Hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển” và tổ chức Lễ ký kết hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025

17:00 28/12/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng 28/12/2021, nhân kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471- 2021), tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), UBND tỉnh Quảng Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển”.

Tham dự Hội thảo có hơn 70 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực kinh tế, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học... ở các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, cơ quan Trung ương và địa phương trên cả nước.

Quảng Nam là vùng đất "địa linh, nhân kiệt", hàm chứa nhiều giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng cách mạng và cũng là quê hương của nhiều bậc chí sĩ yêu nước, những lãnh tụ cách mạng và nhân sĩ trí thức nổi tiếng.

  Đồng chí Lê Trí Thanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Trí Thanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, cách đây tròn 550 năm, vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông thành lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam - đơn vị hành chính thứ 13 của nước Đại Việt, danh xưng Quảng Nam ra đời từ đây. Với sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình, Quảng Nam luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Đồng chí Lê Trí Thanh nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường lịch sử 550 năm hình thành và phát triển, trong sâu thẳm mỗi người dân đất Quảng luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất Quảng Nam tươi đẹp như ngày nay. Qua 550 năm hình thành và phát triển kể từ khi danh xưng Quảng Nam ra đời là mốc thời gian để người Quảng Nam tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc hơn và làm rõ nét hệ giá trị của vùng đất, con người Quảng Nam; về vai trò, vị trí, những đóng góp của Quảng Nam trong tiến trình phát triển của dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội; tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Đồng chí Lê Trí Thanh tin tưởng và kỳ vọng qua Hội thảo này, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của vùng đất và con người Quảng Nam trong tiến trình lịch sử 550 năm hình thành và phát triển. Đồng thời, khuyến nghị những định hướng và giải pháp góp phần đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

 PGS-TS Bùi Nhật Quang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo  

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, con người và mảnh đất Quảng Nam ghi dấu ấn sâu sắc trong các trang sử của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy cam go của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những thời điểm khó khăn thử thách nhất, Người luôn có sự đồng hành ủng hộ của những con người Quảng Nam có học thức uyên thâm và tinh thần cách mạng kiên định, vững vàng. Đó là cụ Phan Châu Trinh, người đã từng chu cấp và hỗ trợ Nguyễn Tất Thành trong những ngày tháng đầu tiên Nguyễn Tất Thành đến sống ở Paris. Đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng, người đã từng được Hồ Chí Minh trân trọng mời tham gia Chính phủ Liên hiệp, tin tưởng giao nhiệm vụ điều hành đất nước trong những thời khắc vận mệnh quốc gia ngàn cân treo sợi tóc vào năm 1946. Và bản thân những chí sĩ Quảng Nam đã nhìn thấy những phẩm chất cách mạng cao đẹp của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh và đặt trọn vẹn niềm tin yêu vào Người.

Chủ tịch Bùi Nhật Quang nhận định: “Lịch sử 550 năm hình thành và phát triển của Quảng Nam được phản ánh qua quá trình lịch sử, phát triển kinh tế - xã hội. Việc nhận diện các giá trị, di sản, nguồn lực, bản sắc của vùng đất này là một việc làm hết sức quan trọng, để từ đó đánh giá những thế mạnh, cơ hội, vị trí và vai trò của vùng đất này, đồng thời chỉ ra những rào cản, điểm nghẽn cần phải khơi thông để giúp Quảng Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, phát huy những giá trị vốn có của vùng đất Quảng Nam nhiều hơn nữa. Đó cũng chính là mục đích của cuộc Hội thảo ngày hôm nay”.

Khẳng định ý nghĩa của Hội thảo, Chủ tịch Bùi Nhật Quang cho rằng: Trên cơ sở các tham luận được trình bày trong Hội thảo có thể hiểu rõ hơn được về các nguồn lực của Quảng Nam, thấu hiểu được nhân cách con người Quảng Nam được tôi luyện suốt chiều dài lịch sử,  hiểu rõ hơn về các nguồn tài nguyên vật thể và phi vật thể của Quảng Nam, từ đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp góp phần hoạch định các chủ trương, chính sách nhằm xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; củng cố hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh; tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Hội thảo nhận được gần 100 tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các cơ quan trên khắp mọi miền đất nước. Sau quá trình đọc phản biện, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 70 bài tham luận đăng Kỷ yếu Hội thảo, trong đó 9 bài trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Các bài tham luận tập trung vào 04 nội dung chính: Lịch sử - khảo cổ; Dân tộc - tôn giáo; Văn hoá - Ngôn ngữ; Kinh tế - xã hội.

Về nội dung Lịch sử - Khảo cổ thu hút được 36 bài tham luận. Các tác giả đã giới thiệu kết quả của các chuyến khảo sát di chỉ khảo cổ trên đất Quảng Nam từ thời văn hoá Sa Huỳnh, văn hoá Champa; từ đó đưa ra những đề xuất bảo tồn di sản phục vụ cho hoạt động du lịch văn hoá. Đặc biệt, quá trình 550 năm Quảng Nam đồng hành cùng lịch sử dân tộc Việt Nam đã được phân tích làm rõ: danh xưng của Thừa tuyên Quảng Nam năm 1471,  hoạt động giao thương với trung tâm là cảng thị Hội An thời Chúa Nguyễn thế kỷ XVII-XVIII, Dinh trấn Thanh Chiêm là nơi đầu tiên phổ biến chữ quốc ngữ ở Việt Nam, Quảng Nam thời Vua Gia Long, Minh Mạng, Quảng Nam thời Pháp thuộc với tên tuổi của các chí sĩ của phong trào Duy Tân - Đông Du, phong trào chống sưu thuế, giáo dục Pháp - Việt và nguồn trí thức yêu nước của Quảng Nam, Quảng Nam trong quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hoạt động của các tổ chức Đảng dẫn dắt nhân dân Quảng Nam đồng hành cùng cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc, Quảng Nam trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ xây dựng CNXH, hội nhập quốc tế. Đặc biệt, ở nội dung Lịch sử, một số tham luận làm rõ đóng góp của những dòng họ tham gia vào quá trình mở cõi của người Việt, định hình bản sắc Việt Nam qua bảo tồn giá trị dòng họ, làng xã.

Nội dung về Dân tộc - Tôn giáo có 10 tham luận, phản ánh, đánh giá diện mạo cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam, những đóng góp của cộng đồng này trong việc làm giàu thêm nét đẹp đa dạng văn hoá, đóng góp vào tiến trình lịch sử đấu tranh và xây dựng của tỉnh nhà cũng như của cả dân tộc Việt Nam. Các bài tham luận cho thấy, Quảng Nam là vùng đất đa dạng tộc người (37 tộc người), đa dạng tôn giáo (11 tôn giáo), có nhiều giá trị được hỗ trợ, bảo tồn, phát huy trong giai đoạn hiện nay, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong chính sách xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, nâng cao trình độ giáo dục đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các tôn giáo tín ngưỡng ở Quảng Nam được nghiên cứu làm rõ như Đạo Phật, tín ngưỡng thờ ông Táo, tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na. Vai trò của văn hoá đối với phát triển cũng được nhìn nhận sâu sắc, để từ đó đưa ra gợi ý đề xuất cho các chương trình phát triển của Quảng Nam.

Nội dung Văn hoá - Ngôn ngữ có 18 tham luận của các nhà khoa học. Những tham luận này phản ánh sự đa dạng về văn hoá và ngôn ngữ của vùng đất Quảng Nam. Có thể thấy rằng Quảng nam là vùng đất địa linh nhân kiệt, đa dạng về di sản văn hoá, ngôn ngữ, có nhiều giá trị văn hoá - ngôn ngữ cần phải được bảo tồn, trong đó có những di sản văn hoá phi vật thể như giọng nói, cốt cách con người Quảng Nam. Vốn tri thức bản địa, đồng thời cũng là bản sắc văn hoá - ngôn ngữ của người Quảng Nam cần phải được hiểu đúng, làm đúng để gìn giữ, phát huy, bảo tồn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Nội dung Kinh tế - xã hội được trình bày trong 6 tham luận. Các tác giả đã nghiên cứu khả năng khai thác các nguồn lực nội tại của Quảng Nam để phục vụ phát triển như du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo, gợi mở giải pháp thu hút FDI thế hệ mới vào tỉnh Quảng Nam. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại và dịch vụ với mục tiêu phấn đấu chiếm 37% GDP vào năm 2025, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tăng 10%/năm, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển, phát triển khu kinh tế mở Chu Lai,  thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược là: Xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư gắn với bảo vệ môi trường và khởi nghiệp sáng tạo. Các bài nghiên cứu sẽ làm rõ thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua, nhận diện các dư địa và tiềm năng trong phát triển kinh tế, đồng thời chỉ ra những khó khăn, thách thức cần vượt qua để đưa tỉnh Quảng Nam trở thành đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội khu vực Trung Bộ trong thời gian tới.

Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học nhận diện, đánh giá, khẳng định vị trí, vai trò cùng những đóng góp to lớn của vùng đất và con người Quảng Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Qua đó, đưa ra những gợi ý, đề xuất, góp phần đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững thời gian tới.

Nhân chuyến công tác đợt này, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác giữa hai đơn vị giai đoạn 2021 - 2025.

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và đồng chí Lê Trí Thanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cùng nhau ký kết hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Ban Biên tập

 

In trang Chia sẻ

Tin khác