Tham dự hội thảo có: PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học và các Phó Viện trưởng là TS. Trần Thiện Khanh và TS. Phạm Văn Ánh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học; TS. Trần Thị Hải Yến, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học cùng các dịch giả, chuyên gia gia, nhà giáo và nhà nghiên cứu khoa học đến từ các Viện Nghiên cứu chuyên ngành (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Thông tin KHXH, Nhà xuất bản EHESS- (Trường nghiên cứu cao cấp về Khoa học xã hội, Pháp), Đại học Fulbright Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Việt Nam) và các trường đại học và một số nhà nghiên cứu tự do đến từ CHLB Đức, Hungary…
|
Nguyễn Du và Truyện Kiều là hiện tượng văn học, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, hàm chứa giá trị bất tận ở mọi thời đại, mọi không gian. Năm 2020, mặc dù thế giới bị hiểm họa Covid-19, nhưng Việt Nam và nhiều quốc gia khác nhau đã tổ chức kỷ niệm 200 năm mất Đại thi hào – Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du (1820-2020) một cách trọng thể. Điều đó cho thấy, Nguyễn Du và các kiệt tác nghệ thuật của ông mãi mãi bất tử trong nhiều thế hệ độc giả Việt Nam và thế giới. Đó cũng là bằng chứng sinh động rằng, Nguyễn Du là một hiện tượng văn hóa xuyên quốc gia, xuyên thời đại. Bản thân Nguyễn Du và các sáng tác của ông đã trở thành nguồn đề tài, cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ ở thời đại sau. Nguyễn Du cũng trở thành một đại sứ văn hóa khi nhiều nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam đã coi ông là đại diện cho văn hóa Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ của các đại biểu tham dự; đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa chủ đề hội thảo hướng đến tôn vinh thiên tài văn học Nguyễn Du từ góc nhìn chuyên sâu, đặc biệt là những khám phá mới về sự nghiệp văn học của ông từ góc nhìn văn hóa liên ngành. Qua đó, PGS Viện trưởng cũng nêu rõ những nội dung chính cần tập trung trao đổi tại Hội thảo:
1/ Cần đặt Truyện Kiều trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ, trong bối cảnh lịch sử và trên con đường bước vào văn học nghệ thuật và văn hóa thế giới để tìm hiểu hiện tượng này một cách sâu sắc hơn
2/ Những yếu tố chi phối cách thức tiếp nhận, diễn giải Truyện Kiều.
3/ Quá trình chuyển thể Truyện Kiều sang các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống hay các trò diễn, trò chơi dân gian…; chuyển thể kiệt tác này sang các loại hình nghệ thuật hiện đại (sân khấu, điện ảnh)
4/ Sự phổ cập và tiếp nhận Truyện Kiều ở một số vùng miền trong nước cũng như một số đặc điểm thi pháp Truyện Kiều.
Hội thảo đã nhận được hơn 30 tham luận của các dịch giả, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, tập trung vào các nội dung chính (Kim Vân Kiều tân truyện lưu trữ tại thư viện Anh quốc; Một bản độc đáo trong hệ bản Nôm Đoạn trường tân thanh; Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản; Bản Kiều tiếng Rumani và cái Tâm của người dịch; Trình chiếu video của các tác giả nước ngoài “Faust” của Goethe ở Việt Nam và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du ở Đức, so sánh hai quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, cải biên điện ảnh đầu tiên thời thuộc Pháp: Trường hợp phim Kim Vân Kiều, thân phận nàng Kiều và độc gia Hungary; Nguyễn Du ở Thăng Long và Tiên Điền bao lâu trước năm 1783; bàn tiếp về cái kết Truyện Kiều (so sánh với cái kết của tiểu thuyết Evgeny Onegin); Truyện Kiều trên sân khấu đương đại Việt Nam.
Các tham luận đã bao quát nhiều vấn đề quan trọng như các vấn đề về văn bản Truyện Kiều, những thông tin và diễn giải mới về cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm của Nguyễn Du; sự phổ biến, phổ cập và tiếp nhận Truyện Kiều ở một số vùng miền trong nước; các bản dịch Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài; việc phiên dịch, tiếp nhận, diễn giải Truyện Kiều trong bối cảnh văn hóa Việt Nam đầu thế kỉ XX; vấn đề tái tạo, chuyển thể, cải biến Truyện Kiều sang các loại hình nghệ thuật truyền thống, hiện đại, đương đại…
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích để các dịch giả, nhà nghiên cứu- phê bình văn học trong và ngoài nước thúc đẩy đưa học thuật Việt Nam hòa nhập vào đời sống nghiên cứu quốc tế, đưa Nguyễn Du và Truyện Kiều trở lại với đời sống hôm nay, góp phần tạo kết nối văn hóa vững chắc, sinh động giữa quá khứ với hiện tại.
Nguyễn Thu Trang