Tham dự hội thảo khoa học, về phía Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào có đồng chí Phouvone Sithonthongdam, đồng chí Soulasith Sinthalaphone; đồng chí Nguyễn Xuân Khôi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đoàn Khối các cơ quan Trung ương; ThS. Đào Anh Tuấn, Bí thư Đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Về phía Viện Hàn lâm có TS. Nguyễn Song Tùng, Đảng ủy viên, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn; ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế; TS. Phạm Quang Linh, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm; TS. Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm cùng các đồng chí đoàn viên, thanh niên Viện Hàn lâm.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Hợp tác quốc tế VASS nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Đồng thời nhấn mạnh rằng, Hội thảo là diễn đàn quan trọng để cán bộ trẻ VASS và NAPPA có cơ hội giao lưu học thuật, phấn đấu không ngừng trong xã hội đầy biến động như hiện nay. Qua đó các đoàn viên, thanh niên sẽ rèn luyện thêm về năng lực chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đóng góp không ngừng vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước. Bên cạnh đó, ThS. Nguyễn Thanh Hà cũng nhấn mạnh rằng chính trong đại dịch Covid-19 đang tạo ra nhiều giá trị mà ở đó con người sẽ có cơ hội tự thay đổi, linh hoạt để thích ứng với cuộc sống và cũng đòi hỏi con người phải đổi mới nhiều nhất. Thông qua Hội thảo, ThS. Nguyễn Thanh Hà mong muốn, các cán bộ trẻ hai bên sẽ cùng chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, xây dựng tình bạn tốt đẹp, cùng thảo luận định hướng hợp tác khoa học trong thời gian tới.
![ThS. Nguyễn Tuấn Anh, VASS và ThS. Phouvone Sithonthongdam chủ trì Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/ths%20nguyen%20tuan%20anh%202-6-22.jpg)
Hội thảo nhận được 06 tham luận, được chia làm 02 phiên thảo luận: Phiên 1: Ảnh hưởng và biện pháp ứng phó của trí thức Việt Nam và Lào trước đại dịch Covid-19; Phiên 2: Bài học, ý nghĩa với trí thức Việt Nam và Lào từ đại dịch Covid-19. Các diễn giả (ThS. Nguyễn Quang Tuấn, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hà, Viện Xã hội học; ThS. Phouvone Sithonthongdam, NAPPA; ThS. Trần Đình Nuôi, Viện Kinh tế Việt Nam; ThS. Nguyễn Thị Huệ, Viện Nghiên cứu Con người; Đồng chí Soulasih Sinthalaphone; ThS. Phạm Hồng Nhật, Viện Nhà nước và Pháp luật) trình bày các nội dung liên quan đến việc làm và cách ứng phó của trí thức trẻ Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Ảnh hưởng và biện pháp ứng phó của trí thức Lào trước đại dịch Covid-19; Huy động tài chính cho các start-up xanh ở Việt Nam trong bối cảnh Covid-19: Nghiên cứu trường hợp của Genesis School; Phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam: Ứng phó và bài học kinh nghiệm; Bài học, ý nghĩa với trí thức Lào từ đại dịch Covid-19; Vai trò của trí thức trẻ Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 và một số bài học kinh nghiệm rút ra.
![Toàn cảnh Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/toàn%20canh%20ht%202-6-22.jpg)
Những bài học kinh nghiệm chủ yếu rút ra từ đội ngũ trí thức trẻ hai nước, đó là: (1) Truyền thông, tuyên truyền kịp thời từ Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền; (2) Minh bạch thông tin trong phòng chống dịch; (3) Phản ứng nhanh, quyết liệt, tuân thủ theo chiến lược có cơ sở khoa học nhưng được áp dụng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam; (4) Hoàn thiện các phương án, kịch bản chống dịch bệnh ở các quy mô khác nhau; (5) Đẩy mạnh tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực toàn dân tộc; (6) Tuân thủ quy định y tế quốc tế trong việc phòng chống, phát hiện, ứng phó và khắc phục đối với trường hợp y tế cộng đồng khẩn cấp; (7) Thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, ngoại giao, đặc biệt là các hoạt động ngoại giao của ASEAN. Đặc biệt, bối cảnh của dịch bệnh Covid đang đặt ra những cơ hội và thách thức đối với trí thức trẻ Việt Nam và Lào cần phải làm gì để có thể phát huy hết vai trò, tiềm năng của mình trong việc đóng góp vào hoạt động phát triển kinh tế- xã hội, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
![Các đại biểu tham dư chụp ảnh lưu niệm](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/cac%20dai%20bieu%202-6-22.jpg)
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích của cán bộ trẻ Việt Nam- Lào nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và bài học ý nghĩa quá trình đối phó với các thách thức của đại dịch Covid-19. Qua đó góp phần giúp trí thức hai nước vươn lên trong mọi hoàn cảnh nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, cũng như đảm bảo cuộc sống an toàn, hạnh phúc.
Hội thảo còn là cơ hội cho trí thức trẻ hai nước được gặp gỡ, gặp mặt trực tiếp sau thời gian giãn cách kéo dài bởi đại dịch Covid-19, nhằm chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và tạo điều kiện nâng cao khả năng chuyên môn, kĩ năng tọa đàm tham dự hội thảo quốc tế, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào- Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Nguyễn Thu Trang