Hội thảo khoa học quốc tế: Quan hệ Đông Nam Á với các nước lớn dưới thời Tổng thống Mỹ thứ 46

17:00 15/10/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 14/10/2021, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm - VASS) tổ chức hội thảo quốc tế trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Quan hệ Đông Nam Á với các nước lớn dưới thời Tổng thống Mỹ thứ 46.” Hội thảo tập trung nhận diện chính sách của Mỹ với Đông Nam Á (ASEAN) dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden; tác động chính sách của Mỹ với Đông Nam Á và quan hệ Đông Nam Á với các nước lớn; triển vọng hợp tác ASEAN và hành động của Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng ISEAS phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Tham dự hội thảo có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; TS. Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng; đại diện lãnh đạo một số ban chức năng, đại diện nguyên lãnh đạo và lãnh đạo viện nghiên cứu quốc tế thuộc VASS (Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Nghiên cứu châu Âu) cùng sự tham dự trực tuyến đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, học giả, các sinh viên đến từ các nước (Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Thái Lan); cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan; các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên đến từ các trường đại học trên cả nước như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Sư phạm, trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu, trường Đại học Sài Gòn, và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Tp. Hồ Chí Minh).

Thay mặt lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Phó Chủ tịch VASS nhấn mạnh, với vị trí địa chiến lược nằm giữa vòng xoáy cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, ASEAN đóng vai trò trung tâm, có vị trí quan trọng trong nhiều cơ chế hợp tác khu vực. Quan hệ của ASEAN với các nước lớn, các đối tác có ý nghĩa rất quan trọng với hòa bình, ổn định và sự phát triển thịnh vượng của khu vực. Lịch sử đã chứng minh, mỗi lần Chính phủ Mỹ thay đổi nhà lãnh đạo đều có tác động lớn đến thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Mỗi thời tổng thống luôn có những điều chỉnh chính sách của nước Mỹ đối với Đông Nam Á. TS. Đặng Xuân Thanh khẳng định, dù dưới bất kỳ thời tổng thống nào (từ Tổng thống Obama, Donald Trump và đến nay là Tổng thống Joe Biden) thì Đông Nam Á luôn là khu vực có tầm quan trọng nhất định trong chính sách khu vực của Mỹ.

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế trực tuyến

TS. Đặng Xuân Thanh cũng nhấn mạnh đến sự tiếp cận và coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược với ASEAN của chính quyền Tổng thống Biden theo hướng khéo léo, bài bản hơn nhằm đạt được mục tiêu tập hợp và gia tăng sức mạnh tập thể trong xử lý các thách thức thông qua chiến lược “nước Mỹ trở lại”. Những điều chỉnh trong chính sách Đông Nam Á của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden chắc chắn sẽ có những tác động đến quan hệ của Đông Nam Á với các nước lớn ngoài Mỹ như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, EU, Nga và một số nước khác.

PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng ISEAS phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Trong phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng chào mừng sự tham dự của đông đảo các đại biểu theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh, sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á đã tác động mạnh mẽ đến quan hệ giữa ASEAN với Mỹ và giữa ASEAN với các nước lớn khác. Trong khuôn khổ của hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng đề nghị các nhà khoa học, các đại biểu tập trung thảo luận vào bốn nội dung chính: (1)  Cách tiếp cận khu vực Đông Nam Á (chính sách Đông Nam Á) của chính quyền Joe Biden trong tổng thể cục diện Chính sách châu Á và Chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ. Phân biệt những giống và khác nhau trong chính sách Đông Nam Á của Joe Biden so với các Tổng thống tiền nhiệm, kể từ thời Barack Obama; (2) Nhận diện tác động của chính sách Đông Nam Á thời Tổng thống Biden đối với chính sách đối ngoại của các nước ASEAN; (3) Đánh giá thực trạng quan hệ giữa ASEAN với các nước lớn, nhất là trong bối cảnh, cạnh tranh Mỹ - Trung gay gắt và đại dịch Covid-19 hoành hành; (4) Xem xét ảnh hưởng của các mối quan hệ đó đến Đông Nam Á/ ASEAN nói chung và đến Việt Nam nói riêng. Việt Nam cần có những phản ứng chính sách như thế nào để tận dụng được những lợi thế của các mối quan hệ đó.

12 bài tham luận trình bày tại Hội thảo được chia làm 02 phiên thảo luận. Các diễn giả (PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, PGS.TS. Cù Chí Lợi, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện Nghiên cứu châu Mỹ; PGS.TSKH. Trần Khánh, PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; GS.TS. Pankaj K Jha, Đại học O P Jindal, Ấn Độ; GS.TS. Chiung-Chiu Huang, Đại học Chính trị Đài Bắc; TS. Roger Liu, Đại học FLAME, Pune, Ấn Độ; TS. Phí Vĩnh Tường, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện Nghiên cứu Trung Quốc; TS. Nguyễn Thị Thắm, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; ThS. Nguyễn Thị Phương Dung, Viện Nghiên cứu châu Âu) tập trung trình bày những vấn đề nổi bật liên quan đến quan hệ Đông Nam Á với các nước lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Liên minh châu Âu) và Hàn Quốc, đồng thời phân tích xu hướng cạnh tranh Mỹ - Trung ở Đông Nam Á; chiến lược của các nước nhỏ ở châu Á - Thái Bình Dương trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực nước lớn để từ đó rút ra hàm ý chính sách cho Việt Nam. Các chuyên gia cũng đã có những nhận định sâu sắc về triển vọng quan hệ Đông Nam Á với các nước lớn đến năm 2025.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật quí báu. Các đại biểu đều đánh giá cao tầm trọng của vai trò ASEAN và vị trí hợp tác ASEAN trong cấu trúc hợp tác khu vực và trong lĩnh vực thúc đẩy hợp tác ASEAN với các nước lớn. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng thì ASEAN đang thể hiện được vai trò và vị thế và đặc biệt của mình. Các nước có lợi ích ở khu vực đều mong muốn thúc đẩy quan hệ với ASEAN. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hầu rất cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ ASEAN với các đối tác để vừa hợp tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa góp phần xây dựng Đông Nam Á thành một một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Ngoài sự hiện diện tại Hội trường của 20 học giả, Hội thảo còn có sự tham gia trực tuyến của gần 470 chuyên gia, các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên của các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác