|
GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại Diễn đàn |
Tham dự Diễn đàn về phía Viện Hàn lâm có GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cùng sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu chuyên ngành; các tổ chức, trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc và các cơ quan thông tấn báo chí khác trên địa bàn Thủ đô Hà Nội
Diễn đàn cũng được đón tiếp nhiều chính khách đến từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và đất nước chủ trì Hàn Quốc với sự có mặt của Ngài Kim Jeong In - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ hòa bình thống nhất khu vực Đông Nam Á (Chủ tịch Hội đồng tư vấn); Ngài Lee Sook-Jin, Phó Chủ tịch ASEAN, Hội đồng tư vấn Thống nhất hòa bình dân chủ và Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - Ngài Kim Do - Hyon
Phát biểu chào mừng Diễn đàn GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhận định: Thống nhất hòa bình Bán đảo Triều tiên và tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc với Việt Nam và các quốc gia Tiểu vùng sông Mekông đang trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới học giả nghiên cứu cũng như các nhà hoạt động thực tiễn ở Việt Nam và Hàn Quốc. Hơn 70 năm qua, một bán đảo Triều Tiên thống nhất trong hòa bình không chỉ là khát vọng cháy bỏng của nhân dân hai miền Triều Tiên mà còn là mong ước chân thành của nhân dân Việt Nam cũng như toàn thể những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Bên cạnh đó, kết quả cuộc hội đàm cấp cao Việt - Hàn vừa diễn ra nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng với chính sách “hướng nam mới” của Chính phủ Hàn Quốc đang mở ra cơ hội mới cho việc tăng cường hợp tác phát triển vì hòa bình và thịnh vượng chung giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng như giữa Hàn Quốc và các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong.
GS.TS Phó chủ tịch Viện Hàn lâm cho rằng Diễn đàn chính là dịp để các nhà khoa học của hai nước cùng thảo luận và chia sẻ quan điểm về ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, những kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình thống nhất đất nước, các phương án hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc cũng như giữa Hàn Quốc và các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mekông.
|
|
PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á phát biểu tại Diễn đàn |
Các diễn giả tham luận tại Diễn đàn |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cho biết, Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc - Mekông là sự tiếp nối những thành quả đạt được của hai “Diễn đàn vì hòa bình Hàn Quốc - Việt Nam” trước đó được tổ chức vào các năm 2015, năm 2016. Trên cơ sở các kết quả đạt được, Diễn đàn lần này sẽ mở rộng phạm vi thảo luận nhằm kết nối sự tham gia của các đại biểu đến từ các nước khu vực sông Mekông với mục tiêu tăng cường sự hợp tác giữa Hàn Quốc với Việt Nam cũng như với các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mekông vì sự phát triển hòa bình và thịnh vượng chung.
Chia sẻ mong muốn đạt được tại Diễn đàn, Ngài Kim Jeong In, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ hòa bình thống nhất Hàn Quốc, Khu vực Tây Đông Nam Á đã bày tỏ mong muốn lắng nghe những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc vượt qua lịch sử đất nước bị chia cắt thành hai miền đất nước, thống nhất lãnh thổ và đạt được sự hòa hợp dân tộc cũng như thành tựu phát triển.
|
Toàn cảnh Diễn đàn |
Ngài Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho rằng, trong tương lai, Bắc Triều Tiên bắt buộc phải đi theo con đường cải cách và phát triển theo mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, vốn được coi là bằng cụm từ “Đổi mới” tại Việt Nam. Hy vọng rằng, khi các điều kiện cần thiết trở nên chín muồi, Hội đồng tư vấn (Hàn Quốc) và Viện Hàn lâm (Việt Nam) sẽ có cơ hội mời các chuyên gia của Bắc Triều Tiên để tổ chức Diễn đàn Hòa bình ngay tại Hà Nội, góp phần tích cực, hỗ trợ cục diện chính tranh lạnh tại bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á sẽ được chấm dứt nhanh chóng hơn, tạo dựng nên một đất nước Hàn Quốc thống nhất, cũng như lập ra một siêu châu Á hay còn gọi là 5 quốc gia tiểu vùng sông Mêkông cùng nhau đạt được sự thịnh vượng lẽ ra phải có từ rất lâu.
Qua các trao đổi thẳng thắn và cởi mở tại Diễn đàn, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, chính khách đến từ nhiều quốc gia đều cho rằng vai trò của Việt Nam trong tiểu vùng sông Mekông ngày càng trở nên quan trọng khi Việt Nam không chỉ nhờ vào vị trí địa chính trị và quá trình đấu tranh cách mạng trong lịch sử mà còn ở sự tích cực, chủ động, tinh thần cống hiến cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Đây là những lợi thế Việt Nam tăng cường được vị thế, uy tín trong khu vực, đồng thời là cầu nối quan trọng để tăng cường tính hiệu quả và sự lan tỏa trong mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc./.
Phạm Vĩnh Hà