Hội thảo “Các thành phần kinh tế Việt Nam: Vấn đề và định hướng chính sách”

17:00 23/04/2018
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Nhằm triển khai, thực hiện đề tài “Các thành phần kinh tế Việt Nam hiện nay: Thực trạng, xu hướng phát triển và định hướng chính sách” trong khuôn khổ chương trình “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020”, Mã số: KX04/16-20 của Hội đồng Lý luận Trung ương, sáng ngày 18/4/2018, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức hội thảo với chủ đề “Các thành phần kinh tế Việt Nam: Vấn đề và định hướng chính sách”. Hội thảo là một trong những chuỗi sự kiện của đề tài khoa học cấp Nhà nước do PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam làm chủ nhiệm.
Chủ nhiệm đề tài – PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh -  nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; TS. Vũ Trọng Bình - Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương và các nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm như PGS.TS. Võ Đại Lược, GS.TS. Nguyễn Quang Thái, TS. Vũ Đình Ánh, TS. Huỳnh Thế Du, GS. Đỗ Thế Tùng, PGS.TS. Đinh Quang Ty, TS. Lưu Bích Hồ, PGS.TS. Phí Mạnh Hồng, PGS.TS. Lê Minh Nghĩa cùng nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm và Viện Kinh tế Việt Nam.

Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là chủ trương lớn của Đảng trong công cuộc đổi mới, là vấn đề có tính chiến lược lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đại hội lần thứ XII của Đảng (*) tiếp tục nhấn mạnh chủ trương "Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp". Trên tinh thần đó, thể hiện trong Văn kiện, có thể thấy, Đại hội xác định nền kinh tế gồm 5 thành phần, gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế được tổ chức theo hình thức sản xuất kinh doanh với sở hữu hỗn hợp, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời, Đại hội định hướng cụ thể cho các thành phần kinh tế phát triển theo các nguyên tắc: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả". Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã. Đẩy mạnh liên kết và hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương pháp quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực; chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác xã trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò kinh tế hộ.

Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh với sở hữu hốn hợp, nhất là các doanh nghiệp cổ phần…

Tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Đình Thiên đã trình bày tham luận “Phát triển các thành phần kinh tế Việt Nam: Vấn đề và chính sách”, phân tích các nội dung về cấu trúc và thực trạng phát triển doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI…Qua đó gợi mở một số chính sách về doanh nghiệp Nhà nước (đẩy mạnh cổ phần hóa, tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn ra khỏi ngành nghề không phải kinh doanh chính và tập trung vào ngành “cốt lõi”; doanh nghiệp FDI (lựa chọn dự án FDI công nghệ cao, sàng lọc những dự án FDI gây ô nhiễm môi trường); doanh nghiệp tư nhân trong nước (ứng xử bình đẳng như các doanh nghiệp khác, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh). 

    Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được 18 tham luận và các ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và chuyên viên cao cấp về lý luận chính trị ở các viện, trường đại học trên cả nước đã tập trung làm rõ những thành công và triển vọng phát triển các thành phần kinh tế ở nước ta, nhất là từ thời kỳ Đổi mới; khẳng định sự đúng đắn, sự sáng tạo và liên tục phát triển cả về nhận thức, lý luận, cũng như trong chỉ đạo và tổ chức thực tiễn xây dựng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Nhiều ý kiến đã phân tích, gợi mở nhiều vấn đề, kiến nghị nhiều giải pháp thiết thực và toàn diện, nhằm củng cố bản lĩnh, nâng cao năng lực phản ứng chính sách, vượt qua những định kiến và thách thức mới, tạo đột phá thể chế, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng bình đẳng và lành mạnh, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tiềm năng kinh tế theo yêu cầu phát triển bền vững và nâng cao vị thế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích, góp phần làm rõ các vấn đề lý luận, thực trạng phát triển và định hướng một số chính sách nhằm phát triển các thành phần kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới. Những thông tin thảo luận của các đại biểu sẽ là nguồn tư liệu tham khảo có ý nghĩa quan trọng đối với Đề tài, hướng tới cung cấp những luận cứ khoa học, phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

(*) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII. Nxb Chính trị quốc gia.

Nguyễn Thu Trang

 

In trang Chia sẻ

Tin khác