Hội nghị Thông báo Văn hóa năm 2019 với chủ đề “Những vấn đề văn hóa mới trong xã hội Việt Nam đương đại”

17:00 17/12/2019
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 17 tháng 12 năm 2019, tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội nghị Thông báo Văn hóa năm 2019 với chủ đề “Những vấn đề văn hóa mới trong xã hội Việt Nam đương đại”.

Hội nghị có sự tham dự về phía khách mời có: GS. Andrew Hardy, Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ; GS. Michael Digregorio, Học giả Fulbright Việt Nam; GS. Philip Taylor, Giảng viên Khoa Nhân học Trường Đại học Australia; PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Trưởng ban Ban Quản lý Khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học; PGS.TS. Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Về phía Viện Nghiên cứu Văn hóa, có: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng, TS. Hoàng Cầm, Phó Viện trưởng; cùng các học giả, nhà nghiên cứu, sưu tầm, quản lý và giảng dạy về văn hóa đến từ các cơ quan khác nhau trong cả nước, các cộng tác viên, học viên và nghiên cứu sinh Khoa Văn hóa học Học viện Khoa học xã hội, cùng toàn thể cán bộ viên chức đã và đang công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa.

Chủ trì Hội nghị (Từ phải qua trái: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, TS. Hoàng Cầm) PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm phát biểu khai mạc Hội nghị <br>

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho biết: Kể từ sau năm 1986, Đất nước tiến hành đổi mới kinh tế, chính sách văn hoá cũng như sự hội nhập ngày càng mạnh ở Việt Nam vào dòng chảy văn hoá – xã hội và kinh tế khu vực và toàn cầu đã làm thay đổi lớn diện mạo văn hoá Việt Nam. Do phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế mang lại, đã mở ra một khung cảnh và môi trường mới cho thực hành văn hoá của các nhóm tộc người thuộc tất cả các vùng miền. Chúng ta chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều những hiện tượng và thực hành văn hoá mới liên quan đến mạng xã hội, truyền thông đại chúng, tiêu dùng văn hoá, giải trí, vv... Mặt khác, trong những năm gần đây chúng ta cũng đã và đang được trải nghiệm ngày càng nhiều những diện mạo mới của các hiện tượng văn hoá cổ truyền như lễ hội, tín ngưỡng, nghệ thuật, phong tục tập quán... ở tất cả các tộc người.

Với chủ đề của Hội nghị năm nay không rộng, nhưng chuyên sâu, Hội nghị đã nhận được 59 bài tham luận của các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và một số cơ quan quản lý từ nhiều nơi trong cả nước gửi đến. Ban tổ chức đã chọn ra 44 bài tham luận phù hợp với chủ đề của hội nghị, với nội dung các bài viết khá phong phú, có chất lượng, tập trung chủ yếu vào 2 nhóm vấn đề, bao gồm: (1) Những chiều cạnh mới của văn hóa truyền thống trong xã hội đương đại; (2) Những thực hành văn hóa mới ở Việt Nam hiện nay. Với nhóm vấn đề thứ nhất, các bài viết chỉ ra rằng, trong bối cảnh toàn cầu hoá và phát triển kinh tế, mỗi cộng đồng, tộc người, phụ thuộc vào tính chủ thể tự quyết, bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể và vào sức mạnh truyền thống văn hoá riêng của mình, ở các mức độ khác nhau, đã làm mới, tái cấu trúc, tạo dựng mới bản sắc hay thay đổi nhiều khía cạnh của văn hoá cổ truyền của cộng đồng để thích ứng, hội nhập và đáp ứng những nhu cầu, khát vọng về vật chất và tinh thần trong bối cảnh mới. Quá trình tái cấu trúc, làm mới văn hoá này góp phần tạo ra diện mạo văn hoá Việt Nam khác nhiều so với các thực hành văn hoá trước đổi mới, với các đặc điểm đa dạng, lai ghép, có sự pha trộn giữa yếu tố truyền thống với những yếu tố hiện đại. Các bài viết thuộc nhóm vấn đề thứ hai tập trung trình bày và lý giải những vấn đề văn hoá mới nổi bật trong đời sống của các cộng đồng hiện nay như truyền thông xã hội, văn hoá giải trí (tìm đến Tarot, văn hoá thần tượng, truyện ngôn tình, Bolero, vv..) văn hoá tiêu dùng, hay văn hoá du lịch, vv…

Phát biểu của một số đại biểu tham dự Hội nghị

Số lượng và chất lượng các tham luận gửi đến cho thấy nghiên cứu văn hóa ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội, thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ. Việc nghiên cứu văn hóa ngày càng được mở rộng theo hướng đa chiều, đặc biệt là các giá trị văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống, lễ hội được đề cao trong xã hội và được ứng dụng vào trong cuộc sống đương đại…

Quang cảnh hội nghị

Ban Tổ chức đã chọn ra năm tham luận được trình bày tại Hội nghị: (1) “Vai trò truyền thông xã hội đối với đời sống chính trị xã hội ở Việt Nam ” của PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương, Viện Nghiên cứu Văn hóa; (2) “Nhu cầu tìm đến Tarot và hành trình khai tâm của giới trẻ Việt Nam hiện nay” của ThS. Hoàng Phan Hạnh Hiền, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam; (3) “Bolero hồi sinh: Sự trỗi dậy của chủ nghĩa quốc gia dân tộc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” của TS. Vũ Hoàng Hiếu, Viện Nghiên cứu Văn hóa; (4) “Phụng dựng di sản, khẩn cầu chữa bệnh và cậy nhờ Phật giáo: đời sống nghi lễ của một nhóm thiểu số vùng biên” của TS. Trần Hoài, Viện Nghiên cứu Văn hóa; (5) “Thế giới quan và nhân sinh quan của người Chăm Ahiêr ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận qua ẩm thực trong lễ hỏa táng” của NCS. Trần Thị Thái, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Nhân học, Viện Khoa học xã hội Vùng Trung bộ.

Hội nghị nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự. Các đại biểu đã thảo luận rộng, tìm hiểu sâu, nhận diện và làm rõ hơn về diện mạo văn hoá Việt Nam trong xã hội đương đại, đặc biệt là nhận diện, lý giải những hiện tượng và những vấn đề văn hóa mới, cũng như diện mạo mới của văn hoá cổ truyền.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Hội nghị Thông báo Văn hóa là hoạt động thường niên của Viện Nghiên cứu văn hoá và đã trở thành diễn đàn khoa học đối với giới nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy và quản lý văn hóa của các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan trên cả nước; diễn đàn để các nhà khoa học công bố những kết quả nghiên cứu mới, chia sẻ những những thành tựu về khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa trong năm./.

PV.

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác