Hội thảo khoa học quốc tế tiên phong lần thứ IX “100 năm Chủ nghĩa xã hội hiện thực và lý thuyết văn minh hậu tư bản”

17:00 28/09/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, trong hai ngày 26-27/9/2017, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm- VASS) phối hợp với Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) và Trường Đại học Metropolian Autonomous, Mexico và Dự án nghiên cứu tiên phong quốc tế (WARP) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “100 năm Chủ nghĩa xã hội hiện thực và lý thuyết văn minh hậu tư bản” tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. Đây cũng đồng thời là Diễn đàn thường niên lầm thứ IX của Dự án nghiên cứu tiên phong quốc tế (WARP) của các nhà khoa học quốc tế thuộc các lĩnh vực như kinh tế chính trị, toán học, lý thuyết phức tạp, lý thuyết thông tin, lý thuyết mạng, sinh học môi trường, khoa học chính trị khoa học quân sự…do GS. TS. Heinz Dieterich, người Mexico gốc Đức làm chủ tịch

Chủ tịch Viện Hàn lâm - GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn<br>phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Tham dự hội thảo, về phía quốc tế có GS.TS. Heinz Dieterich, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế chính trị Thế giới (WAPE),  Chủ tịch Dự án nghiên cứu tiên phong quốc tế (WARP) cùng sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia và học giả đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc, Lào, Singapore, Cộng hòa Liên Bang Nga, Vương quốc Anh, Cộng hòa Liên Bang Đức, Na Uy và Mexico.  Đặc biệt tới dự hội thảo còn đại diện của đại sứ quán Nga và Mexico tại Việt Nam.

Về phía Việt Nam có sự tham dự của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và các Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm là PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng và GS.TS. Phạm Văn Đức cùng sự tham dự đông đảo của chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng Sản và các trường đại học và viện nghiên cứu khác.

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự; đồng thời đánh giá cao giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga trên bình diện thế giới và thành tựu của CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Theo đó GS Chủ tịch khẳng định, cách mạng tháng Mười Nga như là đầu tầu của lịch sử nhân loại thời hiện đại, là một tấm gương sáng ngời cổ vũ và động viên các dân tộc trên khắp thế giới phấn đấu xây dựng một xã hội cho con người, vì con người. Ngoài ra, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn cũng phân tích những cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với sự phát triển của CNXH; mong muốn thông qua Hội thảo và các hoạt động tiếp theo, các nhà khoa học quốc tế, Việt Nam tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ hơn từ mọi góc độ về CNXH hiện thực và triển vọng của CNXH thế kỷ XXI trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư  nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác khoa học ngày càng có hiệu quả. 

    GS. Heiz Dieterich, Chủ tịch WARP phát biểu chào mừng<br>tại Hội thảo

Trong phát biểu chào mừng Hội thảo, cũng như trong báo cáo của mình, GS. Heiz Dieterich, Chủ tịch WARP nêu rõ sự cần thiết của một nền văn minh hậu tư bản sau khi mà mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết (chủ nghĩa xã hội thế kỷ 20) đã sụp đổ và nền văn minh tư bản chủ nghĩa dựa trên kinh tế thị trường luôn tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng và không đủ khả năng giải quyết các vấn đề mà loài người đang phải đối mặt ngày nay như sự bất công bằng, chênh lệch giàu nghèo, nạn thất nghiệp, biến đổi khí hậu, sự hủy hoại môi trường sống…. Chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21 phải là chủ nghĩa xã hội dựa vào các thành tựu tiên tiến nhất của sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại, nền kinh tế thị trường phi nhân văn phải được thay thế bằng một “nền kinh tế tương đương” phi tiền tệ dựa trên thời gian làm việc. Nhiệm vụ xây dựng nền văn minh hậu tư bản phải là nỗ lực của các nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng tiên phong. Sự kết hợp giữa các đảng cách mạng với lý thuyết khoa học tiên tiến dựa trên thành tựu của khoa học hiện đại và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là yếu tố quan trọng trong việc hình thành nền văn minh hậu tư bản. Thay vì những giấc mộng của mỗi dân tộc quốc gia riêng rẽ, chúng ta hãy cùng nhau suy tư về giấc mộng của toàn nhân loại, phấn đấu vì những mục đích thực sự nhân văn cho toàn bộ nhân loại. Do vậy, Chủ tịch WARP nhấn mạnh cần có định hướng mang tính chiến lược cho xã hội, nhân loại, do vậy, các nước CNXH phải đoàn kết với nhau, tạo ra sức mạnh để giúp cho các quốc gia khác mong muốn tham gia vào sự vận động phát triển loài người.

Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chủ đề Hội thảo, đó không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Viện Hàn lâm, của giới nghiên cứu Việt Nam đối với sự tìm tòi định hướng phát triển mô hình xã hội chủ nghĩa phù hợp với Việt Nam mà còn bày tỏ những tâm huyết của giới nghiên cứu quốc tế đối với những vấn đề nóng bỏng của thực tiễn phát triển trong xã hội loài người hiện nay. 

GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm và<br>GS. Heinz Dieterich, Chủ tịch WARP chủ trì phiên toàn thể tại Hội thảo

Trên cơ sở nghiên cứu và tổng hợp những tham luận, GS Phó Chủ tịch nêu bật những nội dung chính của Hội thảo tập trung thảo luận:

1/ Cách mạng tháng Mười Nga: bài học lịch sử và ý nghĩa hiện thời.

2/ Mô hình xã hội chủ nghĩa thế kỷ XX và bài học kinh nghiệm cho tiến trình xây dựng CNXH thế kỷ XXI.

3/ Công cuộc Đổi mới và sự nghiệp xây dựng CNXH tại Việt Nam.

4/ Chính sách “một vài đai, một con đường” của Trung Quốc trong tiến trình cải cách CNXH ở Trung Quốc: cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam và thế giới hiện đại.

5/ Các mô hình CNXH và xu hướng đổi mới xã hội vì mục tiêu xây dựng CNXH hiện thực tại Lào, Triều Tiên, Cu Ba, mô hình Châu Mỹ - La tinh (CNXH thế kỷ XXI) và một số quốc gia khác trên thế giới: thành công, kinh nghiệm và những thách thức đặt ra.

6/ Văn minh hậu tư bản và tương lai của CNXH trong thế kỷ XXI.

7/ Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với tiến trình xây dựng nền văn minh hậu tư bản và định hướng phát triển của mô hình CNXH thế kỷ XXI.

8/ Trật tự thế giới mới và các vấn đề địa chính trị với sự nổi lên của Trung Quốc và sự trở lại của Nga trong tiến trình toàn cầu hóa.

Toàn cảnh Hội thảo

Dưới sự chủ toạ của GS.TS. Phạm Văn Đức và GS. Heinz Dieterich, hai phiên toàn thể đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia qua các báo cáo rất có chất lượng của các diễn giả GS. William Paul Cockshott, Đại học Glassgow, Anh; PGS.TSKH. Võ Đại Lược, VASS; TS. Stefan Rehfus, Cộng hòa liên bang Đức, PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu con người, VASS; GS. Gernot Ernst, Đại học Oslo, Na Uy; GS. Konstantin Sivkov Viện nghiên cứu địa chính trị quốc gia Nga, Cộng hòa liên bang Nga; GS. Luo Yuding, Đại học Vũ Hán, Trung Quốc; GS. Dmitri Pletnev Đại học Chelyabinsk, Cộng hòa liên bang Nga. Các học giả đã thuyết trình các vấn đề về Big data (dữ liệu lớn – siêu dữ liệu) và những siêu máy tính (nền tảng của chủ nghĩa cộng sản công nghệ); Quản trị nhà nước theo mô hình Marx-Darwin-CTS và mô hình CNXH chuyển đổi (quá độ) của Trung Quốc: (lực lượng sản xuất, đối kháng giai cấp và vai trò của Đảng tiên phong); Chủ nghĩa tư bản (khủng hoảng, điều chỉnh và thích ứng); Mối đe dọa với bộ não xã hội chủ nghĩa (nền tảng thần kinh học về hành vi tập thể); Thực trạng địa chiến lược của các siêu cường thế giới và các xu thế chính trị-quân sự toàn cầu của sự tiến hóa trong hệ thống thế giới; sự phát triển trên khía cạnh sức mạnh mềm của các quốc gia xã hội chủ nghĩa….

 

Hoạt động thảo luận tại các Tiểu ban

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Bên cạnh đó Hội thảo còn chia thành các tiểu ban thảo luận sôi nổi các vấn đề như: Tiểu ban 1, chủ nghĩa xã hội hiện thực; Tiểu ban 2, cách mạng khoa học công nghệ 4.0, thực tiễn xã hội Việt Nam và những vấn đề quốc tế; Tiểu ban 3, Cách mạng tháng Mười và thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam. Những ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tranh luận của các học giả quốc tế và Việt Nam tới những vấn đề có liên quan sẽ gợi mở hướng nghiên cứu mới đóng góp vào quá trình phát triển cả lí luận và thực tiễn về CNXH cũng như tương lai của văn minh nhân loại. Các bài tham luận có giá trị của các học giả Việt Nam đã phần nào giúp cho các học giả quốc tế nhận thấy rằng sự thành công của công cuộc đổi mới Việt Nam đã bổ sung thêm những chi tiết mới vào con đường, cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội đối với những nước thực hiện bước quá độ “rút ngắn”, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa; Việt Nam khẳng định kiên trì chủ nghĩa Mác không có nghĩa là áp dụng một cách nguyên xi, máy móc, mà là vận dụng một cách khoa học và sáng tạo những tư tưởng của các ông trong điều kiện lịch sử mới. Chính sự sáng tạo trong vận dụng, sự bổ sung và hoàn thiện những nguyên lý chủ nghĩa Mác cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử mới của thời đại là con đường đúng đắn để bảo vệ chủ nghĩa Mác, để kiên trì đi theo chủ nghĩa Mác.

Sự trao đổi thẳng thắn của các học giả quốc tế cũng cung cấp cho học giả Việt Nam những góc nhìn và đánh giá đa chiều về chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tự do mới, kinh tế thị trường, văn minh hậu tư bản…

Sau hai ngày làm việc sôi nổi và hiệu quả Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Hội thảo cũng đồng thời là diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích của các chuyên gia, học giả Việt Nam và quốc tế góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác khoa học và tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội trên thế giới để cùng triển khai các dự án, hướng tới sự hòa bình và phát triển bền chặt trong tương lai.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác