Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số tại các nước Châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”

17:00 19/10/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 20/10/2021, tại trụ sở số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số tại các nước Châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và các tổ chức trong nước tham dự.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, mang lại những tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội. Các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia nói chung sẽ sẽ giành được lợi thế nếu tận dụng được sớm và hiệu quả các cơ hội mà chuyển đổi số mang lại. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã đưa quá trình chuyển đổi số trở thành tâm điểm, trở thành yêu cầu cấp thiết và nhờ đó đã đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số tại nhiều quốc gia và trên thế giới.

Tại nhiều nước Châu Âu, quá trình chuyển đổi số đã được đề ra từ khá sớm và đã đạt được những thành tựu nhất định. Cho tới nay, các nước Châu Âu đang dẫn đầu thế giới ở một số lĩnh vực trong quá trình chuyển đổi số, góp phần gia tăng thịnh vượng và thúc đẩy phát triển của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số tại Châu Âu cũng cho thấy một số thách thức được đặt ra, như: nguy cơ gia tăng bất bình đẳng; vấn đề cắt giảm giờ làm/giảm lương (tạm thời), hoặc sa thải vĩnh viễn đối với những vị trí việc làm có thể được thay thế bằng tự động hóa, vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng....

Đối với Việt Nam, định hướng của Đảng và chính sách của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số đã rõ ràng và mang tính hệ thống, khẳng định sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn bộ hệ thống chính trị sẽ được huy động để thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu chào mừng, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp, các quý vị đại biểu trong nước và nước ngoài tham dự Hội thảo khoa học với chủ đề “Chuyển đổi số tại các nước Châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.

TS. Đặng Xuân Thanh cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, khi Việt Nam đã ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước Châu Âu, chuyển đổi số được xác định sẽ tạo điều kiện giúp Việt Nam nắm bắt nhanh cơ hội từ những FTA đã ký kết, góp phần thúc đẩy hợp tác ngày càng sâu rộng hơn trong lĩnh vực thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực này.

TS. Đặng Xuân Thanh khẳng định, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước Châu Âu có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam và buổi hội thảo này rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Phó Chủ tịch hy vọng các kinh nghiệm được chia sẻ từ cả Châu Âu và Việt Nam sẽ góp phần tích cực vào thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đang được triển khai ở cả Việt Nam và các quốc gia Châu Âu, cũng như khả năng hợp tác giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực.

  PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu cho biết, thời gian vừa qua, nhiều chiến lược, chính sách, biện pháp đã được Đảng và Chính phủ ban hành nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, gần đây nhất như Chương trình chuyển đổi số quốc gia 2020, thành lập Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số do TT Phạm Minh Chính làm chủ tịch. Mới đây nhất, ngày 12/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2021 (ITU Digital World 2021) với chủ đề “Chung tay xây dựng thế giới số” với nhận định rằng “sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia. Tuy nhiên, chắc chắn chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn, vừa đảm bảo trạng thái hoạt động bình thường mới trên không gian số, vừa góp phần phục hồi kinh tế với sức khỏe và sự an toàn của người dân luôn được đặt lên trên hết và trước hết”.

Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng khẳng định, đối với Việt Nam chuyển đổi số không hề là một lộ trình dễ dàng. Nhiều khó khăn, thách thức đang được đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và xã hội như an ninh mạng, khung pháp lý điều chỉnh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ số như đồng tiền số, các sản phẩm sử dụng công nghệ blockchain, các sản phẩm dựa trên nền tảng số như các mô hình kinh tế chia sẻ, v.v., các vấn đề liên quan đến hạ tầng số, nền tảng số, nguồn nhân lực, v.v.

PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng gợi ý, việc soi chiếu các kinh nghiệm của các nước châu Âu là những nước đi trước chúng ta với những thành công và những vấn đề còn tồn tại thực sự là những tham khảo hết sức quý báu cho các nhà hoạch định chính sách ở cấp trung ương và địa phương trong quá trình chuyển đổi số.

Các đại biểu phát biểu, biểu trình bày báo cáo tại Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều báo cáo tham luận gửi về Ban Tổ chức, tổ chức thành 03 phiên với 08 báo cáo trình bày về các chủ đề:

Phiên thứ nhất “Quản lý nhà nước đối với chuyển đổi số”, có các tham luận:  (1) “Quản trị nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số ở Liên minh Châu Âu” của PGS. TS Đặng Minh Đức - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Châu Âu; (2) “Quản lý nhà nước đối với Thương mại điện tử”của TS. Nguyễn Ngọc Tú, Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương; (3) “Kinh nghiệm của huyện Thanh Hà, Hải Dương trong hỗ trợ, thúc đẩy Doanh nghiệp, HTX và người dân ứng dụng Thương mại điện tử trong tiêu thụ và xuất khẩu hàng trái cây”của TS. Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND Huyện Thanh Hà, Hải Dương.

Phiên thứ 2 “Doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số”, có các tham luận: (4)“Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đức trong quá trình chuyển đổi số” của TS.Trần Đình Hưng, Viện Nghiên cứu châu Âu; (5) “Thương mại điện tử - chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam và cơ hội từ EVFTA” của Ông Phạm Ngọc Vinh, Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương; (6) “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm trái cây: Kinh nghiệm của Công ty CP Ameii Việt Nam” của Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam.

Phiên thứ 3 “Chuyển đổi số trong các lĩnh vực Văn hóa - Xã hội”, có các tham luận: (7) “Chương trình số hóa dữ liệu di sản văn hóa - phương thức mới trong quản lý di sản hiện nay ở Châu Âu” của ThS.Vũ Thanh Hà, Viện Nghiên cứu Châu Âu; (8) “Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở Thuy ĐIển” của TS. Nguyễn Bích Thuận, Viện Nghiên cứu châu Âu.

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học. Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ Chuyển đổi số tại các nước Châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, đi sâu vào Quản lý nhà nước đối với chuyển đổi số, Doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số và Chuyển đổi số trong các lĩnh vực Văn hóa - Xã hội, cung cấp giá trị tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, đồng thời gợi mở một số hàm ý chính sách cho Việt Nam trong lĩnh vực Chuyển đổi số. Cũng qua đó, góp phần mang lại cái nhìn đa chiều, chuyên sâu, giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

 

Ban Biên tập

 

In trang Chia sẻ

Tin khác