|
Tham dự hội thảo, về phía lãnh đạo cấp cao có các đồng chí Kikeo Khaykhamphithun, Bí thư Trung ương Đảng NDCM Lào, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học xã hội Lào, đồng chí Somsavad Lengxavat, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ nước Cộng hòa DCND Lào; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS. Thongsalit Mangnomeck, Ủy viện BCH Trung ương Đảng NDCM Lào, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào, GS.TS. Soukkongseng Saignaleuth, Ủy viện BCH Trung ương Đảng NDCM Lào, Chủ tịch Viện KHXH Quốc gia Lào, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học của 4 cơ quan, các nhà nghiên cứu KHXH của Việt Nam và Lào. Tham dự hội thảo còn có đồng chí Nguyễn Bá Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Lào. Các cơ quan thông tấn báo chí của Lào và cơ quan báo chí của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã đến đưa tin về hội thảo. Đoàn đại biểu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam còn có PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm và một số lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đồng thời là các tác giả có bài tham luận hội thảo.
Trong bài phát biểu khai mạc, đồng chí Kikeo Khaykhamphithun, Bí thư Trung ương Đảng NDCM Lào, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học xã hội Lào, đã khẳng định vai trò quan trọng của Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng hai nước Lào - Việt trong việc xây dựng nền tảng lý luận cách mạng cho hai Đảng và hai Nhà nước để đưa phong trào cách mạng của hai dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; Tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Cay-xỏn Phôm-vi-hản được dày công gìn giữ đã vun đắp tình hữu nghị đặc biệt thủy chung và trong sáng hiếm có của hai Đảng và hai dân tộc anh em. Đồng chí Kikeo cũng khẳng định tư tưởng Cay-xỏn Phôm-vi-hản và tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng và Chính phủ hai nước Lào, Việt Nam trong quá khứ cũng như trong bối cảnh hôm nay, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 10 Đảng NDCM Lào và Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
|
|
|
Thay mặt các cơ quan đồng tổ chức hội thảo, PGS.TS. Thongsalit Mangnomeck, Ủy viên BCH Trung ương Đảng NDCM Lào, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào và GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có các bài phát biểu đề dẫn hội thảo. Trong bài phát biểu của mình, hai đồng chí Giám đốc đã nhấn mạnh giá trị và vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh với Cách mạng Việt Nam và tư tưởng Cay-xỏn Phôm-vi-hản với Cách mạng Lào, đánh giá cao sự tâm huyết của các nhà khoa học thể hiện trong 39 báo cáo tham luận gửi đến hội thảo; chỉ ra các vấn đề cần thảo luận trong hội thảo đó là: a) Cùng với việc khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp tục luận giải, làm sáng tỏ và khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Cay-xỏn Phôm-vi-hản là nền tảng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng của Việt Nam và Lào; b) Tiếp tục đánh giá toàn diện, sâu sắc tầm vóc, vai trò, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và tư tưởng Cay-xỏn Phôm-vi-hản đối với Lào trong công cuộc đổi mới và phát triển ở hai nước; c) Kế thừa, vận dung và phát triển sáng tạo các luận cứ khoa học để tiếp tục giữ gìn, phát huy quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã gây dựng và dày công vun đắp trong bối cảnh mới của thời đại và phù hợp với điều kiện KT-XH đặc thù cụ thể của hai nước Việt-Lào.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Soukkongseng Saignaleuth, Ủy viên BCH Trung ương Đảng NDCM Lào, Chủ tịch Viện KHXH Quốc gia Lào đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của hội thảo về tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và tư tưởng Cay Xỏn Phôm Vi Hản đối với cách mạng Lào trong việc vun đắp tình hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt cũng như trong việc thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học giai đoạn 2016-2020 giữa 4 cơ quan (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Viện KHXH Quốc gia Lào) đã được ký kết vào tháng 10 năm 2016. Trong bài phát biểu khai mạc, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Cay-xỏn Phôm-vi-hản trong việc dẫn dắt cách mạng hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đồng thời khẳng định sức sống, vẻ đẹp của tình bạn thủy chung, son sắt, quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai nước Việt Nam-Lào trong lịch sử. Thay mặt Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, GS.TS, Nguyễn Quang Thuấn đã khẳng định sẽ ưu tiên nguồn lực, phối hợp với các cơ quan, các nhà khoa học hai nước để tăng cường nghiên cứu lý luận và thực tiễn về di sản tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Cay-xỏn Phôm-vi-hản đối với Cách mạng hai nước.
|
Sau phiên khai mạc, Hội thảo đã nghe 12 báo cáo viên trình bày tham luận tại 2 phiên: Tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam và tư tưởng Cay-xỏn Phôm-vi-hản với cách mạng Lào và Sự tương đồng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Hội thảo đã dành một phần lớn thời gian để các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến và tham gia thảo luận. Các đại biểu đã tiếp tục khẳng định giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Cay-xỏn Phôm-vi-hản không chỉ đối với phong trào cách mạng hai nước tại nhiều thời điểm trong quá khứ mà còn thể hiện ở giá trị dự báo, tính thời sự đối với phong trào cách mạng của hai nước trong bối cảnh hiện nay. Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã bày tỏ mong muốn các cơ quan khoa học của hai nước tiếp tục nghiên cứu sâu những vấn đề cốt lõi trong tư tưởng của hai Chủ tịch để nhận thức sâu sắc hơn nữa giá trị của hệ tư tưởng, tiếp tục giữ gìn và phát huy tình hữu nghị đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Trong phiên bế mạc, thay mặt 4 cơ quan đồng chủ trì, PGS.TS.Thongsalit Mangnomeck, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào và GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh đã tổng kết, nêu bật sự thành công của Hội thảo. Các đồng chí đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, tâm huyết của các đại biểu đến từ 4 cơ quan đồng tổ chức hội thảo và các đại biểu đến từ các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các Bộ, Ngành và địa phương của Lào; đồng thời kiến nghị các cơ quan, các nhà khoa học hai nước cần tiếp tục nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Cay-xỏn Phôm-vi-hản để giữ gìn và phát huy tình hữu nghị đặc biệt, thủy chung và trong sáng mà hai vị Chủ tịch kính yêu đã sáng tạo và vun đắp.
Với tất cả các kết quả đạt được, cuộc Hội thảo đã thành công tốt đẹp, góp phần củng cố và nâng cao tình hữu nghị của các cơ quan đồng tổ chức nói riêng, của hai nước nói chung; đồng thời đã góp phần thiết thực kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 / 5-9-2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 / 18-7-2017).