Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Giáo sư Huệ- Tâm Hồ Tài, Đại học Harvard; PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội kiêm Tổng biên tập Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội; TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm và sự góp mặt của các nhà khoa học đến từ Trung Quốc, Mỹ, Canada, Nhật Bản; đại diện lãnh đạo và các học giả đến từ Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu; Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I; Thư viện Quốc gia Việt Nam; Hội Thư viện Việt Nam; một số trường đại học có liên quan tại Hà Nội; Văn phòng đại diện EFEO tại Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo đến từ Ban Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý khoa học, Viện Văn học, Viện Sử học, Viện Triết học và Viện Nghiên cứu Hán Nôm…
Sách là nguồn tri thức của nhân loại nói chung và là cơ sở dữ liệu chủ yếu cho ngành khoa học xã hội và nhân văn nói riêng. Nội dung những cuốn sách phản ánh sự thay đổi của đời sống con người trên tất cả các phương diện như văn hóa, xã hội, tôn giáo, kinh tế. Bản thân mỗi cuốn sách cũng phản ánh nguồn gốc về tri thức, sự thay đổi, tiến bộ của công nghệ sản xuất giấy, công nghệ in ấn nhằm mục đích lưu trữ lâu dài, truyền bá tri thức của các thế hệ đi trước cho các thế hệ tương lai. Từ những ngày đầu thành lập, cách đây tròn 65 năm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đề cao công tác sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và gần đây là số hóa để tăng cường năng lực phục vụ tri thức chuyên ngành.
Thư viện Khoa học xã hội thuộc Viện Thông tin Khoa học xã hội và các thư viện thành viên là các thư viện chuyên ngành thuộc các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm. Hiện nay, Viện Hàn lâm đang quản lý một bộ sưu tập khổng lồ sách cổ và quý hiếm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khoa học xã hội nói chung và hệ thống thư viện khoa học xã hội và nhân văn nói riêng đã được quan tâm, đầu tư. Giai đoạn 2015-2018 và các năm tiếp theo, Viện Hàn lâm đã và đang tập trung tối đa nguồn lực để hiện đại hóa hệ thống thư viện của Viện Hàn lâm nhằm mục tiêu đưa người đọc trong và ngoài nước tiếp cận sâu hơn với nguồn tư liệu hiện đang quản lý tại Thư viện Khoa học xã hội và các thư viện chuyên ngành khác.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, PGS.TS. Bùi Nhật Quang nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự; đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hiện đại hóa hệ thống thư viện của Viện Hàn lâm, góp phần tăng cường kết nối với các thư viện trong và ngoài nước, từng bước số hóa tư liệu, tiến tới hình thành và đưa vào sử dụng hệ thống thư viện số theo tiêu chuẩn hiện đại. Theo đó, PGS Phó Chủ tịch cũng khẳng định, hội thảo quốc tế về lịch sử Sách ở Việt Nam có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển và hội nhập quốc tế của hệ thống thư viện nói riêng và của Viện Hàn lâm nói chung. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là sự gặp gỡ quan điểm phát triển nguồn lực tư liệu khoa học xã hội giữa Viện Hàn lâm và chủ trương kết nối tri thức Đông – Tây của Viện Harvard – Yenching và Trung tâm Châu Á thuộc Đại học Harvard, Hoa Kỳ, hướng tới thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu học thuật, tạo sự gắn kết chặt chẽ các chuyên gia từ Việt Nam, Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada), Châu Á (Trung Quốc bao gồm Hongkong và Đài Loan, Nhật Bản, Singapore) nhằm thảo luận về lịch sử Sách ở Việt Nam, tập trung vào sách được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, trước khi chữ quốc ngữ được phổ biến.
|
|
|
Trong phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Giáo sư Huệ - Tâm Hồ Tài đã nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng của chủ đề hội thảo nhằm tạo cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học nhìn lại lịch sử Sách Việt Nam. Qua đó đề xuất những nghiên cứu mới sâu sắc hơn: Lịch sử in ấn; Lịch sử phát triển sách của Việt Nam và Trung Quốc; Vai trò của Giới (Phụ nữ) trong lịch sử in ấn của Việt Nam và Trung Quốc; Những vấn đề liên quan đến xuất bản Sách; Nghiên cứu lịch sử phát triển in ấn, phổ cập ngôn ngữ; Quá trình truyền bá những tư tưởng thông qua vận chuyển sách…Thông qua hội thảo, Giáo sư Huệ - Tâm Hồ Tài mong muốn sẽ gợi mở nhiều hướng nghiên cứu về lịch sử Sách Việt Nam và là nguồn cảm hứng để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu về vấn đề này trên nhiều lĩnh vực.
|
|
|
Hội thảo nhận được 16 tham luận được chia làm 7 tiểu ban thảo luận, trao đổi các kết quả nghiên cứu, các ý tưởng nghiên cứu cũng như các phương pháp nghiên cứu mới về lịch sử sách ở Việt Nam. Các diễn giả trong nước và quốc tế trình bày nội dung về tình bang giao hữu nghị và sự hình thành của một tập thơ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XVII; những ẩn dụ chính trị trong Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ: Bàn từ các mối giao lưu của Trần Quang Chỉ triều Vĩnh Lạc; sứ thần Việt Nam Đặng Huy Trứ và sự giao lưu sách vở Việt – Trung; tri thức Trung Quốc về loại thư Thánh mô hiền phạm lục của Lê Quý Đôn; cấu trúc của Lĩnh Nam bản thảo qua các văn bản y dược xuất bản ở phía nam Trung Quốc và Việt Nam trong khoảng thế kỉ XVII- XIX; bản trùng san tại Hà Nội tác phẩm Hương Sơn bản quyển (1772) và in ấn kinh sách Phật giáo ở Việt Nam cuối thế kỷ XVIII; Hương Sơn bảo quyển bản An Nam và Hương Sơn bảo quyển bản Càn Long được lưu giữ tại Nhật Bản; Lịch sử thư tịch giữa lằn ranh của các văn hóa (Sách chữ Nôm và sự lưu truyền của “Thiện thư” vào thế kỷ XVIII ở Việt Nam); hệ thống sách giáo khoa tiểu học Nho giáo căn bản ở Việt Nam.
Bên cạnh đó các tham luận cũng phản ánh những chủ đề xoay quanh lịch sử của các vật liệu sử dụng trong in ấn sách, phát hành sách, sách và nhóm độc giả của sách, về lịch sử in ấn sách trong mối quan hệ thương mại Việt Nam và các nước trên thế giới như: việc xuất bản và tiêu thụ sách in mộc bản giữa Quảng Đông và Gia Định vào cuối thể kỷ XIX; xuất bản sách như một sự khẳng định quyền lực và tri thức (nghiên cứu hoạt động xuất bản sách của triều Nguyễn giai đoạn 1802-1925)…
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích, chia sẻ kinh nghiệm quí báu giữa các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, thể hiện sự hiểu biết uyên thâm của các học giả về lịch sử Sách ở Việt Nam. Theo đó, với thế mạnh của Viện Thông tin Khoa học xã hội có Thư viện Khoa học xã hội lưu trữ kho tài liệu cổ, quí hiếm là địa chỉ tin cậy, mở ra nhiều cơ hội giao lưu học thuật, hợp tác khoa học với Viện Harvard- Yenching, góp phần nâng cao năng lực kết nối giữa hai đơn vị cũng như đóng góp vào quá trình hội nhập quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong thời gian tới.
Các đại biểu tham quan khu trưng bày Sách và các tài liệu cổ tại Hội thảo
Nguyễn Thu Trang
https://harvard-yenching.org/events/history-book-vietnam