Tham dự hội thảo có: PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; Bà Ngụy Thị Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Green In; TS. Nguyễn Đình Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Con người; GS.TS. Trịnh Duy Luân, Hội Xã hội học Việt Nam; TS. Lương Thị Thu Hằng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc, Ủy ban Dân tộc; chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm, nhà hoạt động môi trường, đối tác quốc tế và công ty cổ phần sáng tạo xanh Việt Nam. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của 02 diễn giả quốc tế là TS. Arve Hansen, Trung tâm Phát triển và Môi trường, Đại học Oslo, Na Uy và Bà Samantha Mason, Cán bộ chính sách, Công đoàn Dịch vụ công và Thương mại, Vương quốc Anh.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề cấp bách đối với nhân loại thế kỷ XXI. Tầm quan trọng của BĐKH đã được nhấn mạnh bởi sự hiện diện của 197 nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia tại Hội nghị về BĐKH của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26). Đây là bước tiến để các quốc gia cùng thống nhất phương pháp thúc đẩy tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu trên toàn cầu. Tại Hội nghị này, 137 quốc gia đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero, nghĩa là không làm tăng tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển, khi đạt được sự cân bằng giữa lượng khí nhà kính phát thải vào khí quyển và lượng được hấp thu tại một giai đoạn bất kì.
|
Thay mặt Lãnh đạo Công ty Green In, phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Bà Ngụy Thị Giang nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Bà Ngụy Thị Giang nhấn mạnh, sau khi Hội nghị về BiĐKH của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Chính phủ Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, thực hiện các cam kết, chính sách được cập nhật và ban hành, nổi bật là Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050. Chương trình hành động về Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí metan 2030. Theo đó, một nhiệm vụ chung và ưu tiên cho tất cả các chính sách trên là phát triển nguồn nhân lực.
Công ty Green In với vai trò là một doanh nghiệp xã hội hoạt động thúc đẩy các giải pháp, đóng góp nhằm thích ứng biến đổi xã hội, Bà Ngụy Thị Giang nhấn mạnh vai trò quan trọng đối với việc phát triển nguồn nhân lực. Do đó, trong thời gian qua, Công ty Green In đã đồng hành cùng các đối tác, thực hiện tích cực các chương trình, tập huấn, hội thảo, chia sẻ về các kiến thức nâng cao năng lực cho các đối tác về năng lượng, BĐKH. Ngoài ra, Bà Ngụy Thị Giang cho rằng,mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050 là thách thức lớn, Việt Nam cần sẵn sàng, chuẩn bị tốt các nguồn lực con người. Hội thảo sẽ là không gian mở để các chuyên gia, nhà khoa học cùng thảo luận để đưa ra các đề xuất giúp Việt Nam bứt phá trong phát triển bền vững và hiện thực hóa mục tiêu giảm khí phát thải bằng 0 vào năm 2050.
|
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Tuấn trân trọng cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo Viện Hàn lâm cùng sự phối hợp của Công ty Green In trong thời gian qua. Đồng thời, TS. Nguyễn Đình Tuấn nhấn mạnh, cam kết của Việt Nam tại COP26 một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong quá trình phát triển, đó là đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển. Theo đó, chuyển dịch năng lượng là một trong những yêu cầu quan trọng để hướng đến mục tiêu Net Zero và nghiên cứu công nghệ mới gắn với đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những vấn đề cốt lõi nhất cho sự thành công trong chuyển dịch năng lượng bền vững ở Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, trong đó bao gồm việc chưa theo kịp yêu cầu phát triển chung của nền kinh tế, của công nghệ mới, của các mô hình kinh tế mới… chưa thích ứng đầy đủ với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển dịch phát triển kinh tế theo hướng kinh tế xanh. Để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero, TS. Nguyễn Đình Tuấn cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần lường trước và có những chính sách cụ thể khi đối mặt với các nguy cơ hiện hữu đối với thị trường lao động: mất việc làm ở các lĩnh vực khai khoáng hay những ngành sản xuất phát thải nhiều khí nhà kính; trong khi đó, nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới… còn tương đối khiêm tốn chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Điều này đặt ra cho Việt Nam cần phải chuẩn bị lực lượng lao động cho nền kinh tế xanh, đáp ứng mục tiêu Net Zero, cũng như bảo đảm mục tiêu phát triển vì con người.
|
Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, các giảng viên, các doanh nghiệp, các nhà hoạt động môi trường và các cá nhân quan tâm cùng thảo luận và trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn xung quanh các chủ đề của Hội thảo, từ vấn đề tăng trưởng kinh tế, năng lượng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đến vấn đề về phát triển nguồn nhân lực, an ninh con người, quyền con người, phát triển con người và phát triển bền vững. Hội thảo tập trung thảo luận vào 03 vấn đề chính:
Thứ nhất, mục tiêu Net Zero gắn với phát triển con người và nguồn nhân lực như: vấn đề môi trường, chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững, lao động việc làm, giảm nghèo và bảo đảm an ninh con người.
Thứ hai, vai trò của nhà nước, các tổ chức và người dân trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường và mục tiêu Net Zero.
Thứ ba, những bài học kinh nghiệm, cũng như thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong phát triển kinh tế bền vững, tăng trưởng bao trùm, phát triển năng lượng, phát triển xã hội, phát triển văn hóa, phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường hướng đến thực hiện mục tiêu Net Zero.
|
Hội thảo nhận được hơn 20 báo cáo và có 08 tham luận được trình bày tại 02 phiên thảo luân, các học giả Việt Nam và quốc tế đã phân tích cơ hội, thách thức của người lao động trước mục tiêu Net Zero và giải pháp cho Việt Nam; Xu hướng việc làm trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2050; Tiêu dùng hộ gia đình và xã hội Net Zero- trường hợp của Việt Nam và Na Uy; Năng lượng tái tạo và triển vọng cho sự phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (qua nghiên cứu mô hình thử nghiệm sử dụng năng lượng tái tạo ở một số doanh nghiệp của phụ nữ tại tỉnh Bắc Kạn); Vai trò, trách nhiệm của Việt Nam chống biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua cam kết phát thải ròng bằng không; quá trình chuyển đổi và tiếng nói của người lao động-nền dân chủ năng lượng.
|
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự, đặc biệt là những từ khóa được các đại biểu đề cập nhấn mạnh “Net Zero”; “Lao động”; “Lao động mới”; “Biến đổi khí hậu”; “giảm khí metan”; “giảm phát thải khí nhà kính”….Những từ khóa này sẽ gợi mở hướng nghiên cứu, bàn luận trên nhiều góc độ, mục tiêu làm cho cuộc sống của con người tốt đẹp hơn. Từ đó đưa ra những khuyến nghị, chính sách cho Chính phủ, đặc biệt là những nhóm lao động bị ảnh hưởng, giúp họ chuyển đổi việc làm thông qua đào tạo, tập huấn hoặc đào tạo lại. Các nội dung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ mở ra các cơ hội hợp tác khoa học liên quan đến vấn đề môi trường sinh thái, ứng xử của con người đối với môi trường, cân nhắc giữa đánh đổi môi trường và lợi ích kinh tế…góp phần hiện thực hóa thành công mục tiêu Net Zero của Việt Nam trong tương lai.
Nguyễn Thu Trang