Tọa đàm chính sách với chủ đề “Mưu sinh của công nhân và tổ chức xã hội có liên quan đến lao động”

17:00 02/12/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong khuôn khổ thực hiện dự án “Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội và công nhân (ECOW)”, Dự án do Liên minh Châu Âu đồng tài trợ, chiều ngày 02/12/2021, Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng các đối tác phối hợp tổ chức Tọa đàm chính sách với chủ đề “Mưu sinh của công nhân và tổ chức xã hội có liên quan đến lao động”. Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Với tốc độ công nghiệp hóa nhanh và lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp ngày càng tăng cao, việc thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là trợ giúp xã hội cho người lao động sẽ cần sự chung tay của cả các tổ chức xã hội, bao gồm công đoàn, các tổ chức đoàn thể và các tổ chức phi chính phủ.

Công đoàn ở Việt Nam hiện nay là tổ chức duy nhất đại diện cho quyền và lợi ích của người lao động nói chung và công nhân làm việc trong các khu công nghiệp nói riêng. Phần lớn các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đều đã thành lập công đoàn và hầu hết công nhân làm việc trong các doanh nghiệp đó đều đã được kết nạp làm công đoàn viên. Tuy nhiên, công đoàn chủ yếu hoạt động trong khuôn viên nhà máy và còn thiếu vắng hoạt động ở các khu trọ của công nhân di cư.

Cùng với công đoàn, hiện nay các tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng đã và đang thực hiện các chương trình, dự án, góp phần nâng cao an sinh xã hội cho công nhân. Các tổ chức NGO quốc tế đã tích cự gây quỹ và trực tiếp thực hiện các dự án (Tear Fund UK, Oxfam, Roxa Luxemburg,  Action Aid, Care International…). Các hoạt động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế tập trung vào tổ chức và xây dựng mạng lưới thông qua các tổ chức xã hội trong nước nhằm bảo vệ quyền lợi của công nhân đặc biệt là lao động nữ. Qua các chương trình, dự án đó, các tổ chức xã hội được nâng cao năng lực và thực hiện vận động chính sách đối với các vấn đề liên quan đến người lao động như Luật Lao động, mức lương đủ sống, doanh nghiệp và các bên liên quan khác…

PGS.TS. Nguyễn An Hà, Điều phối viên Dự án ECOW <br> phát biẻu tại Tọa đàm GS. Pietro Masina, Đại học Naples “L’Orientale”, Italia <br> phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Đỗ Tá Khánh, Giám đốc Dự án ECOW, cảm ơn sự tham gia đông đảo của các đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức có liên quan đến tham dự buổi tọa đàm. TS. Đỗ Tá Khánh đã giới thiệu tổng quan về kết quả thực hiện của dự án ECOW. TS. Đỗ Tá Khánh nhấn mạnh Tọa đàm là sự kiện để giới thiệu kết quả dự án đến các cơ quan, tổ chức, đồng thời thảo luận về các vấn đề mưu sinh của công nhân, đặc biệt là sự phối hợp của các bên có liên quan như doanh nghiệp, công đoàn, tổ chức xã hội, chính quyền địa phương …nhằm mang lại những hỗ trợ tốt nhất và hiệu quả nhất cho người lao động.

Các đại biểu phát biểu, trình bày tại Tọa đàm

Tại Tọa đàm với 2 báo cáo được trình bày: (1) “Mô hình phát triển phụ thuộc và hàm ý đối với công nhân công nghiệp”, của GS. Pietro Masina, Trường Đại học Naple “L’Orientale” – Italia; (2) “Vai trò của các tổ chức xã hội đối với công tác hỗ trợ công nhân trong các khu công nghiệp”, của ThS. Châu Hoàng Mẫn, Cán bộ Dự án ECOW.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã được nghe: GS. Pietro Masina, Đại học Naples “L’Orientale”, Italia; TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng, Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL); TS. Trần Thị Hồng Liên, Phó Giám Đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (VCCI); Ths. Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng ban Tư vấn, Phản biện và Giám định Xã hội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); ThS. Bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Viện Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT); Ông Lê Bích Phong, Quản lý Chương trình, Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống – LIFE, thảo luận xôi nổi về các chủ đề liên quan.

Đề cập mô hình phát triển phụ thuộc và ý nghĩa của nó đối với người lao động, GS. Pietro Masina, Đại học Naples L’Orientale cho biết, việc làm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc định hướng xuất khẩu ở Việt Nam rất bấp bênh, tính dễ bị tổn thương vẫn là mối quan tâm cao và có thể khiến người lao động phải chịu những cú sốc mới. Lực lượng lao động trẻ, chủ yếu là phụ nữ nhập cư, chỉ dành vài năm làm việc trong nhà máy do điều kiện rất khó khăn. Điều kiện làm việc trong lĩnh vực điện tử ở miền Bắc còn khó khăn hơn và không đảm bảo cuộc sống gia đình, do đó đa phần công nhân nghỉ việc sau một vài năm làm việc…

Đánh giá về vai trò của các tổ chức xã hội đối với công tác hỗ trợ công nhân trong các khu công nghiệp, khi đề cập đến một số vấn đề an sinh xã hội của công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, Ông Châu Hoàng Mẫn, Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Công tác Xã hội và Phát triển cộng đồng – SDRC cho biết: đa phần công nhân làm việc trong các khu công nghiệp là người di cư và vấn đề nhà ở, trường học cho trẻ em của họ là những mối quan tâm hàng đầu; Việc gia tăng số lượng người di cư đã dẫn đến hạ tầng xã hội tại địa phương tiếp nhận người di cư bị quá tải. Công nhân tuy không thuộc đối tượng nghèo nhưng luôn phải đối mặt với tình trạng bấp bênh. Bất cứ một biến cố nào như mất việc làm, ốm đau, thành viên trong gia đình gặp khó khăn, dịch bệnh… đều sẽ khiến họ rơi vào tình trạng nghèo. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do tỷ lệ tiết kiệm của công nhân rất thấp, dù mức lương cơ bản đã được tăng lên nhiều trong những năm gần đây

Ông Châu Hoàng Mẫn cho biết, có thể chia các hoạt động hỗ trợ lao động của các tổ chức trên thành một số nhóm chủ yếu như sau: (i) Nhóm hỗ trợ lao động di cư tiếp cận các văn bản pháp luật (Luật lao động, Luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Luật cư trú, Nhà ở); (ii) Nhóm cung cấp tư vấn pháp luật miễn phí trong doanh nghiệp, lưu động tại các khu dân cư, tại các tụ điểm sinh hoạt/trung tâm, qua các buổi thông tin, đường dây nóng, diễn đàn; (iii) Nhóm hỗ trợ các kiến thức và kỹ năng sống cho công nhân (kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, giới tính); (iv) Nhóm cung cấp kỹ năng nghề giúp chuyển đổi nghề trong tương lai; nhóm vận động chính sách và tăng cường năng lực đàm phán, đối thoại. Mảng hoạt động này rất phong phú, đa dạng, bao phủ đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau, từ lao động di cư chính thức đến phi chính thức, nhiều ngành nghề, tại nhiều địa bàn khác nhau.

Đề xuất một số đề xuất góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội, Ông Châu Hoàng Mẫn cho biết nhấn mạnh, để hoạt động của các NGO và các tổ chức đến được với công nhân thiết thực và hiệu quả hơn, các tổ chức này cần tăng cường công tác phối hợp với Liên đoàn lao động các cấp và công đoàn cơ sở trong tổ chức các hoạt động. Nghiên cứu của dự án ECOW cũng cho thấy, các tổ chức xã hội có liên quan đến lao động cần có cơ chế phối hợp với các nhãn hàng và Doanh nghiệp trong việc phối hợp và triển khai các hoạt động. Để tăng cường hỗ trợ an sinh xã hội cho công nhân không nhất thiết là một gánh nặng tài chính lên Nhà nước. Thay vào đó, cần có sự tham gia đa dạng, từ tổ chức công đoàn đến các NGO và các loại hình tổ chức xã hội khác cùng huy động nguồn lực, cùng có trách nhiệm đóng góp vào các chương trình phúc lợi, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân và người lao động nói chung.

TS. Đỗ Tá Khánh, Giám đốc Dự án ECOW phát biểu bế mạc Tọa đàm

Phát biểu kết luận tại Tọa đàm, TS. Đỗ Tá Khánh đánh giá cao nội dung các báo cáo thuyết trình và các ý kiến phát biểu đóng góp của các quí vị đại biểu tham dự. TS. Đỗ Tá Khánh nhấn mạnh dự án tập trung hỗ trợ cho người lao động với các cách tiếp cận khác nhau dựa trên chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động của từng tổ chức; thúc đẩy đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động qua vai trò đại diện của công đoàn; thúc đẩy sự phối hợp giữa người sử dụng lao động, công đoàn và tổ chức xã hội nhằm hỗ trợ công nhân ngay tại nơi làm việc. Đánh giá cao sự tham gia tích cực của các quý vị đại biểu giúp dự án đạt được các mục tiêu đã đề ra, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được những đóng góp nhiều hơn nữa từ các quí vị đại biểu, các tổ chức, Liên minh Châu Âu sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ mạng lưới các tổ chức xã hội có liên quan đến lao động ở Việt Nam để ngày càng được hiệu quả hơn.

Ban Biên tập

In trang Chia sẻ

Tin khác