![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/img_4769.jpg) |
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm cho biết Hội thảo là một trong những sự kiện thuộc hoạt động của Chương trình nghiên cứu cấp Bộ “Nghiên cứu đánh giá tổng thể về gia đình thời kì CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế” (Chương trình) do Chính phủ giao cho Viện Hàn lâm thực hiện. Chương trình được triển khai từ giữa năm 2016, với 12 đề tài tập trung nghiên cứu các lĩnh vực khác nhau thuộc đời sống gia đình như hôn nhân; hệ thống giá trị cơ bản của gia đình; an sinh xã hội của gia đình; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong gia đình; bạo lực gia đình; ly hôn; đặc điểm gia đình trung lưu; sự biến đổi chức năng kinh tế của gia đình; việc tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng của gia đình; quá trình xã hội hóa và giáo dục cá nhân của gia đình; mối quan hệ giữa nhà nước, cộng đồng và gia đình; xu hướng biến đổi đặc điểm gia đình Việt Nam và 01 nhiệm vụ “Báo cáo tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ”. Mục tiêu chủ yếu của Chương trình là: Nhận diện những đặc điểm cơ bản của gia đình Việt Nam và xu hướng biến đổi trong giai đoạn hiện nay và thập niên tiếp theo; Xác định các yếu tố tác động đến sự biến đổi của gia đình Việt Nam; Đề xuất các luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định chính sách xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc. Theo đó, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận vào các kết quả nghiên cứu của các đề tài thuộc nội dung Chương trình, đồng thời thảo luận về những vấn đề nghiên cứu gia đình trên thế giới do các học giả quốc tế trình bày nhằm cung cấp thêm các quan điểm, góc nhìn, luận cứ khoa học cho cộng đồng những nhà khoa học và các nhà hoạt động chính sách trong lĩnh vực gia đình.
Tại phát biểu đề dẫn, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Phó Chủ nhiệm Chương trình cho biết để phục vụ cho hoạt động triển khai nghiên cứu, các đề tài thuộc Chương trình đã tiến hành xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về các vấn đề liên quan; Tổ chức các khảo sát quốc tế phục vụ nghiên cứu so sánh, đề xuất chính sách; Tọa đàm, tập huấn triển khai các nội dung nghiên cứu và báo cáo kết quả. Bên cạnh đó, các đề tài cũng thực hiện một số nghiên cứu bổ sung về những vấn đề chưa đề cập ở 12 đề tài đã nêu trong Chương trình. Qua đó, nhận diện được đặc điểm của một số mô hình gia đình mới như mẹ đơn thân, chung sống không kết hôn, gia đình hôn nhân khác dân tộc/tôn giáo; Xu hướng không kết hôn, sống độc thân; Gia đình người di cư; Gia đình có vợ hoặc chồng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và nhận diện những đặc điểm mới, nổi trội trong quá trình triển khai thực hiện chính sách gia đình ở Việt Nam và quốc tế.
Thông qua 3 phiên làm việc: Phiên 1: Gia đình Việt Nam trong mối quan hệ với các thiết chế xã hội khác (do GS.TS. Trịnh Duy Luân và GS.TS. Yoshihiko Shiratori đồng chủ trì); Phiên 2: Gia đình nhìn từ tiếp cận đa ngành (do PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi và PGS.TS. Bussarawa Puk đồng chủ trì); Phiên 3: Xu hướng biến đổi gia đình - kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam (do GS.TS. Nguyễn Hữu Minh và GS. TS. Ki-Soo Eun đồng chủ trì). Hội thảo đã được nghe 14 báo cáo về rất nhiều vấn đề liên quan tới gia đình: Đặc trưng cơ bản của hôn nhân ở Việt Nam; Gia đình trung lưu ở Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa; Chức năng kinh tế gia đình Việt Nam: xu hướng biến đổi và hàm ý chính sách; Sinh hoạt tín ngưỡng trong gia đình Việt Nam, những đặc trưng cơ bản; Giá trị gia đình Việt Nam đương đại; Một số đặc điểm biến đổi gia đình Việt Nam trong mấy thập niên qua; Kinh nghiệm phòng chống bạo lực ở một số quốc gia và thực tế tại Việt Nam; Các yếu tố tác động đến lý hôn (trường hợp Hà Nội, Khánh Hòa và Tiền Giang); Mối quan hệ gia đình, văn hóa và biến đổi gia đình ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào; Hỗ trợ gia đình đối với người cao tuổi ở Thái Lan; Những thách thức đối với gia đình Hàn Quốc đương đại; Biến đổi gia đình Nhật Bản với sự nhấn mạnh đến việc giảm tỷ lệ sinh; Xã hội học gia đình và sự nghèo khổ (bối cảnh tại Úc)…
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/img_4771.jpg) |
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/img_4774.jpg) |
GS. TS. Nguyễn Hữu Minh trình bày báo cáo đề dẫn |
Toàn cảnh hội thảo |
Qua đó, có thể thấy, Việt Nam đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng, những thách thức mà gia đình Việt Nam đang phải đối mặt như bạo lực, ly hôn, xâm hại tình dục, vấn đề chăm sóc trẻ em, người già, việc cân bằng giữa công việc và gia đình, mối quan hệ liên thế hệ, mối quan hệ giữa vợ và chồng... đang trở thành những vấn đề quan tâm không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà còn là của toàn xã hội.
Bên cạnh những mặt tích cực do bối cảnh hội nhập toàn cầu mang lại như kinh tế tăng trưởng, đầu tư cho các lĩnh vực xã hội tăng đã giúp bất bình đẳng giới trong giáo dục dần được xóa bỏ, từ đó truyền bá những quan niệm mới, tiến bộ về hôn nhân gia đình… thì những thay đổi trong lối sống cũng tạo ra một xu hướng mới trong mối quan hệ của các gia đình hạt nhân, khiến họ lỏng lẻo hơn mối quan hệ thân thuộc như họ hàng, làng xóm... và làm tiền đề cho sự xuất hiện của xu hướng sống độc thân hoặc hôn nhân không kết hôn cũng như các mô hình gia đình đa sắc tộc/ tôn giáo khác xuất hiện ngày càng nhiều trên toàn thế giới.
Kết quả của các nghiên cứu trong nước và quốc tế được trình bày đã góp phần phát hiện và lý giải những vấn đề mới xuất hiện của gia đình, chỉ ra những đặc điểm và xu hướng biến đổi của gia đình Việt Nam trong thời kỳ đổi mới cũng như các xu hướng biến đổi mới trong hôn nhân của một số nước quốc tế được đề cập. Đồng thời, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng luật, các nghị định, chính sách xã hội nhằm phát huy vai trò của gia đình trong sự ổn định và phát triển chung của toàn xã hội.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/img_4794.jpg) |
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tham dự Hội thảo |
Đánh giá kết quả đạt được, GS. TS. Nguyễn Hữu Minh nhận định: Các phát hiện của các đề tài đã phản ánh chính xác nội dung nghiên cứu. Thông qua thảo luận, các nhà khoa học đã cùng nhau làm rõ được những vấn đề cần tập trung nghiên cứu chuyên sâu/bổ sung. Qua đó, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học chuẩn xác nhằm đánh giá sự biến đổi gia đình Việt Nam trong bối cảnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế theo đúng yêu cầu của Chương trình. Đồng thời, Hội thảo còn là diễn đàn trực tiếp, mở ra cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cùng nhau thảo luận sâu hơn vào những vấn đề cùng quan tâm và tìm kiếm các cơ hội hợp tác nghiên cứu trong tương lai.
Phạm Vĩnh Hà