Tọa đàm khoa học: Văn hóa tộc người từ góc nhìn về nhà ở

03:30 06/04/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 5/4/2023 tại Phòng Hội đồng, tầng 1, Nhà A, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, số 418 La Thành đã diễn ra Tọa đàm khoa học: “Văn hóa tộc người từ góc nhìn về nhà ở” với sự tham gia thuyết trình của PGS.TS. Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và GS.TS.KTS. Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị. Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Tọa đàm do PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam điều phối với sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các trường Đại học và Viện nghiên cứu trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Toàn cảnh Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS. Lâm Bá Nam cho biết, ngoài tính chất học thuật, tọa đàm còn là dịp để các nhà khoa học có cơ hội chia sẻ những kỉ niệm cũng như tri ân cố PGS.TS. Nguyễn Khắc Tụng, Nhà khoa học tiên phong, mở đầu hướng nghiên cứu về nhà ở, một trong những hướng nghiên cứu chuyên ngành sâu trong nghiên cứu văn hóa vật chất, là dịp để các nhà khoa học đương đại nhìn lại quá trình cống hiến và những thành tựu đạt được của phó giáo sư Tụng trong hướng nghiên cứu chuyên ngành đặc biệt khó khăn này.

PGS.TS. Vương Xuân Tình thuyết trình tại Tọa đàm

Thông qua ấn phẩm “Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam” – đối tượng chính được các học giả bàn luận tại tọa đàm, PGS.TS. Vương Xuân Tình đã nhấn mạnh ý nghĩa học thuật được tổng hợp tại cuốn sách và cho rằng sự kết hợp phát hành cuốn sách của Nhà xuất bản Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt nam và Mai Hà books đã đánh dấu sự ra đời của một ấn phẩm chất lượng, cuốn sách hiện là ấn phẩm đầy đủ và mới nhất hiện nay tổng luận được tất cả các nghiên cứu về nhà cửa của 54 dân tộc do PGS.TS. Nguyễn Khắc Tụng thực hiện bằng nguồn tư liệu thứ cấp và sơ cấp. Do vậy, cuốn sách “Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam” có thể xem là "tập đại thành về nhà ở các dân tộc Việt Nam" hiện nay.

Bên cạnh đó, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học cũng cho rằng những sự vật, hiện tượng hay cụ thể là nhà ở khi trải qua thời gian đều sẽ có sự biến đổi, và những điều biến đổi ấy đều sẽ dần trở nên “hiện đại” hơn, để lại những nét xưa cũ với tên gọi là “truyền thống”. Tuy nhiên, để giữ được bản sắc dân tộc, để hiểu hơn về tinh hoa của thời đại, những người làm kiến trúc cần hiểu biết sâu sắc về những điều “truyền thống” ấy, để rồi kết hợp với “hiện đại”, nhằm tạo ra những công trình thật đặc biệt và mang tính lưu giữ văn hóa cao. Đây cũng là điều PGS. TS. Nguyễn Khắc Tụng mong muốn khi viết nên cuốn sách này.

Trong bối cảnh những năm 1978 khi tư liệu còn ít, chưa có độ chuyên sâu, chủ yếu vẫn còn là hình ảnh hoặc bài đăng ngắn trên các sách báo, tạp chí, tác giả đã “lấp đầy” bằng những kiến thức chuyên sâu hơn, chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn qua quá trình thực địa và phân loại của mình. Nhờ đó, cuốn sách đã khái quát thành công những đặc điểm cũng như giá trị của nhà ở cổ truyền của các dân tộc Việt Nam. Do đó, cuốn sách: “Không chỉ có giá trị về nghiên cứu văn hóa tộc người, mà còn gợi mở một hướng nghiên cứu liên ngành để phục vụ kiến trúc và xây dựng nhà ở các các dân tộc Việt Nam” hiện nay.

GS. Doãn Minh Khôi trình bày tham luận tại Tọa đàm

Chia sẻ sự ngưỡng mộ của mình đối với một nhà khoa học tiền bối, GS. Doãn Minh Khôi bày tỏ: Là một nhà dân tộc học, nhưng các nghiên cứu của PGS, TS Nguyễn Khắc Tụng còn thể hiện rõ tài năng của một kiến trúc sư xuất chúng, trong quá trình thực địa, phó giáo sư Tụng đã quan tâm và thu thập nhiều kiến thức dân gian bản địa của các dân tộc trong xây dựng nhà cửa, hình thành nên các bản vẽ đến tận cùng các chi tiết, mà cho đến giờ, sự chuẩn xác và tính khoa học của các bản vẽ ấy vẫn làm cho bất kì kiến trúc sư nào cũng phải thể hiện sự khâm phục. Thêm vào đó là những kiến thức về phong thủy như làm nhà hướng nào, cách lựa chọn vật liệu hay thiết kế mái kiểu nào để mát mẻ vào mùa hè, ấm áp về mùa đông nhưng vẫn phù hợp với điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng… hay lý giải ại sao lại “mía sau cau trước”, nhà còn phải có sân, vườn, cây, nên trồng cây gì trong vườn… cũng được phó giáo sư Tụng thực hiện dưới góc độ nghiên cứu bài bản, những tri thức sau này trở thành lĩnh vực quy hoạch không gian nhà ở và trở thành kiến thức nền tảng đối với bất kì quy hoạch nào.

PGS.TS. Phạm Minh Phúc phát biểu ý kiến tại Tọa đàm PGS.TS. Bùi Xuân Đính phát biểu ý kiến tại Tọa đàm

Ngoài mặt cung cấp các kiến thức, tri thức bản địa xung quanh vấn đề nhà cửa của 54 dân tộc, nhiều kiến thức của phó giáo sư Tụng đều liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu ngày nay như: kiến trúc môi trường, hình thái nhà ở, quy hoạch không gian, nội thất… Hiện tại, nhiều lĩnh vực do phó giáo sư tiên phong nghiên cứu đã trở thành các môn học được trường Đại học Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng thực hiện giảng dạy. Do đó, các ý kiến đều cho rằng những tri thức có trong ấn phẩm “Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam”có giá trị nghiên cứu rất cao đối với các thế hệ sau này nhất là trong vấn đề phục dựng, bảo tồn./.

Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác