Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định rằng, ở Việt Nam sự ổn định của gia đình chính là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đầu tư cho gia đình, vì vậy, cũng là đầu tư cho phát triển bền vững.
Việt Nam hiện nay đang chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại theo hình thức hiện đại hóa rút ngắn, có thể tận dụng được nhiều lợi thế của nước đi sau từ kinh nghiệm phát triển của các quốc gia khác. Ở xã hội Việt Nam hiện nay đồng thời có những đặc điểm của xã hội truyền thống, có những đặc điểm của xã hội hiện đại và cả hậu hiện đại, vì thế, gia đình và giới cũng mang nhiều đặc điểm truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại, cần có những chiến lược và chính sách điều chỉnh phù hợp.
Hiện nay, tuy có nhiều hình thức gia đình đang tồn tại, không chỉ dựa vào yếu tố kết hôn, nhưng việc coi kết hôn như một tiền đề để hình thành gia đình vẫn là điều được nhiều người khẳng định. Hiện nay, tuy có nhiều hình thức gia đình đang tồn tại, không chỉ dựa vào yếu tố kết hôn, nhưng việc coi kết hôn như một tiền đề để hình thành gia đình vẫn là điều được nhiều người khẳng định. Trong quan niệm của hầu hết người Việt Nam, lấy vợ lấy chồng là câu chuyện tất yếu sẽ xẩy ra đối với những người đến tuổi trưởng thành.
Hôn nhân và gia đình trong quá trình toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc và hiện đại hóa, cách mạch công nghiệp 4.0, cũng như bối cảnh kinh tế xã hội phát triển nhanh chóng của đất nước đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm nghiên cứu cả về mặt lí luận và thực tiễn.
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng, Tổng Biên tập, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn toàn thể quý vị đại biểu từ các viện nghiên cứu, trường đại học, bộ, ngành và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đã tới tham dự Hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi phân tích, với các chức năng trong hoạt động sản xuất, tiêu dùng, sinh đẻ, và tích lũy, gia đình có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Một mặt, những thay đối về kinh tế, xã hội tác động trực tiếp đến gia đình, đặt ra nhu cầu gia đình cần có những hỗ trợ và bảo vệ tốt hơn. Mặt khác, những biến đổi của gia đình có những tác động quan trọng đến đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa.
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi cho rằng, ở cấp độ cá nhân, gia đình là nguồn lực chính giáo dục trẻ em nhân cách, trí tuệ và sức khỏe. Môi trường gia đình nơi trẻ em lớn lên có ảnh hưởng rất lớn đến hình thành kĩ năng, năng suất lao động, cũng như khả năng thành công sau này vì giáo dục trẻ em trong gia đình giúp định hình nhân cách, trí tuệ qua môi trường vật chất, tình cảm và giáo dục mà gia đình mang lại. Quá trình hòa nhập xã hội, học tập kiến thức và kinh nghiệm tại nhà trường và xã hội sau này là quá trình tiếp tục giúp cá nhân hoàn thiện trên cơ sở giáo dục gia đình. Vì thế, vốn gia đình là yếu tố hình thành, phát triển và bảo vệ chất lượng nguồn nhân lực xã hội.
Ở cấp độ xã hội, gia đình đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo sự gắn kết xã hội vì gia đình là nơi cá nhân tìm về khi gặp khó khăn, giúp cá nhân không xa lánh xã hội và rơi vào các thách thức khó khăn kế tiếp. Khả năng bảo vệ của gia đình có thể cho phép gia đình và mỗi thành viên đứng vững và phục hồi trước những thách thức và rủi ro. Nói cách khác, gia đình là van an toàn cân bằng cho cá nhân trước môi trường ngoài gia đình.
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi cho biết, Hội thảo là một hoạt động quan trọng về học thuật và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động khoa học của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Chia sẻ các kết quả nghiên cứu được chắt lọc từ nghiên cứu các đề tài cấp Nhà nước, đề tài cấp Bộ, chương trình hợp tác nghiên cứu về hôn nhân và gia đình triển khai trong năm 2020-2021 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Viện trưởng, Tổng biên tập Trần Thị Minh Thi mong muốn Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận chuyên sâu, toàn diện từ các nhà khoa học và quản lý về đặc điểm giới, hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay, đóng góp thêm các hiểu biết về thực tiễn, lí luận, đề xuất các khuyến nghị chính sách cần quan tâm về giới, hôn nhân; gia đình; ly hôn; người cao tuổi cho giai đoạn tiếp theo.
Các đại biểu phát biểu, trình bày báo cáo tại Hội thảo
Hội thảo nhận được nhiều báo cáo tham luận của các nhà khoa học về các chủ đề: (1) Bình đẳng Giới ở vùng Dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, của GS.TS. Nguyễn Hữu Minh; (2) Chất lượng tham gia của cán bộ nữ trong Hệ thống chính trị cấp cơ sở, của TS. Trần Thị Hồng; (3) Quan hệ mẹ chồng-nàng dâu trong gia đình vùng Đồng bằng sông Hồng hiện nay, của TS. Lê Ngọc Lân; (4) Lựa chọn hôn nhân và các hình thức chung sống của công nhân khu công nghiệp, của TS. Bùi Thị Hương Trầm; (5) Vấn đề ly hôn của các cộng đồng tộc người Tây Nam bộ hiện nay: Thực trạng, nguyên nhân và hệ quả xã hội, của PGS. TS Trần Thị Minh Thi; (6) Vai trò người cao tuổi trong xã hội Việt Nam đang chuyển đổi, của PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Th.S. Nguyễn Hà Đông, ThS. Lỗ Việt Phương; (7) Nguồn lực người cao tuổi trong phát triển kinh tế-xã hội thích ứng bối cảnh già hóa dân số của Việt nam, của TS. Trịnh Thái Quang; (8) Gắn kết xã hội và sự hài lòng với cuộc sống của người cao tuổi của người cao tuổi hiện nay (Nghiên cứu tại Hà Nội) , của ThS. Nguyễn Hà Đông; (9) Sự kỳ thị học đường trong học sinh Trung học hiện nay (Nghiên cứu trường hợp Hà nội), của ThS. Vũ Thị Cúc; (10) Sử dụng thời gian của học sinh Trung học phổ thông ở khu vực đô thị (Nghiên cứu trường hợp Hà nội), của TS. Trần Quý Long.
Chia sẻ kết quả nghiên cứu của đề tài “Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta”, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh cho biết, đóng góp chính của đề tài là: (i) Nhận diện những vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số trên 6 lĩnh vực chủ yếu. Cung cấp CSDL đầy đủ về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số và là cơ sở quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược bình đẳng giới 2021 - 2030 và hình thành các giải pháp thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; (ii) Nêu được sự gắn kết chặt chẽ giữa các yếu tố chính sách và quản lý, đặc điểm cộng đồng, điều kiện hộ gia đình và đặc điểm cá nhân với việc thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực ở vùng dân tộc thiểu số. Đề xuất các biện pháp phù hợp đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới ở từng lĩnh vực cụ thể; (iii) Đề xuất hệ thống 5 quan điểm cơ bản thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số và các giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số bao gồm nhóm giải pháp chung và các giải pháp cụ thể ở 6 lĩnh vực bình đẳng giới; (iv) Đề xuất cơ chế triển khai thực hiện các chính sách về bình đẳng giới thông qua việc lồng ghép giới trong quy trình xây dựng ngân sách nhà nước; cơ chế ban hành chính sách; cơ chế giám sát và kiểm tra thực hiện; các tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện; cơ chế thu thập số liệu về tình hình thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới; (v) Các giải pháp, cơ chế được xây dựng trên cơ sở phân tích thực trạng bình đẳng giới và yếu tố tác động ở vùng dân tộc thiểu số…
|
|
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Viện trưởng, Tổng Biên tập. PGS.TS Trần Thị Minh Thi một lần cảm ơn sự có mặt đông đủ của chuyên gia, nhà khoa học, quý vị đại biểu đã tham dự Hội thảo. PGS.TS Trần Thị Minh Thi cho biết nội dung các tham luận, thảo luận là rất cởi mở và khoa học, đã tập trung vào các chủ đề chính của Hội thảo. PGS.TS Trần Thị Minh Thi mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm hợp tác từ các chuyên gia, nhà khoa học và các quý vị đại biểu về các chủ đề nghiên cứu của Viện Gia đình và Giới.
Ban Biên tập