Tham dự Tọa đàm có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Ông Phạm Quang Vinh, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Hoa Kỳ; Ông Ngô Đức Mạnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên bang Nga; Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ukraine; GS.TSKH. Phạm Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam; Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng Phòng thông tin KHQS, Viện Chiến lược Quốc phòng; cùng nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học. Chủ trì Tọa đàm: TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
|
|
Xung đột quân sự Nga – Ukraine, một sự kiện làm rung chuyển toàn cầu trong thời gian qua được đánh giá sẽ tác động không nhỏ tới cấu trúc an ninh khu vực châu Âu, thậm chí cả cục diện chính trị thế giới. Quyết định triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine đã khiến Liên bang Nga phải đối diện với các lệnh trừng phạt nặng nề chưa từng có từ Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên, dường như Nga đã chuẩn bị sẵn tâm lý và các phương án ứng phó, vẫn quyết tâm thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” - điều góp phần mang lại yếu tố thuận lợi cho sự phát triển lâu dài của Nga, trong đó bảo đảm chắc chắn về một Ukraine trung lập, không thực hiện chính sách đối ngoại thân phương Tây. Mục tiêu sâu xa hơn của quyết định đó là đưa Ukraine trở lại phạm vi ảnh hưởng, tái thiết lập vùng đệm an ninh giữa Nga và phương Tây, thiết kế lại bản đồ an ninh châu Âu và đưa Nga trở lại tầm ảnh hưởng toàn cầu.
|
|
Phát biểu đề dẫn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết tình hình thế giới và khu vực thời gian gần đây đã có những chuyển biến rất nhanh và phức tạp dưới tác động của nhiều nhân tố như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19, đặc biệt là xung đột Nga - UKraine là sự kiện làm rung chuyển toàn cầu làm ảnh hưởng lâu dài đến tình hình địa chỉnh trị và địa kinh tế của thế giới.
Tuy nhiên, có nhiều quan điểm, nhiều cách tiếp cận và ở những góc nhìn khác nhau nên cũng còn những vấn đề đánh giá không phải lúc nào cũng thống nhất, đôi khi còn có khác biệt. Sự điều chỉnh và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã làm thay đổi cục diện thế giới và cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường an ninh và sự phát triển của Việt Nam. Đứng trước bối cảnh đó, Việt Nam nên phản ứng như thế nào trong bối cảnh thay đổi và nhiều bất ổn này?
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn mong muốn tại Tọa đàm các học giả, nhà khoa học sẽ tập trung thảo luận, phân tích xem xét các tác động, ảnh hưởng của xung đột Nga – Ucraine đến cục diện thế giới và kinh tế Việt Nam, đồng thời đề xuất những giải pháp phù hợp cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
|
|
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe và tập trung thảo luận 4 nội dung sau: (i) Chiến lược của Hoa Kỳ nhìn từ xung đột Nga-Ucraine của Ông Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Hoa Kỳ; (ii) Cuộc xung đột Nga-Ucraina của Ông Ngô Đức Mạnh, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên bang Nga; (iii) Triển vọng quan hệ kinh tế Ucraina-Châu Âu của PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ucraina; (iv) Tác động của xung đột Nga-Ucraina: đánh giá ban đầu và hàm ý chính sách của TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Bàn về Chiến lược của Hoa Kỳ nhìn từ xung đột Nga-Ucraine, Ông Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, Mỹ và đồng minh đã áp trừng phạt kinh tế - tài chính đối với Nga là chưa từng có. Về trừng phạt tài chính là quyết tâm ngăn chặn các giao dịch của Nga (dự trữ, tiếp cận ngoại tệ mạnh, SWIFT…). Về vận tải là hàng không, đường bộ, đường biển, tài sản, đi lại với giới lãnh đạo, cá nhân, thực thể của Nga. Mỹ cũng đã có trừng phạt Nga về quân sự và công nghệ và cấm nhập dầu khí của Nga …
Ông Phạm Quang Vinh cũng đưa ra dự báo Mỹ quyết tâm ngăn chặn Nga, ngăn chặn việc phá vỡ trật tự thế giới, gia tăng giúp Ukraine (nhất là về quân sự) để Nga không thể chiến thắng hoàn toàn. Đồng thời củng cố EU/NATO và mở rộng cấm vận, để buộc Nga phải trả giá và cũng là bài học răn đe với các nước khác. Tạo cục diện địa chiến lược mới ở châu Âu bất lợi cho Nga, trong khi gắn nhiều hơn với Hoa Kỳ…
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ucraine khi đánh giá về triển vọng quan hệ kinh tế Ucraine-Châu Âu cho biết sau 30 năm, quan hệ giữa Ukraine và châu Âu – Đại Tây Dương từ đối đầu chuyển thành quan hệ hợp tác và liên kết chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, an ninh và quốc phòng.
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn phân tích, tác động của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ucraine tới quan hệ kinh tế Ukraine – EU làm ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực thương mại. Tuy GDP của Ukraine chỉ khoảng 164 tỷ USD vào năm 2021, xuất khẩu là 68 tỷ USD, nhưng Ukraine chiếm thị phần khá lớn trong thị trường một số mặt hàng quan trọng như ngũ cốc và vài khoáng sản chiến lược nên chiến tranh đã tạo ra sự khan hiếm và đẩy cao giá các mặt hàng này – qua đó tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới.
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 5 trên thế giới với lượng đất đen phì nhiêu nhất thế giới; Ukraine và Nga cung cấp hơn 30% cho thị trường lúa mì thế giới. Chiến tranh và cấm vận đã làm giá lúa mì tăng 50% trong tháng qua và đẩy giá các loại ngũ cốc và nông phẩm khác lên theo. Nếu tình hình chiến sự ở Ukraine kéo dài, mức cung lúa mì cho thị trường thế giới có thể giảm 30%, tạo ra khủng hoảng lương thực, giá nông phẩm tăng cao thêm và nạn đói ở một số vùng.
|
|
TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì cho rằng, Nga là nước xuất khẩu tài nguyên năng lượng lớn nhất thế giới (đứng thứ 2 về xuất khẩu dầu, thứ nhất về 1 về xuất khẩu khí đốt và thứ 3 về xuất khẩu than vào năm 2017). Thị phần của Nga trong sản xuất khí đốt toàn cầu là hơn 16%, dầu - khoảng 13%. Tỷ trọng than từ Liên bang Nga trong tổng nhập khẩu của EU là hơn 50%, khí đốt - khoảng 33%. Nga và Ucraina còn là nhà xuất khẩu hàng đầu về lúa mỳ (chiếm 30%), gần 1/5 lượng ngô và khoảng 80% lượng xuất khẩu dầu hướng dương.
TS. Lê Xuân Sang đánh giá, tác động của xung đột Nga-Ucraine khiến giá lương thực tăng cao (37% so với cùng kỳ năm ngoái), tác động đặc biệt nghiêm trọng tới những người nghèo nhất, đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí có thể sang tận năm 2023. Cùng với tác động trầm trọng, lâu dài khủng hoảng có thể tác động mạnh lên hành vi, bất ổn xã hội.
Việt Nam - Nga - Ucraine có mối quan hệ chính trị bền chặt nhiều thập niên. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế không lớn. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với Nga và Ukraine năm 2021 vào khoảng 7,6 tỉ USD, chiếm 1,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước (670 tỉ USD), trong đó kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đạt 7,14 tỉ USD tăng 25,9% so với năm 2020, đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Nga. Nga - Ucraine - Việt Nam chưa phải là top 20 đối tác của nhau về đầu tư.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nga điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may. Ba nhóm hàng này chiếm khoảng 57% kim ngạch xuất khẩu sang Nga, đây là các nhóm hàng sẽ bị tác động nhiều nhất về lượng trong thời gian tới.
TS. Lê Xuân Sang cho rằng giá dầu, xăng, nguyên vật liệu toàn cầu tăng có tác động lên lạm phát toàn cầu, khiến nhiều nước phải thắt chặt tiền tệ, nhất là Mỹ, do đó có tác động lên Việt Nam; việc thanh toán khó khăn hơn (SWIFT vs SPFS).
Từ những phân tích, đánh giá ban đầu trên, TS. Lê Xuân Sang gợi suy một số chính sách đối với Việt Nam như: (i) Các doanh nghiệp cần tận dụng, nỗ lực tối đa các ưu đãi trong 15 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường; (ii) Phòng tránh rủi ro hoạt động xuất-nhập khẩu khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài; áp dụng các phương thức thanh toán an toàn hơn, cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn các ngân hàng thanh toán, đặc biệt là trong bối cảnh cấm vận; (iii) Chính phủ hỗ trợ tối tha doanh nghiệp Việt Nam, Kiều bào khắc phục những khó khăn từ tác động tiêu cực, tạo cơ sở, điều kiện nắm bắt các cơ hội…
Hội thảo nhận được nhiều tham luận và ý kiến thảo luận. Với kỳ vọng có cái nhìn khoa học, đánh giá khách quan, tòan diện và chính xác về tác động của xung đột Nga-UKraine đến cục diện thế giới và những tác động của nó đến kinh tế Việt Nam, làm cơ sở phục vụ nghiên cứu tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước với mục tiêu bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trân trọng cảm ơn các vị đại biểu, các nhà khoa học tham dự Tọa đàm. TS. Đặng Xuân Thanh cho biết, các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã đưa ra những phân tích đánh giá rất sâu sắc, góp phần thành công của Tọa đàm.
Phó Chủ tịch cũng đề nghị Viện Kinh tế Việt Nam tổng hợp ý kiến, chắt lọc thành Báo cáo kiến nghị để gửi đến Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan hữu quan nhằm đưa ra các đánh giá ban đầu, đề xuất gợi suy chính sách phù hợp trước tình hình mới, đặc biệt là đối sách của Việt Nam trước cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ban Biên tập