Hiện nay, việc nghiên cứu về ngôn ngữ học tri nhận đang là một hướng được rất nhiều nhà khoa học Việt Nam quan tâm. Song, những nghiên cứu ứng dụng từ ngôn ngữ học tri nhận đến thực tiễn cuộc sống hầu như chưa nhiều. Chính vì vậy đề tài của chúng tôi là một hướng nghiên cứu rất mới mẻ, cần thiết cho ngành ngôn ngữ học. Đề tài này hướng tới việc tìm hiểu đặc điểm tư duy của người Việt thể hiện trong hoàn cảnh giao tiếp đời thường.
Khi chúng ta đi tìm cách nhìn, cách nghĩ về thế giới thông qua lăng kính bản ngữ của người Việt, thì nơi được thể hiện sống động nhất chính là trong giao tiếp đời thường. Vì vậy để tìm hiểu về ẩn dụ trong tư duy của người Việt, đề tài tiếp cận lựa chọn khảo sát trong khẩu ngữ. Bối cảnh của những hoạt động giao tiếp này sẽ diễn ra qua hoạt động thường nhật như những cuộc nói chuyện phiếm, những cuộc trò chuyện tại các quán cà phê,… Đó là hoàn cảnh giao tiếp quen thuộc của con người thể hiện nhu cầu giao lưu, trao đổi thông tin. Cũng trong hoàn cảnh đó đặc điểm tư duy được thể hiện tối đa và đề tài hướng đến việc tìm hiểu những ẩn dụ trong tư duy đời thường đó.
Trước những vấn đề nêu trên, đề tài “Ẩn dụ ý niệm trong tư duy người Việt (khảo sát trên tư liệu ngôn ngữ đời thường của người Việt ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ)” được thực hiện, nhằm tìm hiểu một cách hệ thống và giải đáp phần nào các vấn đề được đặt ra, làm rõ vấn đề và đưa ra một số gợi ý chính sách cho Việt Nam. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở bốn chương như sau:
Chương 1: Những vấn đề lý thuyết liên quan, trình bày những vấn đề lí thuyết liên quan đến đề tài. Nội dung chương này tập trung vào hai vấn đề là lí luận về ngôn ngữ học tri nhận và ẩn dụ ý niệm. Có hai nội dung cơ bản, thứ nhất là về ngôn ngữ học tri nhận, thứ hai là về ẩn dụ ý niệm. Ngôn ngữ học tri nhận thuộc về khoa học tri nhận. Đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học tri nhận là tư duy, nó có các nguyên lý riêng và đặt ngôn ngữ trong mối quan hệ với tư duy và văn hóa. Mỗi một cấu trúc ngôn ngữ phản ánh sự tri nhận của con người. Thế còn ẩn dụ ý niệm giúp chúng ta hiểu về thế giới thông qua hai nguyên tắc cơ bản là tương tự và nổi trội.
Chương 2: Ẩn dụ cấu trúc trong tư duy người Việt, chương này tiến hành khảo sát trong ngữ liệu để tìm ra các ẩn dụ cấu trúc tiêu biểu thường xuất hiện trong lời nói đời thường. Những ẩn dúy niệm cấu trúc trở thành những phương thức tư duy của con người, chúng ta đã nói và nghĩ bằng ẩn dụ ý niệm một cách rất phổ biến.
Văn hóa có ảnh hưởng lớn đến tư duy, nhận thức, giao tiếp của con người. Nhìn chung, văn hóa dân tộc đã tạo thành một cái phông chung trong việc nuôi dưỡng các giá trị tinh thần, vật chất trong đời sống. Con người vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa vừa là khách thể hưởng thụ chính nền văn hóa đó. Chức năng của văn hóa là giáo dục con người. Nó cũng có mối liên hệ chặt chẽ đến cái cách mà con người tư duy.
Với cách hiểu chung nhất, ẩn dụ cấu trúc (structural metaphors) là những ẩn dụ tri nhận khi một ý niệm này được cấu trúc hóa về mặt ẩn dụ trong thuật ngữ của một ý niệm khác. Nói cách khác, ẩn dụ cấu trúc là hiện tượng cấu trúc lại ý niệm ở miền ĐÍCH về mặt nghĩa sau khi nhận được những tri thức mới (những nét thuộc tính mới) do ý niệm ở miền NGUỒN gán cho (hay ánh xạ lên). Chẳng hạn, trở lại ẩn dụ cấu trúc THỜI GIAN LÀ TIỀN BẠC, ta thấy ý niệm TIỀN BẠC (miền NGUỒN) đã cấu trúc hóa ý niệm THỜI GIAN (miền ĐÍCH) làm cho hai khách thể THỜI GIAN và TIỀN BẠC trở nên tương đồng ở một bộ phận nào đó.
Chương 3: Ẩn dụ bản thể trong tư duy người Việt, tập trung vào phân tích các ẩn dụ bản thể. Dựa trên phần cơ sở lí luận của đề tài và dựa vào kết quả khảo sát, chương này tập trung làm sáng tỏ các phạm trù ý niệm tiêu biểu trong ẩn dụ bản thể, các cơ sở nghiệm thân của từng ý niệm, những mô hình tỏa tia và các biểu thức ngôn từ thể hiện ẩn dụ ý niệm bản thể.
Ẩn dụ ý niệm có tính phổ quát toàn nhân loại nhưng ở mỗi một dân tộc trong sự chi phối của ngữ cảnh văn hóa như đặc điểm thời đại, ý thức hệ tư tưởng, phong tục tập quán, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa... lại có một màu sắc riêng. Các nhà ngôn ngữ học tri nhận cho rằng mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa đều có một khung tư duy nhất định, nó ảnh hưởng đến cách mà con người suy nghĩ, nói năng, giao tiếp.
Chương 4: Ẩn dụ định hướng trong tư duy người Việt, chương 4 tập trung tìm hiểu về ẩn dụ định hướng. Từ kết quả khảo sát, chương này đưa ra các con số thống kê về các ẩn dụ định hướng cùng với số lượng các biểu thức ẩn dụ. Đồng thời tìm hiểu các cơ sở nghiệm thân, cơ sở văn hóa của các cặp ẩn dụ định hướng.
Ẩn dụ định hướng đã chỉ ra rằng các hình hệ ngôn ngữ học tiền tri nhận (cấu trúc-ngữ nghĩa, chức năng, dụng học), tuy khác nhau về đối tượng cụ thể, về đơn vị nghiên cứu, về cách tiếp cận đặc thù, song vẫn có những điểm chung – đó là các nhà nghiên cứu chỉ tập trung cái nhìn vào bản thân ngôn ngữ.
Đề tài với bốn chương đã nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm xuất hiện trong tư duy của người Việt dựa trên tư liệu là các cuộc nói chuyện của người dân ở một số tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ là Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình. Những kết quả nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện như sau:
Thứ nhất, ngôn ngữ học tri nhận với cơ sở tâm lí học và những nguyên lí riêng của nó đã chứng minh rằng tư duy của con người luôn có sự vận động theo một qui trình tri nhận nhất định. Quy trình đó là hình ảnh thế giới khách quan đã được ánh xạ trong tâm lí con người, được mã hó bởi chính ý nghĩa sự vật và các sơ đồ tri nhận để tạo nên những biểu tượng tinh thần. Ẩn dụ ý niệm là một phương thức để con người tri nhận về thế giới xung quanh. Tất cả các ý niệm trong tâm trí con người đều có sự liên kết với nhau tạo thành một mạng lưới. Cơ sở để hình thành các ý niệm là sự nghiệm thân và phông nền văn hóa. Trong đó sự trải nghiệm của thân thể dựa trên những cảm nhận của năm giác quan, còn phông nền văn hóa bao gồm văn hóa dân tộc, văn hóa cá nhân.
Thứ hai, ẩn dụ cấu trúc đã cấu trúc hóa thế giới thông qua hai miền ý niệm có tính cụ thể. Các phạm trù của ẩn dụ ý niệm khảo sát được là cuộc đời, tình yêu, hôn nhân, tiền, cái chết. Đây là những vấn đề thuộc sự quan tâm hàng đầu của con người trong cuộc sống. Chúng ta thường nói về những điều quan trọng nhất với mình. Chín ẩn dụ cấu trúc cùng với các biểu thức ngôn từ ẩn dụ đã cho chúng ta một cái nhìn hiện thực về cách mà não bộ đã tổ chức các hiểu biết của con người. Ẩn dụ bản thể đã cấu trúc hóa những miền trừu tượng thông qua sự chiếu xạ của một miền cụ thể. Ẩn dụ định hướng là một phương thức cấu trúc hóa thế giới theo những chiều không gian và giúp con người nhận thức về mọi sự vật hiện tượng xung quanh…
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về mặt lý luận, thực tiễn. Qua đó có thể làm tài liệu tham khảo, cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và giảng dạy. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.
PV.