Hội thảo khoa học “Covid-19, đại dịch và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững”

17:00 30/11/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Chiều ngày 30/11/2020, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm- VASS) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Covid-19, đại dịch và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững”.

Tham dự hội thảo có PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Nguyễn Đình Chúc, Viện trưởng IRSD và các Phó Viện trưởng là TS. Bạch Hồng Việt và TS. Vũ Tuấn Hưng; các đại biểu đến từ các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp: Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội Việt Nam MB Bank; Công ty cổ phần đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7, Hợp tác xã dược liệu cổ truyền H2O Việt Nam; Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan trong và ngoài Viện Hàn lâm.

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Covid-19 đã xuất hiện và lan rộng tới hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới và từ một cú sốc y tế, đại dịch đã liên tiếp tạo ra những cú sốc về kinh tế, xã hội và môi trường trên toàn cầu. Có thể thấy, sự bùng phát và hậu quả của đại dịch lần này là chưa từng có. Sự tấn công tổng lực của đại dịch trên các khía cạnh của đời sống cho thấy một thế giới mà chúng ta đang sống còn mong manh và thiếu bền vững.Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Liên Hợp quốc đã khẳng định, thế giới không thể đạt được các mục tiêu đã đề ra vào năm 2030. Sự xuất hiện và lây lan của Covid-19 đã tác động tiêu cực tới việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) và đe dọa cả những thành tựu đã đạt được trên nhiều lĩnh vực. Đại dịch Covid-19 thậm chí làm kéo lùi nhiều năm tiến trình thực hiện các mục tiêu PTBV trên toàn cầu.

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ của các đại biểu tham dự; đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng, cấp thiết của hội thảo cũng như nêu rõ mục tiêu mà các quốc gia cần theo đuổi thời kỳ hậu Covid-19 chính là đạt được một cách bền vững các mục tiêu PTBV. PGS Chủ tịch cũng đã khẳng định, Việt Nam cần xem xét và đánh giá cẩn trọng những cơ hội để trở nên “tự chủ” hơn trong sản xuất và kinh doanh, tăng cường khả năng thích nghi và vượt qua được đại dịch cũng như các cú sốc khác trong tương lai, tiếp tục theo đuổi các mục tiêu PTBV. Đặc biệt năm 2020 là năm cuối trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, cũng là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII vào năm 2021, trong bối cảnh đó, các nhiệm vụ, tiêu chí về PTBV của Việt Nam đã được đề cập trong dự thảo các văn kiện của Đại hội cũng như trong dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu PTBV được xuyên suốt trong các ngành, lĩnh vực ở tất cả các cấp.

TS. Nguyễn Đình Chúc, Viện trưởng Viện IRSD trình bày Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Chúc đã nhấn mạnh ý nghĩa của Hội thảo, đây là sự kiện đánh dấu bước đường 15 năm qua trong sứ mệnh “Nghiên cứu, tư vấn, đào tạo một cách hiệu quả và chất lượng những tri thức, giải pháp và kỹ năng mới về PTBV cho các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng, trên cơ sở trách nhiệm với con người, xã hội và môi trường sinh thái”. Đồng thời, TS. Nguyễn Đình Chúc cũng nêu bật mục tiêu của hội thảo hướng đến: (1) Bàn về các vấn đề lý luận và thực tiễn về PTBV trong bối cảnh và các cú sốc, đặc biệt là đại dịch Covid-19 hiện nay; (2) Phân tích những tác động của đại dịch Covid-19 đến các khía cạnh của PTBV ở Việt Nam; (3) Khuyến nghị một số giải pháp thực hiện PTBV tại Việt Nam hậu Covid-19. Qua đó, TS. Nguyễn Đình Chúc mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của cộng đồng khoa học, doanh nghiệp, các nhà lập chính sách, các tổ chức cá nhân trong việc thực hiện các mục tiêu PTBV ở Việt Nam vì sự phát triển toàn diện của con người, để không ai bị bỏ lại phía sau như sứ mệnh mà các mục tiêu PTBV đã đặt ra.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo được chia làm 02 phiên thảo luận với 5 báo cáo được trình bày tập trung vào những nội dung chính:

(1) Những vấn đề lý thuyết về PTBV và việc ứng dụng các lý thuyết về PTBV trong bối cảnh các cú sốc như Covid-19.

(2) Ứng phó của các quốc gia với Covid-19 trong các lĩnh vực liên quan đến PTBV.

(3) Những vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường nảy sinh liên quan đến PTBV trong bối cảnh đại dịch Covid-19, như: Tái cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế, sử dụng và phân bổ nguồn lực, chuỗi cung ứng, thị trường; Lao động việc làm, bất bình đẳng và phúc lợi xã hội; Y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường; Tác động của Covid-19 đối với các ngành: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch;

(4) Các giải pháp PTBV trong bối cảnh các cú sốc như đại dịch, thảm họa, thiên tai.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Các đại biểu có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận về các vấn đề PTBV trong các lĩnh vực: tăng trưởng, chuỗi cung ứng, lao động- việc làm, du lịch, môi trường… trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng trên toàn thế giới, ảnh hưởng tới Việt Nam cũng như các đối tác của Việt Nam; sự thay đổi các mục tiêu PTBV cùng tiến trình đạt được và định hình các mục tiêu đó.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích giữa các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp, không chỉ thảo luận về những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến quá trình PTBV mà còn đề xuất những khuyến nghị về chính sách, về cách thức giúp Việt Nam tận dụng được các cơ hội trong bối cảnh đầy thách thức của dịch bệnh để “đạt được một cách bền vững các mục tiêu PTBV” trong thời gian tới.

Nguyễn Thu Trang

 

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác