Đến dự buổi Tọa đàm, về phía VASS có PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch VASS; đại diện lãnh đạo một số viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc VASS cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học của VASS. Về phía WB có Ngài Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng thế giới Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương; Ngài Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam; Ông Đoàn Hồng Quang, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam.
Tọa đàm do Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm – PGS.TS. Đặng Nguyên Anh và Ngài Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng thế giới Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương chủ trì.
Theo báo cáo "Cưỡi sóng lớn: Sự thần kỳ Đông Á trong thế kỷ 21" do WB công bố, tăng trưởng bao trùm đòi hỏi các nước phải tiến thêm một bước xa hơn nữa so với mô hình “tăng trưởng công bằng”, dẫn đến giảm nghèo, giúp mọi người đi lên và bảo đảm an ninh kinh tế. Báo cáo chỉ rõ, thực tế: “Viễn cảnh nâng cao địa vị cho mọi người sẽ ngày càng trở nên xa vời hơn, cho thấy dường như thu nhập và của cải ngày càng tập trung vào một nhóm người; trong khi đó, thì tiếp cận dịch vụ xã hội thiết yếu vẫn còn hạn chế và nếu có thì chất lượng thường thấp”. Vì vậy, việc bảo đảm an ninh kinh tế cho mọi người ngày càng trở nên khó thực hiện hơn, nhất là khi các nước trong khu vực lại phải đối mặt với thách thức mới: Già hóa nhanh, viễn cảnh tăng trưởng kinh tế kém chắc chắn hơn,và đô thị hóa mạnh hơn.
Tỉ lệ nghèo cùng cực và nghèo trung bình giảm mạnh, từ gần một nửa dân số năm 2002 xuống dưới 1/8 dân số năm 2015. Tuy nhiên tỉ lệ nhóm dễ bị nghèo trở lại vẫn không thay đổi trong khoảng thời gian 2002-2015 và xoay quanh mức khoảng 1/4 dân số. Đây là những thay đổi khả quan,nhưng muốn gia tăng tính bền vững, các chính sách tăng trưởng bao trùm cần nhận ra và giải quyết các hạn chế mà các giai tầng kinh tế khác nhau phải đối mặt. Chính sách cho các nhóm nghèo còn lại cần giảm rào cản tới cơ hội kinh tế cho họ và bảo đảm tăng trưởng trên diện rộng, nhằm giúp các nhóm nghèo di chuyển lên các nấc thang cao hơn trong phân tầng thu nhập.
Việc tổ chức buổi tọa đàm này là cơ hội giao lưu quốc tế có ý nghĩa đối với các chuyên gia, các học giả của VASS trong trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của thế giới về giảm nghèo, chia sẻ thịnh vượng, đối mặt với bất bình đẳng và các vấn đề hàm ý chính sách cho định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.
Tại Tọa đàm, báo cáo “Cưỡi sóng lớn: Sự thần kỳ Đông Á trong thế kỷ 21” được Ngài Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng thế giới Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương trình bày tóm tắt, báo cáo chia các nước thành 5 nhóm và đề xuất các chính sách cho từng nhóm:
Thứ nhất, Ma-lai-xi-a và Thái Lan nhóm nước “Thịnh vượng tiến bộ” đã cơ bản xóa bỏ nghèo cùng cực và có một tầng lớp trung lưu với số lượng lớn cần tập trung vào đáp ứng đòi hỏi của tầng lớp trung lưu, huy động và sử dụng nguồn lực nhằm xóa bỏ những khoảng cách còn lại.
Thứ hai, Trung Quốc và Việt Nam, nhóm nước “Vừa thoát nghèo đang tiến lên thịnh vượng” cũng cần chú trọng đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu và các nhóm còn dễ bị tổn thương; đồng thời, các nước này cũng cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình trạng già hóa nhanh.
Thứ ba, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin và Cam-pu-chia thuộc nhóm “Thoát nghèo cùng cực”, hiện còn một tỷ lệ nghèo cùng cực thấp nhưng nhóm trung lưu cũng vẫn còn nhỏ; các nước này nên tập trung ưu tiên cải thiện địa vị kinh tế và lồng ghép các chương trình an sinh xã hội.
Thứ tư, các nước chậm phát triển hơn như CHDCND Lào và Papua New Guinea vẫn còn tỷ lệ nghèo cùng cực lớn. Các nước này nên tập trung giảm nghèo nhanh hơn nữa bằng cách đầu tư vào giáo dục phổ thông, thúc đẩy hòa nhập tài chính, đồng thời tăng cường trợ giúp xã hội và năng lực kháng cự.
Thứ năm, các đảo quốc Thái Bình Dương là một nhóm đặc biệt. Các nước này cần tập trung khai thác cơ hội kinh tế sẵn có, ví dụ du lịch và đánh bắt hải sản, di cư ra nước ngoài lao động, và cần đầu tư vào giảm nhẹ và phòng tránh thiên tai.
Toàn cảnh Tọa đàm
Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến bình luận, đặt câu hỏi, trao đổi thẳng thắn cởi mở của các đại biểu tham dự; thống nhất một số luận điểm chung về tăng cường cải thiện địa vị kinh tế nhằm giảm khoảng cách tiếp cận tới công ăn việc làm và dịch vụ, cải thiện chất lượng việc làm và tăng hòa nhập tài chính; tăng cường an ninh kinh tế bao gồm tăng cường hệ thống an sinh xã hội, mở rộng bảo hiểm xã hội, và tăng tính chịu đựng với các cú sốc và tăng cường thể chế cần thiết để tăng trưởng hòa nhập. Các đại biểu cũng nhấn mạnh vào tình hình thực tế của Việt Nam, nước vừa thoát nghèo đang tiến lên thịnh vượng, cần chú trọng đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu và các nhóm còn dễ bị tổn thương; đồng thời, cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình trạng già hóa nhanh. Đồng thời các ý kiến cũng chỉ ra thách thức của tiến bộ khoa học công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng lần thứ tư (sự chênh lệch giàu nghèo và bình đẳng rõ rệt hơn giữa các nước sở hữu khoa học công nghệ và các nước không sở hữu khoa học công nghệ).
Thay mặt Lãnh đạo VASS phát biểu tổng kết Tọa đàm, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh trân trọng cảm ơn đoàn chuyên gia WB đã đến thăm và trao đổi học thuật tại Viện Hàn lâm; đánh giá cao ý nghĩa của buổi Tọa đàm và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều cơ hội hợp tác, nhiều chia sẻ khoa học từ phía WB trong thời gian tới./.
Nguyễn Xuân Khoát