TS. Đặng Xuân Thanh- Phó Chủ tịch VASS phát biểu phiên khai mạc tại Diễn đàn
Tham dự Diễn đàn lần này, về phía đoàn học giả Việt Nam có TS. Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) làm trưởng đoàn; đoàn học giả Lào do TS. Sonethanou Thammavong - Chủ tịch Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào (LASES) làm trưởng đoàn; đoàn học giả Trung Quốc do GS. Khương Huy - Phó Chủ tịch, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc) làm trưởng đoàn. Ngoài ra, tham dự Diễn đàn còn có đại diện của Đại sứ quán các nước CHDCND Triều Tiên, CH Cu Ba tại Lào tham dự trực tuyến. Hội thảo đã lựa chọn 16 tham luận của các học giả đến từ Việt Nam, Trung Quốc và Lào trình bày tại 03 phiên thảo luận, trong đó Việt Nam có 03 tham luận.
Từ trái qua: TS. Sonethanou Thammavong - Chủ tịch LASES, GS. Khương Huy - Phó Chủ tịch, CASS phát biểu khai mạc tại Diễn đàn
Mở đầu phiên khai mạc là các bài phát biểu chào mừng của TS. Sonethanou Thammavong - Chủ tịch LASES, GS. Khương Huy và TS Đặng Xuân Thanh. Các bài phát biểu đều khẳng định, năm 2021 là một năm đáng nhớ với nhiều ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với các nước XHCN: tại Lào, Triều Tiên và Việt Nam đã diễn ra đại hội Đảng khóa mới; đối với Trung Quốc là năm đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc thực thi Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Các bài phát biểu cũng khẳng định, cùng với mục tiêu phát triển và tăng trưởng kinh tế, chủ nghĩa xã hội đặc biệt coi trọng mục tiêu xã hội, lấy mục tiêu xã hội làm đích của phát triển và tăng trưởng kinh tế; việc theo đuổi tăng trưởng kinh tế, hòa hợp xã hội, phát triển văn hóa và phúc lợi nhân dân là những yêu cầu nội tại với việc thực hiện hiện đại hóa XHCN ở các nước XHCN. Bởi thế với sự nỗ lực chung của toàn thể nhân dân các nước XHCN, công cuộc hiện đại hóa XHCN tại các nước nhất định sẽ giành được những thành tựu và tiến bộ lớn hơn.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/583_chu%20tri%20phien%201.jpg)
TS. Kikeo Chanthaboury, Phó Chủ tịch LASES chủ trì phiên thảo luận thứ nhất
Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Phát triển kinh tế và phát triển văn hóa” do TS. Kikeo Chanthaboury, Phó Chủ tịch LASES chủ trì. Các đại biểu đã được lắng nghe 02 tham luận: (1) “Di sản văn hóa và phát triển - Kinh nghiệm từ Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, VASS trình bày; (2) “Phát triển kinh tế là điều kiện quan trọng trong phát triển văn hóa” do diễn giả Somseng Xaiyavong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, LASES trình bày. Bên cạnh đó các đại biểu cũng trao đổi và thảo luận một số vấn đề: Định hướng khai thác sau dự án đường sắt Lào- Trung Quốc đi vào hoạt động để mang lại lợi ích về kinh tế và nâng cao cao đời sống vật chất, tinh thần; Ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc đánh giá, cho điểm về sự phát triển kinh tế, xã hội ở Trung Quốc; Chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa ở Việt Nam.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/chu%20tri%20phien%202.jpg)
PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học, VASS, chủ trì phiên thảo luận thứ hai
Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế và phúc lợi của người dân” do PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học, VASS chủ trì. Trong phiên thảo luận, này các đại biểu được lắng nghe 06 các tham luận của các học giả (1) GS. Tân Hướng Dương, Phó Viện trưởng, viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác, CASS; (2) GS. Lâm Kiến Hoa, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác, CASS; (3) TS. Khamphanh Milavong, Q. Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chính trị học, LASES; (4) Ông Souliyo Keokenchanh, Phó Chánh Văn phòng, LASES; (5) PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện, Viện Xã hội học, VASS; và (6)TS. Khamphouthong Vichitlasy, Trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu Chính sách kinh tế - xã hội, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chính sách kinh tế - xã hội, LASES. Các nội dung thảo luận trong phiên này tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Nghị quyết Trăm năm và hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội đặc sắc của Trung Quốc và xã hội đồng thuận, vai trò của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong định hướng phát triển nói chung cũng như vài trò của thành phần kinh tế tư nhân trong cải thiện đời sống cộng đồng, tăng trưởng kinh tế và phát triển cộng đồng ở Việt Nam…
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/chu%20tri%20phien%203.jpg)
GS. Phan Kim Nga – Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác, CASS, Chủ trì phiên thảo luận thứ Ba
Phiên thảo luận thứ ba với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế và xã hội đồng thuận” dưới sự chủ trì của GS. Phan Kim Nga, Trưởng phòng phòng Nghiên cứu Phong trào Cộng sản quốc tế, Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác, CASS. Tại phiên này, cùng với 08 tham luận được trình bày, các học giả đã thảo luận, trao đổi quan điểm về các vấn đề: Tiến trình dân chủ nhân dân và xây dựng xã hội đồng thuận; nâng cao tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển tiến bộ xã hội; phát huy thế mạnh tiềm tàng về trí tuệ sáng tạo của người dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; tăng cường quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo bình đẳng và công bằng xã hội…
Đại diện học giả phía Việt Nam trình bày tham luận tại Diễn đàn
Từ trái qua: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Văn hóa;
PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện, Viện Xã hội học
Tại phiên bế mạc, trong bài phát biểu đánh giá kết quả hội thảo, TS. Kikeo, Chanthaboury cho rằng, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra và ảnh hưởng tới toàn cầu nhưng Diễn đàn quốc tế thường niên vẫn được tổ chức một cách nghiêm túc, quy mô và hàm chứa nhiều giá trị khoa học và thực tiễn. TS. Kikeo, Chanthaboury khẳng định, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, đây được xem là cơ hội và cũng là thách thức cho các nước xã hội chủ nghĩa để có thể khai thác và phát huy tối đa thành tựu của khoa học và công nghệ. Tại mỗi phiên, sau khi nghe các học giả trình bày, các đại biểu đến từ 3 nước đã đặt câu hỏi và thảo luận sôi nổi, trao đổi và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nhằm phát triển đất nước, đảm bảo phúc lợi xã hội, của người dân. Đặc biệt qua các bài tham luận, đề cập đến nông thôn và vùng sâu, vùng xa, cả 3 nước đều có những chính sách lớn để phát triển khu vực này tùy theo đặc thù và lợi thế của mỗi quốc gia.
TS. Kikeo, Chanthaboury nhấn mạnh, tại Diễn đàn lần này, cả 3 quốc gia đều thể hiện những quan điểm và kiên định theo con đường chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó theo đuổi tăng trưởng kinh tế, hòa hợp xã hội, phát triển văn hóa và phúc lợi nhân dân, coi phúc lợi nhân dân là những yêu cầu nội tại với việc thực hiện hiện đại hóa XHCN ở các nước XHCN. Đồng thời coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiến tới đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi nước và quốc tế. Những nội dung chia sẻ của các học giả, các đại biểu tham dự Diễn đàn là những kinh nghiệm quý báu để các nước có thể học tập lẫn nhau. Bên cạnh đó, các nước đều chú trọng khuyến khích tham gia của người dân vào phát triển kinh tế, giữ gìn văn hóa, xây dựng sự đồng thuận xã hội. Đặc biệt trong phát triển kinh tế thị trường, nhà nước luôn lấy sự phát triển, ấm no hạnh phúc của người dân làm trung tâm, đồng thời đưa ra những khó khăn thách thức trước sự chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn, thành thị và những mặt tiêu cực do kinh tế thị trường mang lại.
Đánh giá sự thành công của Diễn đàn quốc tế lần này, thay mặt Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào, TS. Kikeo, Chanthaboury bày tỏ lòng cảm ơn chân thành nhất tới các đồng chí lãnh đạo, học giả đến từ VASS, CASS và các đại biểu tham dự Diễn đàn.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dai%20bieu%20chup%20anh%20luu%20niem-%20lan%20thu%208.jpg)
Một số đại biểu tham dự Diễn đàn tại điểm cầu VASS
Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại diện 03 nước tham gia có cuộc trao đổi bàn về chủ đề dự kiến tại Diễn đàn Quốc tế về Chủ nghĩa xã hội lần thứ IX được tổ chức tại Việt Nam, do VASS chủ trì vào cuối năm 2022./.
Nguyễn Minh Hồng