Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực để phát triển bền vững ở Việt Nam

04:12 02/11/2019
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 1/11/2019, tại Hội trường 3D, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Nguồn nhân lực để phát triển bền vững ở Việt Nam”.

Hội thảo vinh dự được đón tiếp GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Khoa học xã hội; Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; Bà Susan Vize, Cố vấn khu vực về Khoa học xã hội và Con người khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Văn phòng UNESCO Bangkok; Ông Trần Quốc Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao, đại diện Ủy ban UNESCO Việt Nam), các diễn giả, đại biểu, khách mời đến từ các Bộ, ban, ngành trên địa bàn thủ đô Hà Nội, các học giả đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Lào, các giảng viên, các nhà nghiên cứu quan tâm đến chủ đề phát triển bền vững.

GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của toàn thể đại biểu, khách mời và nhận định: Phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt quá trình phát triển của mọi quốc gia. Đây là cơ hội và thách thức quan trọng đối với nhiều quốc gia hiện nay. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang có những diễn biến phức tạp, quá trình đô thị hóa, già hóa dân số, suy thoái môi trường diễn ra nhanh ở nhiều quốc gia đã và đang đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu đối với mô hình phát triển. Vì vậy, nguồn nhân lực được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Tuy nhiên, Việt Nam cần làm gì để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu xã hội cho đến nay vẫn còn để ngỏ. Nguồn nhân lực còn yếu, thiếu, chưa được quan tâm phát triển kỹ năng, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao sức khỏe, tâm hồn, đạo đức… một cách đầy đủ. Quan điểm, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhân lực đối với phát triển kinh tế xã hội ở các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, người sử dụng lao động nhìn chung còn hời hợt, chưa thấu đáo. Vì vậy, Hội thảo có nhiệm vụ xem xét thực trạng, đưa ra các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam như là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Qua đó, góp phần vào nhiệm vụ tư vấn chính sách mà Viện Hàn lâm và tiểu ban UNESCO về khoa học xã hội đã và đang thực hiện.

Ông Michael Croft Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo Bà Susan Vize biểu tại Hội thảo

Tiếp lời GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Ông Michael Croft cũng đề cao vai trò của giáo dục đối với việc phát triển nguồn nhân lực, ông cho rằng ở Việt Nam kết quả giáo dục còn nhiều hạn chế, thiếu hướng nghiệp và thiếu kỹ năng; Điều này vô tình đã trở thành nhân tố gia tăng bất bình đẳng, đặc biệt là sự tụt hậu của các dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng chất lượng đào tạo nghề ở Việt Nam chỉ đạt mức 3,6/7 điểm, xếp thứ 80/100 nước xem xét, gần như thấp nhất trong tất cả các nước Đông - Nam Á, thấp hơn Campuchia (xếp thứ 38). Vì vậy, Việt Nam cần ưu tiên nhất quán nhất quán giữa chủ trương và hành động về phát triển nguồn nhân lực, giữa ban hành chính sách và việc thực hiện. Coi đầu tư cho con người là là đầu tư phát triển và phải đi trước một bước. Giáo dục phải trở thành cấu phần quan trọng trong mọi chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Cần phải nêu cao tinh thần học tập suốt đời (chú trọng vào chất lượng giáo dục chính quy, học tập tại cộng đồng, nơi làm việc để phát triển kĩ năng, chuyên môn…); có cơ chế công nhận kết quả học tập giúp người lao động có thể tham gia vào thị trường lao động một cách hiệu quả; giải quyết được khoảng trống trong bất bình đẳng giơi… góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển bền vững.

Đồng quan điểm với Ông Michael Croft, bà Susan Vize cũng đưa ra các ý kiến về việc nâng cao nhận thức, xóa bỏ khoảng cách về giới đối với thị trường lao động nữ và các nhóm yếu thế. Bà đặc biệt nhấn mạnh, để phát triển bền vững, cần nâng cao quan điểm “không để cho ai bị tụt hậu về phía sau” đối với việc phát triển nguồn nhân lực. Đây là tiền đề quan trọng để các nghiên cứu đưa ra được các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tìm ra được các hướng giải quyết phù hợp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ở mọi quốc gia.

GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Ông Michael Croft và Bà Susan Vize đồng chủ trì Hội thảo

Các tham luận tại Hội thảo đã luận bàn về các vấn đề như: Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam và vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới; Thực trạng việc làm của nguồn nhân lực có học vấn cao ở Việt Nam; Đổi mới giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho phát triển trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0; Mở rộng cơ hội giáo dục và đổi mới cấu trúc nhân lực cho phát triển bền vững ở Việt Nam.

Theo TS. Đào Quang Vinh (Viện Khoa học lao động xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) lực lượng doanh nhân nước ta còn yếu về tiềm lực, đa số là sản xuất và kinh doanh nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu và thiếu chiến lược, tầm nhìn dài hạn vươn ra quốc tế và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn gặp nhiều hạn chế. Do vậy, giải pháp hiệu quả cần thực hiện ngay tại lúc này chính là tăng cường nhận thức, có chiến lược căn cơ về xây dựng vốn con người; tăng cường hơn nữa các hoạt đột nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tăng cường kết nối đào tạo và sử dụng lao động; đổi mới chính sách tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả công lao động.

Trao đổi về thực trạng việc làm của nguồn lực có học vấn cao ở Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh (Viện Xã hội học) nhấn mạnh tỷ lệ nhân lực học vấn cao phải làm việc sơ cấp (tức là làm việc không tương xứng với học vấn và tay nghề) ở Việt Nam khá cao, tập trung phần lớn vào nhóm lao động trẻ, nam giới, ở nông thôn. Nguyên nhân không chỉ do chất lượng đào tạo thấp mà còn do cơ cấu đào tạo chưa hợp lý. Điều này dẫn đến thực tế là có sự bất bình đẩng trong tiếp cận thị trường lao động chất lượng cao, thiếu cơ chế đảm bảo kết nối cung cầu lao động theo cơ chế thị trường.

GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Ông Michael Croft và Bà Susan Vize chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu và khách mời tham dự Hội thảo

Theo PGS.TS. Lưu Bích Ngọc (Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực): giáo dục Đại học ở Việt Nam cần phải đổi mạnh mẽ để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực cũng như thích ứng hiệu quả với tác động của CMCN 4.0; Các trường Đại học cần chủ động trong đổi mới các chương trình đào tạo trên cơ sở khuyến khích sự sáng tạo và tiếp cận với tri thức mới; Cần tổ chức lại các trường đại học theo hướng liên ngành và nâng cao nhận thức đào tạo thể hiện ở chất lượng sản phẩm đào tạo đầu ra và uy tín trong khu vực của trường/đơn vị đào tạo ở phạm vi trong nước, khu vực và thế giới; Tạo cho trường đại học sự linh hoạt để thay đổi và thích ứng bằng cách tăng quyền cho các trường thông qua tăng cường thực hiện cơ chế tự chủ; Các trường cần gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp cả về đầu ra cũng như đầu vào của quá trình đào tạo để không chỉ cung cấp nhân lực mà còn cung cấp giải pháp và công nghệ đáp ứng các yêu cầu xã hội trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0…

Vui mừng trước kết quả đạt được, GS.TS. Đặng Nguyên Anh  đã nhiệt liệt biểu dương các ý kiến trao đổi và khẳng định, những tham luận và ý kiến luận bàn sẽ được BTC Hội thảo khẩn trương tổng hợp, xây dựng thành báo cáo bổ sung vào hệ thống lý luận, hàm ý chính sách cho các chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Qua đó góp phần thực hiện  nhất quán giữa chủ trương và hành động phát triển nguồn nhân lực, giữa ban hành chính sách và bảo đảm cơ chế thực hiện. Coi đầu tư cho con người là một trong những đầu tư trụ cột, là cấu phần quan trọng trong mọi chương trình hành động mà Việt Nam cần thực hiện, hướng tới sự phát triển bền vững vì con người./.

Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác