|
PGS.TS. Hứa Di Linh (Đại học Văn hóa Trung Quốc) |
"Thọ Mai gia lễ" do Tiến sĩ Hồ Sĩ Tân (1690 – 1760) viết. Tên hiệu của ông là Thọ Mai nên lấy tựa là "Thọ Mai gia lễ", nội dung được trình bày trong cuốn sách là những quy định về lễ nghĩa trong gia đình đối với việc tang chế và cưới xin.
Tư tưởng chủ đạo cuốn sách là của Nho giáo phong kiến. Ngay từ thời tiên Tần, chế độ phong kiến Trung Hoa rất coi trọng lễ nghĩa. Các bộ sách Tứ thư, Ngũ kinh, quy định rất chặt chẽ mọi mối quan hệ trong xã hội.
Trong Ngũ kinh có hẳn một Kinh Lễ, quy định mọi Lễ nghĩa từ trên xuống dưới, trong gia đình và ngoài xã hội. Vua nhà Chu là Chu Văn Vương (còn gọi là Chu Công, cũng là người viết phần Thoán từ của Kinh Dịch) đã viết cuốn “Chu Văn Công Gia Lễ”. Sách này được truyền sang nước ta từ rất sớm, khi phong kiến Trung quốc thống trị nước ta.
“Thọ Mai gia lễ” trải qua năm tháng đã đi vào trong cuộc sống của các cộng đồng các dân tộc Đông Á theo một cách tự nhiên. Với Việt Nam, mặc dầu gia lễ từ triều Lê đến nay có nhiều chỗ lỗi thời nhưng khi đã trở thành luật tục, ăn sâu, bén rễ trong nhân dân trong nam ngoài bắc vẫn được áp dụng cho đến ngày nay, nhất là trong tang lễ. Có thể bạn không biết người đầu tiên soạn "Gia Lễ" riêng cho người Việt Nam là Thượng thư Hồ Sĩ Dương. Ông người Quỳnh lưu (Nghệ an) đỗ tiến sĩ năm 1652 làm quan đến chức Thượng thư. Cuốn Gia lễ do ông viết có tên là: “Hồ Thượng thư Gia Lễ ”. Sau này trên cơ sở cuốn sách trên, tiến sĩ Hồ Sĩ Tân cũng là người Quỳnh lưu, đã viết lại thành “Thọ Mai Gia Lễ”.
Từ khi ra đời đến nay, dù dã trải qua vài trăm năm, cuốn sách vẫn luôn được coi là một “cẩm nang” chủ yếu để thực hiện việc Tang. Người đã đọc cũng như người chưa đọc, mỗi khi nói về việc tang đều nhắc đến “Thọ Mai Gia Lễ”.
Vùng văn hóa Đông Á là tên gọi chỉ cộng đồng các nước ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, nhất là tư tưởng Nho giáo và Phật giáo. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 4 quốc gia vùng Đông Á có số lượng người theo phật giáo lớn nhất thế giới chỉ sau Trung Quốc, Thái Lan và Myanma. Bên cạnh đó, với ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước và tư tưởng Nho giáo, nhân dân khu vực Đông Á nói chung và Việt Nam luôn tin rằng “Nhân - tức là lòng vị tha, đối xử tốt với người khác”; “Nghĩa - là sự công bằng và những phẩm chất đạo đức tốt đẹp”; “Lễ - là hệ thống các chuẩn mực trong cuộc sống hàng ngày” là những yếu tố kiến tạo nên nền tảng xã hội, trở thành triết lý sống mà con người cần phải rèn luyện.
Chính vì thế ngay trong Lời tựa của “Thọ Mai gia lễ” (bản dịch nôm - Chu Ngọc Chi) cũng chú rằng:
“Người tai mắt đứng trong vũ trụ
Có làm người phải đủ cương thường
Thánh hiền xưa đã làm gương
Nhẽ nào mình bỏ, coi thường, coi khinh
Lẽ trời đất phân minh văn tiết
Việc nhân gian phải biết lễ nghi
Chớ coi việc đó chả chi
Thánh hiền đã đặt vậy thì nên theo
Tang, hôn tế, các đều phải đủ
Luật làm sao ta nhủ nhau cùng
Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung
Tham tường trong sách xét cùng cổ - nghi
Quốc âm diễn đêm đi truyền bá
Lễ văn kia chế hóa cho đời
Tạm làm nghi thức cho người
Nhà nào cũng có để thời mà xem
Ai chưa có ta nên giới thiệu
Để biết đường giữ điệu tề gia
Họ hàng thế thứ của ta
Trước là hiểu lễ sau là hiểu tông
Chớ nên bỏ hư không trễ nải
Việc gì mà đạo phải thì theo
Cứ chi giàu có khó nghèo
Ở sao phải đạo làm nên cho người
Dẫu nội, ngoại chớ thời phân tự
Giọt máu đào kia chữ phương châm
Nôm na chép đặt mấy vần
Phải nên ghi lấy chớ phần bỏ qua”.
Qua thuyết trình và trao đổi có thể thấy rằng, từ bao đời nay, khu vực Đông Á nói chung và người Việt Nam, văn hoá Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo Trung Quốc từ hệ thống kinh điển quan phương đến thực tế truyền bá giáo dục Nho học của quan lại các cấp. Trong đó Kinh lễ - Lễ ký là một trước tác kinh điển quan trọng trong việc truyền bá của nhà nước phong kiến Trung Hoa cổ xưa. Kinh lễ - Lễ ký là sự phản ánh hoàn mỹ nhất, cụ thể nhất những phong tục tập quán của xã hội. Thông qua những lễ nghi quy định chúng ta có thể biết được thế giới tâm linh, đời sống tinh thần cùng những sinh hoạt thường nhật của con người và cộng đồng làng quê, xã hội. Thuyết trình chỉ rõ, phong tục tập quán khu vực Đông Á và của người Việt khá đa dạng và phong phú với những lĩnh vực tiêu biểu như quan, hôn, tang, tế đã được phản ánh rõ nét trong Kinh lễ; trong đó đặc biệt phải nói đến tang chế của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ trong thời trung đại.
|
Bìa sách "Thọ Mai gia lễ" |
Hiện nay tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ được cuốn Hồ Thượng thư gia lễ (bản in năm Vĩnh Hựu 4 (1738) cùng bản chép tay sau này). Trong đó bản in có đính kèm cả sách “Thọ Mai gia lễ” mang niên đại thời Nguyễn Gia Long. Hồ Thượng thư gia lễ được nho thần Chu Bá Đang biên tập và viết lời tựa năm Vĩnh Hựu 4(1738). Nội dung ghi những quy định về tang chế trong đó bao gồm cả tang lễ và tang phục, mọi nghi thức bắt đầu đối với người vừa mất là đặt thất sinh, mộc dục, cử ai, kết hồn bạch, chiêu hô, khâm liệm.... Các nghi tiết tế lễ, văn tế... Hình thức thực hiện đa phần dưới dạng vấn đáp, bên cạnh có cả các biểu đồ về các nghi thức, đồ liệm...
Về sách "Thọ Mai gia lễ" ngoài bản in và bản chép tay ở Thư viện Hán Nôm bộ sách này còn được lưu giữ nhiều ngoài dân gian, chủ yếu dưới dạng chép tay không ghi niên đại. Nội dung có nhiều điểm khác biệt do người chép thêm vào như hệ thống can chi, lục thập hoa giáp, ngày giờ tốt xấu.... Song phần cơ bản vẫn là phần ghi chép về tang chế bao gồm cả tang phục và tang lễ. Việc sắp xếp ghi chép về tang chế trong “Thọ Mai gia lễ” phần nền tảng vẫn giống như Hồ Thượng thư gia lễ như phép đặt Thất sinh, mộc dục, chiêu hô, phạn hàm, khâm liệm (Đại liệm, tiểu niệm) Thiết linh sàng minh hoạ, minh sinh, Triêu tịch điện... Đồng thời ở đây là sự phát triển từ sách Hồ Thượng thư gia lễ với phần dưới ghi rõ Tăng bổ Hồ Thượng thư gia lễ. Ở "Thọ Mai gia lễ" đó là các biểu đồ hoạ về Tiểu liệm, Đại liệm, biểu đồ hoạ về mũ, khăn, dây buộc, áo, giày dép, của trang phục Trảm thôi, Tư thôi. Biểu đồ sắp xếp phương vị trần thiết dụ tế (Linh sàng, Long tình, vật tế, Khâm sứ quan lập....) Bên cạnh là ghi chép về nghi tiết tế lễ, văn tế rất tỉ mỉ đến từng chi tiết...
|
Một dị bản khác của "Thọ Mai gia lễ" |
Như vậy việc ghi chép về tang chế của các nhà Nho, quan lại của chúng ta không chỉ gói gọn trong 1 vài năm ở đời Lê Vĩnh Hựu mà còn kéo dài ra nhiều năm sau đó, rồi sang cả thời Nguyễn suốt cho đến cuối thế kỷ XIX đầu XX. Chính sự lưu truyền này đã khiến cho nội dung của “Thọ Mai gia lễ” đã bị khác biệt ít nhiều ngoài những điểm cơ bản, đồng thời việc tang chế được ghi chép tản mạn lẫn vào các tài liệu thư tịch khác chủ yếu ở loại trạch cát, cúng đế của các thày pháp, tồn tại cho đến ngày nay, mặc dù đã có nhiều cải biến để phù hợp với cuộc sống đương đại.
Vì thế, có thể khẳng định dù đã trải qua rất nhiều dị bản, “Thọ Mai gia lễ” vẫn được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, ở mỗi quốc gia, dù có những khác biệt, song tinh thần hiếu thuận thờ cha mẹ, hòa thuận trong đời sống thường ngày cùng anh em, họ hàng, thân tộc, bạn bè, xóm giềng… vẫn là nét văn hóa đặc trưng được truyền bá trong cộng đồng các dân tộc khu vực Đông Á./.
Phạm Vĩnh Hà