Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ 9 về khoa học xã hội RAC – LASES – VASS và tọa đàm nâng cao năng lực thường niên lần thứ 9 RAC – LASES – VASS – KEI tại thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia

17:00 25/09/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Từ ngày 19 đến ngày 23 tháng 9 năm 2023, Đoàn đại biểu cấp cao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) do PGS. TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm, dẫn đầu đã thăm chính thức Campuchia và tham dự hội thảo thường niên lần thứ 9 giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS); Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) và Viện Khoa học kinh tế và xã hội quốc gia Lào (LASES) về “Vai trò của Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội ở Campuchia – Lào - Việt Nam”, và tọa đàm thường niên giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) và Viện Khoa học kinh tế và xã hội quốc gia Lào (LASES) và Viện Môi trường Hàn Quốc (KEI) với chủ đề "Chiến lược Phục hồi Xanh hậu Covid-19" được tổ chức tại Trụ sở RAC, Phnompenh, Campuchia.

 Tham dự hội thảo về phía Đoàn LASES do TS Sonethanou Thammavong, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch LASES, làm Trưởng đoàn; Về phía RAC có Viện sỹ.TS Sok Touch, Chủ tịch RAC và hơn 300 đại biểu đến từ Campuchia, Lào, Việt Nam, Hàn Quốc. Chuỗi hội thảo này được tổ chức sau hai lần bị hoãn vào năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19.

Đoàn chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại hội thảo “Vai trò của Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội ở Campuchia – Lào  - Việt Nam”, PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch VASS; Viện sĩ, TS Sok Touch, Chủ tịch RAC; TS Sonethanou Thammavong, Chủ tịch LASES đều khẳng định các giá trị và ý nghĩa thiết thực của hội thảo quốc tế về khoa học xã hội thường niên Việt Nam-Campuchia-Lào trong gần 10 năm qua, tạo diễn đàn chia sẻ các ý tưởng, kinh nghiệm thực tiễn, hàm ý chính sách giữa các nhà khoa học của 3 cơ quan, góp phần giải quyết các thách thức phát triển quốc gia và khu vực, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị, an ninh và hợp tác giữa 3 nước chung dòng Mekong.

PGS.TS Bùi Nhật Quang phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo gồm 3 phiên với 9 bài tham luận, tập trung  3 nội dung chính: (i) xu hướng phát triển hiện nay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nước Campuchia, Lào và Việt Nam; (ii) Doanh nghiệp nhỏ và vừa với việc tạo việc làm; (iii) Doanh nghiệp nhỏ và vừa và giảm nghèo. Trong bối cảnh Đại dịch Covid-19 đã được kiềm chế, nhưng vẫn gây ảnh hưởng nhất định đến khu vực và thế giới, thì 3 nội dung nêu trên càng cần được các nhà khoa học, các nhà quản lý ba nước quan tâm thảo luận để xây dựng các kiến nghị chính sách thiết thực cho Chính phủ mỗi nước. Các tham luận chỉ ra rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa đều chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí áp đảo trong tổng số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế của mỗi nước (như Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến hơn 93% trong tổng số doanh nghiệp hoạt động). Vì thế, các doanh nghiệp này có vai trò rất quan trọng ở mỗi quốc gia, như: ổn định nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, góp phần không nhỏ vào giá trị GDP; tạo ra nhiều việc làm với chi phí thấp, rất thích hợp với các phương pháp tiết kiệm vốn và do đó chúng được công nhận là phương tiện giải quyết thất nghiệp hiệu quả nhất; cung cấp cho xã hội một khối lượng hàng hoá đáng kể về cả chất lượng, số lượng và chủng loại; có vai trò gieo mầm cho các tài năng quản trị kinh doanh; tăng nguồn tiết kiệm và đầu tư cho người dân địa phương; làm cho nền kinh tế năng động và hiệu quả hơn; phát huy và tận dụng các nguồn lực địa phương, góp phần tăng trưởng kinh tế; giữ gìn và phát huy các ngành nghề truyền thống, thể hiện bản sắc dân tộc.

Toàn cảnh hội thảo

Với vai trò và đóng góp quan trọng như vậy, nhưng trong gần ba năm qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn thế giới nói chung và ở ba nước Việt Nam – Campuchia - Lào nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Đại dịch Covid-19. Đại dịch gây nên sự phá vỡ của chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bị phá sản, số người thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm đã gây nên những hiệu ứng lan tỏa không tốt đối với xã hội và ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng. Từ những phân tích thời cơ, thách thức và đặc điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ của từng quốc gia, các tham luận đã đưa ra một số đề xuất và gợi ý chính sách cho các chính phủ trong việc phục hồi phát triển kinh tế và ổn định xã hội bền vững.

 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch VASS, thay mặt Lãnh đạo 3 cơ quan công bố chủ đề của hội thảo quốc tế thường niên lần thứ 10 “Thương mại, đầu tư tại Việt Nam–Campuchia-Lào trong bối cảnh kinh tế số”, sẽ được tổ chức tại Việt Nam.

Hội thảo khoa học thường niên lần thứ 9 về khoa học xã hội của ba nước Việt Nam-Campuchia-Lào đã thành công tốt đẹp, góp phần phát huy vai trò doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với việc phục hồi phát triển  kinh tế thời kỳ hậu Covid-19, cũng như củng cố quan hệ hợp tác khoa học giữa ba cơ quan hàng đầu về khoa học xã hội của Việt Nam, Campuchia, Lào.

Bên cạnh Hội thảo thường niên 3 nước về khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) và Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào (LASES) cũng phối hợp với Viện Môi trường Hàn Quốc (KEI) tổ chức tọa đàm nâng cao năng lực về “Chiến lược Phục hồi Xanh hậu Covid-19”.

Lãnh đạo 4 cơ quan chụp ảnh lưu niệm với Viện sĩ Hing Thoraxy, Quốc vụ khanh Hội đồng Bộ trưởng Campuchia

Hội thảo có 12 tham luận được chia làm 3 tiểu ban với các chủ đề: 1) Các xu hướng chính, cơ hội và thách thức đối với phục hồi xanh ở Việt Nam – Lào – Campuchia; 2) Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu chính sách để phục hồi xanh sau covid -19; 3) Triển vọng hợp tác quốc tế và quan hệ đối tác về phục hồi xanh. Các tham luận đã đưa ra các mô hình khác nhau liên quan dến phương thức và giải pháp trong chiến lược phục hồi xanh hậu covid – 19.

Đoàn VASS dự họp thảo luận 4 bên giữa KEI-VASS-RAC-LASES

Những kiến ​​thức và kinh nghiệm từ hội thảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách ở Campuchia, Lào và Việt Nam thông qua việc cung cấp bằng chứng khoa học cho việc lựa chọn chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện của mỗi nước. Ngoài ra, các triển vọng trong việc thúc đẩy xu hướng phát triển xanh ở ba nước cũng như đóng góp vào nỗ lực của khu vực và toàn cầu nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu, đại dịch và các cuộc khủng hoảng tiềm tàng, để từng bước đạt được thành công trong nước và quốc tế. mục tiêu phát triển.

Cũng trong hội thảo, 4 cơ quan đã cùng thống nhất chọn lựa chủ đề cho tọa đàm nâng cao năng lực lần thứ 10 năm 2023 tại Việt Nam là “Thành phố Thông minh cho tăng trưởng xanh: Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc với Việt Nam, Campuchia và Lào”.

Đoàn đại biểu Viện Hàn lâm cũng đã có cuộc họp song phương với Chủ tịch và các lãnh đạo của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, cập nhật các kết quả công tác mỗi bên đạt được trong thời gian qua, thống nhất phương hướng tiếp tục đẩy mạnh giao lưu khoa học, tiến hành nghiên cứu chung và tổ chức khảo sát thực tế tại Việt Nam và Campuchia nhằm giúp các nhà khoa học tìm hiểu thực tiễn và bài học kinh nghiệm…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trong phiên khai mạc

Một số hình ảnh hoạt động của  hội thảo:

Ba cơ quan họp thảo luận chủ đề cho hội thảo 2023

Đoàn cán bộ VASS chào xã giao và chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo  Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia

Đoàn đại biểu của Viện Hàn lâm tham dự Hội thảo

 

Nguồn tin: Đoàn công tác

 

In trang Chia sẻ

Tin khác