Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ III “Kết nối văn hóa – văn minh Ấn Độ- ASEAN"

17:00 07/10/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 07/10/2021, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIIAS) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ - ASEAN (AIC) thuộc Viện Thông tin và Nghiên cứu các nước đang phát triển (RIS) đồng tổ chức hội thảo lần thứ III về kết nối văn hóa- văn minh Ấn Độ - ASEAN (AICCL) nhằm nhìn nhận lại con đường kết nối văn hóa, văn minh; những thành tựu và hạn chế cũng như những khó khăn và thách thức của hai bên trong tương lai. Hội nghị đầu tiên và thứ hai đã lần lượt được tổ chức tại New Delhi (2015) và Jakata (2017).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ông Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Phiên Khai mạc

Hội thảo diễn ra trong 02 ngày 7-8/10/2021 với hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Hội thảo có sự tham dự của ngài Rajkumar Ranjan Singh, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ; ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; Giáo sư Sachin, Tổng Giám đốc Viện Thông tin và Nghiên cứu các nước đang phát triển (RIS), Ấn Độ; Ngài Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; Ngài Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch VASS; TS. Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng phụ trách VIIAS cùng các chuyên gia hàng đầu đến từ Ấn Độ và ASEAN.

Mục tiêu chính của AICCL lần thứ III là thu hút sự tham gia của Ấn Độ và các đối tác ASEAN trong việc tăng cường mối liên kết văn hóa hiện đại thông qua sự thuyết phục về giá trị truyền thống, nền văn minh, hệ tư tưởng và tôn giáo. Vì cả Ấn Độ và ASEAN đang hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm 3C (kết nối, văn hóa và thương mại), điều quan trọng là hai bên cần cân nhắc về các khía cạnh nhiều mặt để tăng cường tập trung vào cả truyền thống và hiện đại. Trên cơ sở đó, hội thảo sẽ góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa hai khu vực dựa trên truyền thống đa nguyên và niềm tin vào sự thống nhất trong đa dạng.

Tiến sĩ Rajkumar Ranjan Singh, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Trong suốt chiều dài lịch sử, ASEAN và Ấn Độ đã phát triển những kết nối văn minh và văn hóa lâu đời để vun đắp cho nền móng vững chắc của quan hệ hữu nghị, mở đường cho hợp tác toàn diện ASEAN - Ấn Độ. Ấn Độ trở thành đối tác đối thoại từng phần của ASEAN năm 1992, sau đó là đối tác đối thoại đầy đủ năm 1995. Năm 1996, Ấn Độ tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Bước phát triển quan trọng trong quan hệ Ấn Độ - ASEAN là Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2002, sự kiện đưa Ấn Độ đứng ngang hàng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong cơ chế hợp tác ASEAN+1. Ấn Độ cũng là quốc gia tham gia ngay từ đầu các diễn đàn hợp tác quan trọng ở khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á. Đây chính là biểu hiện rõ nhất cho sự hội nhập chính trị trong đó, các giá trị kết nối về văn hóa và văn minh giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á vừa là nền tảng vừa là di sản để chặng đường gần 30 năm quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN - Ấn Độ với hơn 30 cơ chế hợp tác phát triển ổn định và ngày càng thịnh vượng.

Mở đầu bài phát biểu trong phiên khai mạc, đại diện lãnh đạo VIIAS, TS. Phạm Cao Cường nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn đến các vị lãnh đạo, nhà ngoại giao, các chuyên gia, học giả đã tham dự hội thảo. Đồng thời Phó Viện trưởng phụ trách cũng nhấn mạnh về tính kế thừa có kết nối sâu sắc và liên tục phát triển giữa ba hội thảo, mở ra một chân trời rộng lớn tri thức về sự giao thoa và ảnh hưởng đa chiều của hai nền văn hóa. Những bằng chứng về kết nối văn hóa, văn minh giữa Ấn Độ và ASEAN đã được các nhà khoa học phát hiện và trình bày trong ba hội thảo chính là những gạch nối từ quá khứ để phát triển trong tương lai của hai khu vực. Hội thảo lần thứ ba không chỉ làm rõ quá trình truyền bá, lan tỏa và ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ - ASEAN mà còn nhấn mạnh ngoại giao văn hóa với tư cách là một công cụ hữu ích để thúc đẩy kết nối về thể chế, chiến lược và con người giữa hai khu vực.

GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch VASS phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới ngày càng hội nhập sâu và toàn diện, mối quan hệ giữa các quốc gia và khu vực không chỉ được tiếp cận ở góc độ địa kinh tế, địa chính trị hay địa chiến lược mà địa – văn minh cũng đã trở thành một góc độ tiếp cận rất đáng lưu ý. Đặc biệt, sự liên kết về văn minh này tạo nên sự gắn kết và thống nhất giữa các chủ thể trong khu vực hoặc giữa các quốc gia với một khu vực liền kề. Do sự liền kề về địa lý, gần gũi về lịch sử và tương đồng về giá trị, kết nối văn hóa Ấn Độ - ASEAN đã bắt nguồn từ thời cổ đại và trải dài qua hơn 2000 năm.

Giáo sư cũng cho biết, hiện nay, văn hóa là một trụ cột trong khuôn khổ 3C (kết nối, thương mại, văn hóa) giữa Ấn Độ và ASEAN. Trong đó, sự kết nối về văn hóa và văn minh giữa hai chủ thể này đã đặt nền tảng cho sự chia sẻ các niềm tin và giá trị chung về tôn giáo, ngôn ngữ, nghệ thuật và sắc tộc. Nếu trước đây sự kết nối văn minh, văn hóa giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á được thể hiện bằng mối liên hệ giữa vương quốc Chămpa với nền văn hóa Sankrits, sự truyền bá, tiếp biến các giá trị văn hóa về tôn giáo, nghệ thuật, văn học, âm nhạc, điêu khắc, thì ngày nay sự kết nối văn minh, văn hóa giữa Ấn Độ và ASEAN càng rõ nét hơn và được biểu hiện bằng sự hội nhập kinh tế, hội nhập chính trị và phối hợp chiến lược đối với các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu để hướng đến an ninh chung và tăng trưởng bao trùm cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, Ngày Pranay Verma phát biểu tại Phiên Khai mạc

Khai mạc AICCL lần thứ ba đã có sự tham dự và phát biểu của các đại biểu cấp cao đến từ Ấn Độ, Việt Nam và các đối tác ASEAN khác. Giáo sư Sachin Chaturvedi đã tập trung vào những di sản được chia sẻ trong các lĩnh vực khác nhau, góp phần nâng cao mối liên kết hiện tại giữa Ấn Độ và ASEAN, hai không gian địa chính trị quan trọng. Đại sứ Pranay Verma nhấn mạnh về vai trò của Yoga trong mối liên kết văn hóa Ấn Độ - ASEAN đương đại. Đó là những dấu ấn về Phật giáo trong nhiều năm tại các quốc gia Đông Nam Á thì ngày nay Yoga cũng đang có tầm ảnh hưởng như vậy. Nhắc lại những điều trên, Đại sứ Phạm Sanh Châu bày tỏ sự trân trọng vào nền hòa bình, hữu nghị giữa Ấn Độ và các đối tác ASEAN và phát triển kinh tế bền vững, tiến bộ và thịnh vượng chính là chìa khóa cho quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ hơn nữa trong tương lai.

Ông Trần Đức Bình, Phó Tổng thư ký (DSG) phát biểu tại Phiên Khai mạc

Theo ông Trần Đức Bình, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách các vấn đề cộng đồng và doanh nghiệp ASEAN, Ban thư ký ASEAN, Jakarta đã nêu rõ tầm quan trọng của du lịch giữa Ấn Độ và ASEAN có tiềm năng giúp các khu vực phục hồi sau thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Việt Nam coi trọng sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau được xây dựng dựa trên các nguyên tắc của Chính sách hành động hướng Đông và thiện chí của ASEAN đối với Ấn Độ. Việt Nam cũng hoan nghênh sáng kiến của Ấn Độ coi năm 2022 là Năm Hữu nghị ASEAN - Ấn Độ.

Toàn cảnh Hội thảo

Tiến sĩ Rajkumar Ranjan Singh, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, hiện nay, Ấn Độ không chỉ tập trung vào việc tăng cường các mối liên kết thương mại và đầu tư mà còn bảo lưu và bảo tồn những di tích cổ xưa. Điều này thể hiện mong muốn duy trì mối liên kết văn minh và văn hóa giữa ASEAN và Ấn Độ ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Hội thảo được chia làm 05 phiên thảo luận, tập trung vào các nội dung về giao lưu văn hóa đương đại và sự đa dạng; văn hóa và số hóa; văn hóa và du lịch; bàn luận về vấn đề Hợp tác văn hóa. Đặc biệt, hội thảo có phiên  nhấn mạnh vào kết nối giáo dục và giới trẻ cũng như nhấn mạnh sự kết nối của mạng lưới bảo tàng ở khu vực Đông Nam Á nhằm làm hồi sinh những di sản văn hóa – văn minh Ấn Độ - ASEAN trong thế giới đương đại.

Các đại biểu tại hội thảo thảo luận những vấn đề chính liên quan:

Thứ nhất: Các khía cạnh khác nhau của kết nối văn hóa văn minh Ấn Độ - ASEAN qua các thời kỳ lịch sử, đánh giá thành tựu, ý nghĩa và tác động của quá trình kết nối này.

Thứ hai: Quản lý nhà nước về kết nối văn hóa văn minh, trong đó nhấn mạnh sự liên hệ giữa văn hóa với hệ tư tưởng và thể chế. Hội thảo sẽ làm rõ chiến lược quyền lực mềm dựa trên các giá trị chính trị chung của Ấn Độ và ASEAN cũng như các biện pháp hòa bình để quản lý xung đột và hợp tác kinh tế nhằm đạt được các giải pháp chung.

Thứ ba: Các phương hướng hợp tác về văn hóa mà hai bên còn chưa khai phá cũng như cách thức để mở rộng, phát huy những yếu tố mới mẻ này.

Thứ tư: Tác động của bối cảnh mới, đặc biệt là của dịch bệnh Covid-19 đến kết nối văn hóa văn minh Ấn Độ - ASEAN. Qua đó hội thảo sẽ đưa ra nhận định về xu hướng phát triển mới của kết nối văn hóa văn minh Ấn Độ - ASEAN, vạch ra lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn kế tiếp.

Thứ năm: Hội thảo cũng đi vào những vấn đề thực tiễn đang cần sự định hướng, bao gồm quản lý hiệu quả di sản kết nối văn hóa, văn minh Ấn Độ - ASEAN, phát triển mối liên kết này khi hoạt động giao lưu nhân dân phần nào bị đình trệ do dịch bệnh Covid-19, hoàn thiện các chương trình hành động, kế hoạch tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, phát triển các chương trình đào tạo song phương.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Hội thảo khoa học quốc tế AICCL lần thứ III là diễn đàn trao đổi học thuật cởi mở, chuyên nghiệp và thẳng thắn để thảo luận về những cách thức mở rộng và phát huy kết nối văn hóa văn minh giữa Ấn Độ và ASEAN, góp phần củng cố sức mạnh tổng hợp của hai khu vực hướng tới thúc đẩy giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân, thúc đẩy sự hòa hợp, phát triển và thịnh vượng.

Nguyễn Thu Trang

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác