mặt với bất bình đẳng và các vấn đề hàm ý chính sách cho định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.  

Ngài Carlos Silva-Jauregui và Ngài Mario Negre trình bày báo cáo <br> tại Tọa đàm

Tại Tọa đàm, báo cáo “Nghèo đói và chia sẻ thịnh vượng 2016: Đối mặt với bất bình đẳng” được hai đồng tác giả là Ngài Carlos Silva-Jauregui và Ngài Mario Negre trình bày tóm tắt, tập trung vào những nội dung chính như sau:

Thứ nhất, thực trạng Đói nghèo cùng cực toàn cầu. Tình trạng đói nghèo cùng cực trên thế giới đang tiếp tục giảm, nhưng tốc độ không đồng đều trên toàn thế giới. Do tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu nên mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt nghèo đói cùng cực trên toàn thế giới đang đứng trước nguy cơ không thực hiện được.

Thứ hai, thực trạng Chia sẻ thịnh vượng toàn cầu. Chia sẻ thịnh vượng được thực hiện tốt tại hầu hết các nước nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực và giữa các quốc gia.

Thứ ba, đối mặt với Bất bình đẳng (bất bình đẳng thu nhập). Các tác giả nhấn mạnh, bất bình đẳng là nội dung trọng tâm của Báo cáo, bởi trong tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn ra chậm hiện nay, giảm bất bình đẳng sẽ tạo ra đòn bẩy quan trọng để chấm dứt đói nghèo cùng cực. Nhận thức được tầm quan trọng của giảm bất bình đẳng, Báo cáo đã tiến hành phân tích sâu về thực trạng, xu hướng, mức độ phân bổ bất bình đẳng ở từng nước và giữa các nước cũng như sự thay đổi qua các thời kỳ.

Thứ tư, trường hợp các nước và bài học. Các tác giả dẫn chứng những cách làm thành công của Braxin, Campuchia, Mali, Peru và Tandania trong cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng.

Thứ năm, đề xuất các giải pháp và chính sách. Từ các kết quả nghiên cứu khảo sát, Báo cáo đã đề xuất được 6 giải pháp chính sách phù hợp với phần lớn các quốc gia trên thế giới. Đó là: (1) Đầu tư cho những năm đầu đời của trẻ; (2) Bảo đảm tiếp cận chăm sóc sức khỏe phổ cập; (3) Phổ cập tiếp cận giáo dục có chất lượng; (4) Trợ cấp bằng vật chất; (5) Đầu tư vào cơ sở vật chất; (6) Cải cách thuế. Tuy nhiên Ngài Carlos Silva-Jauregui nhấn mạnh, để đạt được hiệu quả cao, các quốc gia không nên áp dụng chính sách đơn lẻ mà nên áp dụng nhóm chính sách. 

Toàn cảnh Tọa đàm   Toàn cảnh Tọa đàm

Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến bình luận, trao đổi của các đại biểu tham dự về chỉ số đo lường nghèo đói có thể chấp nhận được; mong muốn có một đánh giá đa chiều hơn về nghèo đói, dựa trên khía cạnh phát triển bền vững, không chỉ đơn thuần là khía cạnh nghèo đói kinh tế mà cần bổ sung thêm hai yếu tố xã hội và môi trường. Đồng thời các ý kiến cũng chỉ ra thách thức của tiến bộ khoa học công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng lần thứ tư (sự chênh lệch giàu nghèo và bình đẳng rõ rệt hơn giữa các nước sở hữu khoa học công nghệ và các nước không sở hữu khoa học công nghệ) .

Thay mặt Lãnh đạo VASS phát biểu tổng kết Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn trân trọng cảm ơn đoàn chuyên gia WB đã đến thăm và trao đổi học thuật tại Viện Hàn lâm; đánh giá cao ý nghĩa của buổi Tọa đàm và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều cơ hội hợp tác, nhiều chia sẻ khoa học từ phía WB trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Cũng trong sáng cùng ngày, Giám đốc WB tại Việt Nam – Ngài Ousmane Dione đã có buổi thăm và chào xã giao tại Viện Hàn lâm; mong muốn được hợp tác chặt chẽ, sâu rộng hơn trong một số chương trình nghị sự quan trọng nhằm chia sẻ tri thức và các chính sách, thông lệ quốc tế. Từ đó, thông qua Viện Hàn lâm có thể truyền tải những thông điệp tới các nhà hoạch định chính sách để đưa ra các biện pháp, quyết sách tốt nhất cho Việt Nam theo định hướng phát triển bền vững. Ngài Giám đốc khẳng định sẵn sàng hỗ trợ, đóng góp ý kiến mang lại giá trị tăng thêm cho những nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa WB và VASS trong tương lai./.

Hồng Nhung

In trang Chia sẻ

Tin khác