Tham gia buổi Thảo luận, về phía VASS có: PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch VASS; GS.TS. Vũ Mạnh Lợi, Nguyên Phó viện trưởng Viện Xã hội học - đồng chủ trì buổi Thảo luận; cùng đông đảo các giáo sư, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của VASS. Về phía dự án “Thúc đẩy Mạng lưới tri thức đa phương nghiên cứu xuyên ngành ứng phó với thách thức toàn cầu” - KNOTS có: Bà Michaela Hochmuth (Đại học Vienna); cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu từ Đại học Bonn (Đức), Đại học Charles (Séc), Đại học Chulalongkorn, Đại học Chiang Mai (Thái Lan).
Dự án “Thúc đẩy mạng lưới tri thức đa phương nghiên cứu xuyên ngành ứng phó với thách thức toàn cầu” là dự án quốc tế do Đại học Vienna chủ trì, với sự tham gia của tám cơ sở đại học và nghiên cứu, trong đó có ba cơ sở ở Việt Nam, gồm VASS, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án KNOTS được thực hiện trong ba năm, nhằm thúc đẩy đào tạo và nghiên cứu xuyên ngành.
Phát biểu khai mạc tại buổi Thảo luận, thay mặt Ban tổ chức, GS.TS. Vũ Mạnh Lợi nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các vị đại biểu. Giáo sư nhấn mạnh buổi Thảo luận nhằm trao đổi, chia sẻ kiến thức về khái niệm “xuyên ngành”, phân biệt “liên ngành” và “xuyên ngành”; đồng thời tạo tiền đề thành lập những diễn đàn xuyên ngành để ứng phó với các thách thức toàn cầu về bất bình đẳng, môi trường và di cư.
Tại buổi Thảo luận, Bà Michaela Hochmuth đã giới thiệu khái quát về Dự án KNOTS, theo đó, KNOTS dựa trên nguyên tắc cùng mở rộng và phát triển phương pháp, nguồn lực giảng dạy hiện có, thử nghiệm chúng ở các chủ đề và cơ sở giảng dạy, tổ chức các chuyến tham quan, lớp tập huấn và hội thảo. Dự án được thực hiện thông qua các module chủ đề, hướng tới các mục tiêu cụ thể: (1) Xây dựng các phương pháp giảng dạy mang tính đổi mới và phát triển học liệu tương ứng, nhằm cung cấp tri thức cơ bản cho thách thức toàn cầu; (2) Hình thành mạng lưới nghiên cứu xuyên ngành đa phương bằng cách hỗ trợ các trung tâm hợp tác xuyên ngành giữa giới hàn lâm và các khu vực không hàn lâm; (3) Tăng cường quốc tế hóa và năng lực của các cơ sở đại học trong việc xây dựng mạng lưới đổi mới nghiên cứu khoa học.
|
Cũng tại Thảo luận, các đại biểu được nghe chia sẻ về chương trình hành động mang tên ERASMUS+. Chương trình nhằm mở rộng hợp tác quốc tế chia sẻ kiến thức và thúc đẩy đổi mới bằng các hoạt động cụ thể để nâng cao năng lực trong giáo dục đại học. Chương trình đã được phát động và triển khai từ ngày 15/10/2016.
Tiếp theo bài thuyết trình từ các đại diện KNOTS là phần tham luận của các đại biểu đến từ VASS. Các bài tham luận chủ yếu tập trung vào giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của từng viện và phương pháp nghiên cứu “liên ngành”.
Buổi Thảo luận nhận được rất nhiều ý kiến bình luận, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến sự khác biệt giữa phương pháp “liên ngành” và phương pháp “xuyên ngành”. Ngoài ra, các ý kiến cũng tập trung vào việc làm sao để hợp tác, khai thác hiệu quả nhất những đóng góp từ khu vực không hàn lâm; bởi hợp tác xuyên ngành giữa khu vực hàn lâm và khu vực không hàn lâm là mục tiêu then chốt của dự án KNOTS.
Phát biểu tổng kết buổi Thảo luận, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh khẳng định, tri thức không còn là sở hữu cá nhân mà đó là sự đóng góp của tập thể, vượt qua mọi biên giới. Sản xuất và chia sẻ tri thức là nhiệm vụ mang tính thời đại không chỉ với mỗi nhà nghiên cứu mà còn với tất cả mỗi chúng ta trước những thách thức toàn cầu.
Buổi Thảo luận kết thúc tốt đẹp với hoạt động trao quà, chụp ảnh lưu niệm giữa Phó Giáo sư Phó Chủ tịch VASS và các đại biểu./.
Hồng Nhung