Đây là Hội nghị thường niên và quy tụ hơn 2,000 Chủ tịch, Giám đốc của các công ty, Bộ trưởng và lãnh đạo của các tổ chức từ các nước Đông Nam Á và Italia tham gia.
Tham dự Đối thoại cấp cao ASEAN- Italia lần thứ VI có các diễn giả: Ông Lorenzo Tavazzi, đối tác cấp cao Tổ chức European House- Ambrosetti, Italia; Ông Michelangelo Pipan, Phó Chủ tịch điều hành Mạng lưới ASEAN – Italia; Ông Luigi DiMaio, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Italia; Ông Sok Chenda Sophea, Bộ trưởng trực thuộc Thủ tướng và Bí thư Hội đồng phát triển, Campuchia; Ông Satrinder Singh, Phó Thư ký ASEAN; Ông YB Dato’s Sri Mustapa Mohamed, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Malaysia; Ông Cherd chai Chaivaivid, Vụ trưởng Vụ Kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao, Thái Lan; Ông Aladdin D.Rillo, Cố vấn Kinh tế cao cấp, ERIA, cựu Phó Thư ký ASEAN; Ông Alfredo Perdiguero, Giám đốc Hợp tác và Hội nhập khu vực Châu Á, Ngân hàng Phát triển; Ông Michael O.K.Yeoh, Chủ tịch, Viện Chiến lược KSI Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương…
Buổi Đối thoại cấp cao này tập trung vào những chủ đề có tính thời sự nhất về triển vọng kinh tế vĩ mô của ASEAN trong kịch bản hậu đại dịch Covid-19; Công nghệ xanh vì một tương lai bền vững; Kinh tế điện tử, công nghệ thông minh và chuỗi giá trị 4.0; Khả năng phục hồi cho lĩnh vực hàng không và an ninh; Cơ hội đầu tư và hợp tác giữa Italia và các nước ASEAN. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và chiến lược giữa các nước ASEAN và Italia.
|
Trong bài phát biểu tại Phiên đầu tiên của Đối thoại cấp cao ASEAN-Italia lần thứ VI, Chủ tịch Viện Hàn lâm Bùi Nhật Quang đã phân tích triển vọng kinh tế vĩ mô của khu vực ASEAN và các xu hướng chính trong ngắn hạn và trung hạn để từ đó có thể định hình các mô hình phát triển trong trật tự địa chính trị. Bên cạnh đó Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng đưa ra các kế hoạch hợp tác giữa Italia và các nước ASEAN trong kịch bản chính sách thương mại hiện tại và các biện pháp thực hiện nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai bên, đồng thời đề xuất những kinh nghiệm và thực tiễn có thể chia sẻ giữa Italia và các nước ASEAN nhằm nâng cao hơn nữa sự phát triển khu vực cũng như tăng cường chặt chẽ hơn sự liên kết ASEAN – Italia trong thời gian tới.
Hiện nay, ASEAN đang phải đối mặt rất nhiều vấn đề nảy sinh từ sau đại dịch Covid-19, bao gồm sự xói mòn gắn kết xã hội; bất bình đẳng trong các khía cạnh kinh tế, chính trị, công nghệ và giữa các thế hệ…sự khác biệt lớn giữa các nền kinh tế; áp lực xã hội liên quan đến việc tiêm chủng, các hạn chế liên quan đến Covid-19; các quan điểm khác nhau để giải quyết biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục làm mờ đi triển vọng phát triển kinh tế của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác thế giới và khu vực. Với triển vọng kinh tế ASEAN kết hợp với kinh nghiệm phát triển của Italia, Chủ tịch VASS đã đề xuất các kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa hai bên sẽ tập trung: xây dựng và củng cố các nhóm rủi ro, thảm họa như đại dịch Covid-19; phát triển kết nối nền kinh tế kỹ thuật số, theo đó sự hỗ trợ từ Italia sẽ giúp ASEAN thực hiện các khuôn khổ chính sách khu vực để phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản, kết nối xuyên biên giới, hệ sinh thái 5G và các chiến lược phục vụ cho Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
|
Bên cạnh đó, Chủ tịch Viện Hàn lâm Bùi Nhật Quang cũng nhấn mạnh, cần phát huy sự hỗ trợ của Italia trong việc tăng cường các khuôn khổ, thể chế, quyền sở hữu trí tuệ và dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan trong khu vực ASEAN; tăng cường hợp tác sâu rộng về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; ASEAN và Italia phối hợp chặt chẽ góp phần làm hài hòa hay giải quyết những căng thẳng chính trị giữa các nước lớn. Là một thành viên quan trọng của EU, sự ủng hộ của Italia sẽ giúp ASEAN củng cố và phát huy tốt nhất vị trí, vai trò, góp phần vào việc duy trì nền hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới./.
Nguyễn Thu Trang