Hội thảo quốc tế: “Đa dạng văn hóa trong thống nhất dân tộc: chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Ma-rốc”

17:00 02/04/2018
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 27 tháng 3 năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 57 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Ma-rốc (27/03/1961 – 27/03/2018), tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp cùng với Đại sứ quán Vương quốc Ma-rốc tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo quốc tế: “Đa dạng văn hóa trong thống nhất dân tộc: chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Ma-rốc”.

Đến dự Hội thảo, về phía Ma-rốc và các quan khách nước ngoài có ông Azzeddine Farhane, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Morocco tại Việt Nam; ông Jorge Rondon Uzcátegui, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Bolivar Venezuela tại Việt Nam, Trưởng Đoàn Ngoại giao; Ông Anar Imanov, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam; Ông Saadi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam; Ông Akif Ayhan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam; Ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; GS. TS. Abdallah Saaf - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu KHXH, Đại học Mohammed V, Rabat, Ma-rốc; GS. TS. Jamal Eddine el Hani - Trưởng khoa Khoa học Nhân văn, Đại học Mohammed V, Rabat, Ma-rốc; GS. TS. Fatima-Zahra Iflahen - Giáo sư Khoa Khoa học Nhân văn, Đại học Cadi Ayad, Thành phố Marrakech,Ma-rốc.

PGS.TS. Lê Phước Minh (trái)  GS. Abdallah Saaf (giữa), Đại sứ Vương quốc Ma-rốc (phải)   <br>Toàn cảnh Hội thảo

Về phía Việt Nam, có Ông Phạm Sỹ Tam, Cựu đại sứ Việt Nam tại Ai Cập; Ông Nguyễn Quang Khai, Cựu đại sứ Việt Nam tại UAEs; Ông Nguyễn Trung Kiên - Quyền Vụ trưởng Vụ Trung Đông – Châu Phi, Bộ Ngoại giao; Bà Trần Thị Xuân Oanh, Phó Trưởng Ban Á-Phi, Liên hiệp tổ chức hữu nghị Việt Nam; TS. Cấn Việt Anh - Phó Chủ tịch thường trực, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Tp. Hà Nội; các nhà nghiên cứu khoa học đến từ các Viện nghiên cứu và các sinh viên của các trường Đại học tại Hà Nội.

Về phía Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES), có PGS.TS.Lê Phước Minh - Viện trưởng IAMES; PGS.TS.Đỗ Đức Định, nguyên Viện trưởng IAMES; PGS.TS.Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Viện trưởng IAMES; TS. Trần Thị Lan Hương - Phó Tổng biên tập Tạp chí IAMES; PGS.TS.Nguyễn Thanh Hiền, nguyên Tổng biên tập Tạp chí IAMES cùng các cán bộ nghiên cứu IAMES.

Hội thảo cũng vinh dự có được sự tham dự của các lãnh đạo, đại diện các ban và các nhà nghiên cứu của các cơ quan trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và các cơ quan truyền thông, báo chí.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS.Lê Phước Minh nhấn mạnh “văn hóa, đa dạng văn hóa là những khái niệm phức tạp bao gồm kiến thức, niềm tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập tục thói quen, là thái độ ứng xử, là truyền thống, là biểu trưng của một dân tộc, quốc gia… Lý luận và thực tiễn đã chỉ ra văn hóa, đa dạng văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, niềm tin, đạo đức… có liên quan mật thiết với sự hòa bình, hợp tác và thống nhất quốc gia, dân tộc”. Việt Nam và Ma-rốc có nhiều nét tương đồng, đó chính là sự đa dạng, phong phú về văn hóa, con người. Đây cũng là một trong những lý do để Đại sứ quán Ma-rốc tại Việt Nam và Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông hợp tác tổ chức Hội thảo “Đa dạng văn hóa trong thống nhất dân tộc: chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Ma-rốc”. Có thể nói, hội thảo này tổ chức vừa kỷ niệm 57 năm thiết lập ngoại giao giữa hai nước, vừa thắt chặt quan hệ hợp tác giữa Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông với Đại sứ quán Ma-rốc tại Việt Nam cũng như các đối tác khác của Ma-rốc trong trao đổi thông tin và chia sẻ quan điểm về những chủ đề liên quan đến quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại, an ninh khu vực và toàn cầu, phát triển kinh tế, chính trị và văn hóa…

Hội thảo chia làm hai phiên với nhiều bài tham luận cô đọng và bổ ích về các vấn đề liên quan đến đa dạng văn hóa như: Khuôn khổ và chính sách toàn cầu của UNESCO về đa dạng văn hoá; vai trò của đa dạng văn hóa; đa dạng văn hóa trong thống nhất dân tộc ở Việt Nam và Ma-rốc…

Sau 2 phiên trình bày tham luận, các học giả, các nhà ngoại giao và các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ quan điểm của mình về sự đa dạng văn hóa trong thống nhất dân tộc cũng như việc giữ gìn và phát huy vai trò của nó trong bối cảnh toàn cầu mới.

Các bài tham luận, các trao đổi kinh nghiệm của các nhà ngoại giao, các học giả nghiên cứu… đã góp phần tăng cường nghiên cứu học thuật, trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa Việt Nam và Ma-rốc về sự đa văn hóa trong thống nhất dân tộc, cũng như tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Ma-rốc.

Tin: PV

Ảnh: Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác