Hội thảo khoa học quốc tế “Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu”

17:00 15/12/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 14/12/2017, tại Hội trường 3D, trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu”. Hội thảo vinh dự được đón tiếp đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (Hội đồng LLPBVHNTTW).
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm<br>phát biểu khai mạc tại Hội thảo <br>   PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn và PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp (từ phải qua trái) chủ trì phiên khai mạc tại <br> Hội thảo
Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học; cùng các Phó Viện trưởng - PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học và PGS.TS. Vũ Thanh; các đại biểu đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương; Hội Nhà Văn Việt Nam; các trường đại học tại Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh cùng sự hiện diện của các nhà khoa học quốc tế đến từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Thái Lan, Philipines, Đài Loan…
 
Phê bình sinh thái (PBST) là một khuynh hướng nghiên cứu liên ngành, giàu tiềm năng, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng môi trường toàn cầu và trước những vấn nạn môi trường do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gây nên. Sự phát triển của PBST là một biểu hiện của sự gia tăng tương tắc giữa nghiên cứu hàn lâm với các vấn đề thực tiễn của xã hội, giữa nghiên cứu văn học với các khoa học xã hội và nhân văn khác. Văn học Việt Nam có nhiều sáng tác lấy sinh thái làm trung tâm hay biểu đạt chủ đề sinh thái sâu sắc. Thực tiễn đó cần được thảo luận kỹ lưỡng từ một nhãn quan lý thuyết tương thích. 
 
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự; đồng thời nhấn mạnh, đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên về PBST diễn ra ở Việt Nam, thể hiện sự nhạy bén và tinh thần trách nhiệm của giới khoa học xã hội nhân văn và văn nghệ sĩ trong thời đại khủng hoảng môi trường. 
Với những ý nghĩa to lớn và đầy tính nhân văn, GS Chủ tịch mong muốn các nhà khoa học từ góc độ chuyên môn sẽ tập trung thảo luận một số vấn đề quan trọng như sau:
Thứ nhất, làm sáng tỏ hơn nữa những bình diện quan trọng nhất của PBST với tư cách là một chuyển hướng đầy thích ứng của nghiên cứu văn học trong thời đại khủng hoảng môi trường.
Thứ hai, trên cơ sở phân tích và tiếp cận liên ngành, các nhà khoa học sẽ xác định và khẳng định sự xuất hiện của quan điểm triết học mới về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong bối cảnh văn hóa đương đại.
Thứ ba, đưa ra các đề xuất khoa học, những phương thức hợp tác đa chiều giữa văn học và các bộ môn khoa học khác; giữa các tổ chức nghiên cứu và tổ chức xã hội; giữa Việt Nam và thế giới nhằm đảm bảo cho phát triển bền vững tại các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Toàn cảnh phiên Khai mạc tại Hội thảo

Trong báo cáo đề dẫn, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp đã trình bày khái quát sự ra đời và phát triển của PBST; đặc trưng và PBST ở Việt Nam. Đồng thời, PGS Viện trưởng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chủ đề hội thảo hướng tới cùng bàn luận, đối thoại về PBST, khẳng định vị thế PBST trong khoa học nhân văn hiện đại. Qua đó, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp mong rằng, những phân tích, diễn giải, bàn luận của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới tại Hội thảo sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nền tảng triết – mỹ và những vấn đề trọng yếu nhất của PBST, từ đối tượng đến bản chất, chức năng, nhiệm vụ và phương pháp tiếp cận, phương pháp phân tích văn bản…; bày tỏ hi vọng, với sự xuất hiện của sinh thái học nhân văn, một trào lưu nhân văn mới sẽ được hình thành trên cơ sở hài hòa giữa tam vị nhất thể: con người – xã hội – tự nhiên trong ngữ cảnh văn hóa đương đại.

 

Hoạt động thảo luận tại các Tiểu ban

Hội thảo nhận được hơn 100 báo cáo, trong đó có 23 tham luận được trình bày của các tác giả đến từ các trung tâm nghiên cứu lớn trong và ngoai nước, được chia làm các 03 tiểu ban chính, tập trung thảo luận, trao đổi về các vấn đề: (1) Diễn tiến của PBST trong thời gian gần đây; (2) Kinh nghiệm nghiên cứu văn học sinh thái; (3) Cơ hội và khả năng của PBST ở Việt Nam.

Các báo cáo là những bài viết có chất lượng khoa học, chứa đựng những thông tin giá trị về vấn đề PBST, lịch sử, phát triển, thực trạng của PBST tại các châu lục, các nước, những vấn đề lý luận và thực tiễn về PBST nói chung, PBST tinh thần, PBST văn chương nói riêng, tính liên ngành của PBST và những biểu hiện PBST trong sáng tác văn học từ thời kỳ tiền PBST đến giai đoạn hiện nay.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Những ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo đều hướng tới phấn đấu cho ý nguyện bảo vệ môi trường sinh thái toàn cầu; chỉ ra các thách thức trước thực tế của môi trường sinh thái đối với sáng tạo văn học (đặc biệt trong môi trường đang đô thị hóa, phá vỡ cấu trúc của môi trường sinh thái truyền thống); bình luận các sáng tác ở giai đoạn tiền sinh thái (vấn đề sinh hoạt trong sử thi Xơ Đăng với bối cảnh môi trường Tây Nguyên, sáng tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông dưới góc nhìn sinh thái học…) đến các vấn đề sinh thái trong văn học, văn hóa Việt Nam hiện đại cũng như nhiều nước trên thế giới… Qua đó góp phần làm sáng tỏ những bình diện quan trọng của PBST với tư cách là một khuynh hướng đầy thích ứng của nghiên cứu văn học và văn hóa trong thời đại khủng hoảng môi trường, hướng tới xác lập mối quan hệ chặt chẽ giữa con người và tự nhiên trong bối cảnh văn hóa đương đại, tạo mối liên kết đa chiều giữa văn học và các bộ môn khoa học khác, giữa Việt Nam và thế giới, thúc đẩy những liên hệ xã hội và tạo dựng tính thực tiễn của nghiên cứu, phê bình văn học trong giai đoạn kết nối giữa văn hóa, văn học Việt Nam với thế giới.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật khách quan, đối thoại cởi mở và thẳng thắn. Kết quả của hội thảo là minh chứng sinh động về tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học đối với sự phát triển của con người trong một môi trường sống thầm đầy tính nhân văn. Tiếng nói của Hội thảo không chỉ dành cho hiện tại mà còn hướng đến tương lai, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Nguyễn Thu Trang

 
In trang Chia sẻ

Tin khác