Tọa đàm khoa học “Tình hình và chính sách, biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên thế giới, kinh nghiệm cho Việt Nam”

17:00 20/09/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 21/9/2022, tại trụ sở số Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Hàn lâm) tổ chức tọa đàm khoa học “Tình hình và chính sách, biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên thế giới, kinh nghiệm cho Việt Nam”. Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Dự tọa đàm có sự tham dự của các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm

Đổi mới sáng tạo thường được hiểu là việc tạo ra những ý tưởng mới lạ hoặc cách tiếp cận độc đáo, khác biệt trong giải quyết các vấn đề. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là quá trình khởi nghiệp dựa trên chính những ý tưởng đổi mới sáng tạo; qua đó tạo ra sản phẩm, dịch vụ, quy trình, mô hình kinh doanh mới có điểm khác nổi trội, ưu việt hơn so với những sản phẩm, dịch vụ, quy trình hiện có; tạo ra được giá trị mới cho cá nhân và cộng đồng. Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp những nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Đổi mới sáng tạo nói chung hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng là một trong những nhân tố chủ đạo tạo nên sự phát triển bền vững của một quốc gia, một vùng lãnh thổ.

Đổi mới sáng tạo được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ. Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định rất rõ: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”, “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Môi trường pháp lý cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cơ bản đã hình thành, tạo điều kiện cho các yếu tố của thị trường công nghệ phát triển, đặc biệt ở các khâu: Thành lập tổ chức trung gian, định giá tài sản trí tuệ, giao quyền sở hữu kết quả KH&CN cho cơ quan chủ trì, phân chia lợi ích sau thương mại hóa.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/05/2016 với mục tiêu: Khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, xác định những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm: Xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các ngành, địa phương, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước về khoa học - ng nghệ hằng năm để tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp ng nghệ quốc gia, triển khai thực hiện đề án thương mại hóa các sản phẩm khởi nghiệp, phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ kinh phí xây dựng chương trình truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ kinh phí để kết nối mạng lưới khởi nghiệp của Việt Nam với thế giới…

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết thêm, trong những năm gần đây, những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ, không ngừng tăng về số lượng cũng như chất lượng thuộc các ngành nghề, lĩnh vực và quy mô khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do hạn chế về kinh nghiệm và các nguồn lực. Có những dự án khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề và quy mô khác nhau được nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao, song không thể được triển khai do bế tắc về nguồn tài chính, nhân lực, công nghệ.

Viện trưởng Bùi Quang Tuấn gợi ý, tọa đàm tập trung trao đổi thảo luận bước đầu làm rõ cách tiếp cận mới về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kinh nghiệm quốc tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam;…

Các đại biểu phát biểu, trình bày tại tọa đàm

Bàn về “Một số cách tiếp cận mới về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên thế giới hiện nay”, TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, Viện Quản Trị Kinh Doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, có ba nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khởi nghiệp thành công của Israel là: chính sách phù hợp của chính phủ; sự năng động của công dân; và sự đóng góp của môi trường quân đội. Yếu tố đóng góp sâu sắc, căn bản nhất cho tinh thần khởi nghiệp của Israel chính là nền giáo dục, là quá trình tạo dựng “gien cơ bản” cho tinh thần khởi nghiệp trong mỗi công dân. Tại Israel, tinh thần doanh nhân cùng những kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp được tích hợp vào các chương trình giảng dạy cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều cuộc thi được mở ra dành cho học sinh trung học hướng tới tinh thần khởi nghiệp, giúp các em xây dựng ý tưởng, kế hoạch kinh doanh của mình cũng như cách phát triển ý tưởng phù hợp trong bối cảnh thương mại. Các sinh viên từ năm thứ hai trở đi gần như bắt buộc phải có dự án kinh doanh riêng, tự mở công ty, khởi nghiệp…Tất cả điều đó giúp học sinh, sinh viên tại Israel không còn lạ lẫm với thế giới doanh nhân, startup sau này.

Với hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore, TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, cho biết thêm, trước đây, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã sớm nhận ra tinh thần khởi nghiệp là động lực phát triển xã hội mới và kêu gọi cả đất nước cùng nhau phát triển tinh thần khởi nghiệp. Singapore đã lập ra các Quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư mạnh vào các lĩnh vực khởi nghiệp quan trọng như truyền thông số, công nghệ sinh học, công nghệ làm sạch và lọc nước…

Đề cập đến kinh nghiệm hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TS. Nguyễn Hồng Thu, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết, các biện pháp hỗ trợ về tài chính, bao gồm: (i) Các khoản hỗ trợ tài chính cho các startups: Các hỗ trợ này thường dưới dạng khoản tài trợ trực tiếp vào các startups (thường ở giai đoạn “ươm mầm”, ý tưởng hoặc giai đoạn đầu của quá trình phát triển sản phẩm); (ii) Các khoản cho vay, bảo lãnh tín dụng: ví dụ các khoản tín dụng dành cho startup từ các quỹ, tổ chức tín dụng của Nhà nước hoặc các biện pháp bảo lãnh cho các starts vay tín dụng tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng tư nhân; (iii) Các khoản đầu tư mạo hiểm: việc đầu tư này có thể được thực hiện thông qua các quỹ đầu tư Nhà nước hoặc đầu tư gián tiếp thông qua việc phối hợp đầu tư với các nhà đầu tư/quỹ đầu tư tư nhân hoặc cung cấp các chương trình bảo lãnh đầu tư cho các nhà đầu tư/quỹ đầu tư tư nhân đầu tư vào startup; (iv) Miễn, giảm các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước: Ở nhóm biện pháp này Nhà nước hỗ trợ startup thông qua việc giảm các nghĩa vụ về tài chính phải nộp của startup (ví dụ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, giảm các mức đóng góp cho bảo hiểm xã hội…).

Còn TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam, khi phát biểu tại tọa đàm đã chỉ ra một số bất cập của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay đó là: (i) Hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tuy bước đầu hình thành, nhưng thiếu liên kết trong toàn hệ thống cũng như trong nội bộ từng chủ thể dẫn đến phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả thấp, chưa thực sự hướng vào chủ thể trung tâm là doanh nghiệp; (ii) Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều rào cản. Trong quá trình triển khai thực hiện, tại các địa phương còn thiếu chủ động, quyết liệt. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các địa phương thiếu chặt chẽ, chưa có cơ chế thực thi đồng bộ trong việc triển khai các cơ chế, chính sách phát triển KHCN, hỗ trợ đổi mới công nghệ. Các chính sách của nhà nước chưa thực sự hấp dẫn, thủ tục xin xét duyệt hỗ trợ còn rườm rà, mất thời gian,…; (iii) Môi trường thể chế chưa khuyến khích hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ;  (iv) Thiếu hệ thống tài trợ vốn hiệu quả cho hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Quang cảnh tọa đàm

Tọa đàm nhận được nhiều tham luận và nhiều ý kiến thảo luận của các chuyên gia. Đây là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ về các vấn đề về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra hiện nay.

PV.

In trang Chia sẻ

Tin khác