Hội thảo khoa học “Ngoại giao công chúng ở Việt Nam và Hàn Quốc”

17:00 26/06/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 27/6/2023, tại hội trường 1B, tầng 1, trụ sở 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm – VASS) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ngoại giao công chúng ở Việt Nam và Hàn Quốc”.

Hội thảo thuộc Dự án nghiên cứu “Củng cố và tăng cường ngoại giao công chúng hướng tới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hàn Quốc” do quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (KF) tài trợ, TS. Tống Thùy Linh, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á làm chủ nhiệm. Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên đến từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học và các cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

PGS.TS. Phạm Quý Long, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Quý Long, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. PGS.TS. Phạm Quý Long cho biết, sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992 - 2022), hợp tác giữa hai nước phát triển nhanh chóng và hiệu quả trong các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa...trên cả bình diện song phương và đa phương. Đặc biệt, tháng 12 năm 2022, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện, mở ra chương hợp tác mới, cao hơn, sâu rộng hơn giữa hai nước.

PGS.TS. Phạm Quý Long nhấn mạnh, ngoại giao công chúng (theo cách gọi của Việt Nam là ngoại giao nhân dân) là một trong ba trụ cột chính của hoạt động ngoại giao nói chung. Tại Việt Nam, vấn đề ngoại giao nhân dân cần phải được nghiên cứu và phát triển một cách bài bản, hữu hiệu trong công tác củng cố tăng cường hơn nữa ngoại giao giữa hai quốc gia Việt Nam – Hàn Quốc. Vì thế buổi Hội thảo này có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp những lý luận và thực tiễn về ngoại giao công chúng, đồng thời từ thực tiễn triển khai thành công ngoại giao công chúng của Hàn Quốc góp phần giúp Việt Nam chủ động hơn trong quá trình triển khai ngoại giao công chúng thời gian tới.

TS. Tống Thùy Linh, Chủ nhiệm Dự án phát biểu và trình bày báo cáo tại Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Tống Thùy Linh, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Chủ nhiệm dự án cho biết, trước năm 2010, ngoại giao công chúng thường được triển khai dưới hình thức ngoại giao văn hóa. Đến năm 2010, Chính phủ Hàn Quốc chính thức đưa ra khái niệm “ngoại giao công chúng” và một năm sau đó, lần đầu tiên Hàn Quốc bổ nhiệm Đại sứ ngoại giao công chúng. Ngày 3/2/2016, Luật Ngoại giao công chúng được ban hành ở Hàn Quốc và chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2016. Khái niệm về ngoại giao công chúng của Hàn Quốc cũng được xác định khá rõ ràng; tầm nhìn, mục tiêu, cũng như chiến lược thúc đẩy trong ngoại giao công chúng của Hàn Quốc kết nối trong một tổng thể thống nhất.Vì vậy, ngoại giao công chúng được nâng cấp và trở thành một trong ba trụ cột ngoại giao, bên cạnh ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị. Ở Việt Nam, hiện ngoại giao công chúng chưa được định hình rõ, vì thế, mục tiêu của hội thảo nhằm đề ra các giải pháp, chính sách phù hợp để thúc đẩy ngoại giao công chúng của Việt Nam hướng tới người dân và Chính phủ Hàn Quốc, góp phần tăng cường và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác trên nhiều mặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được 5 báo cáo tham luận, tập trung phân tích và làm rõ một số nội dung: (i) Lý luận chung về ngoại giao công chúng; (ii)Những vấn đề về ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc từ 2010 đến nay; (iii)Luật ngoại giao công chúng Hàn Quốc và những vấn đề thực tiễn; (iv)Ngoại giao công chúng- cách tiếp cận từ phía Việt Nam; (v)Vài suy nghĩ về ngoại giao công chúng Hàn Quốc ở Việt Nam.

Các đại biểu đã cùng nhau làm rõ sự khác biệt giữa ngoại giao văn hóa và ngoại giao công chúng và chỉ ra những nhân tố tác động đến sự phát triển ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc cũng như những lợi ích mà ngoại giao công chúng mang lại cho Hàn Quốc, những lợi thế mà một số nước láng giềng hùng mạnh hơn nhiều không có được.

TS. Hoàng Minh Hằng trình bày tham luận tại Hội thảo

So sánh về ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc từ năm 2010 đến nay, TS. Hoàng Minh Hằng, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á cho biết, kể từ năm 2010 đến nay dưới tác động của những thay đổi của tình hình thế giới, sự phát triển của khoa học – công nghệ và nhận thức của chính phủ Hàn Quốc về sự phù hợp và tầm quan trọng của ngoại giao công chúng, ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc đã có những bước phát triển đáng kể với việc chính thức đưa thành một điều luật vào năm 2016. Đặc biệt, ngoại giao công chúng kiểu mới ở Hàn Quốc với ba trụ cột là văn hóa, tri thức và chính sách đã định hình nên bản sắc mối của hoạt động ngoại giao công chúng sau năm 2010.

TS. Phan Cao Nhật Anh trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo

Đề cập đến Đạo luật Ngoại giao công chúng Hàn Quốc, TS. Phan Cao Nhật Anh, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á chỉ ra, tại Điều 2 của Luật Ngoại giao công chúng nêu rõ khái niệm ngoại giao công chúng trong đó, chủ thể tham gia công tác ngoại giao công chúng bao gồm Nhà nước và Ủy ban Ngoại giao công chúng đóng vai trò chính, quyết định phần lớn tới việc xây dựng kế hoạch chiến lược ngoại giao công chúng và phân bổ ngân sách, chính quyền địa phương, khu vực tư nhân đóng vai trò phối hợp và thực hiện các chương trình ngoại giao công chúng.

Ngoại giao công chúng và xây dựng quyền lực mềm là những công cụ quản lý nhà nước “có sẵn” có thể bổ sung cho chính sách đối ngoại của một quốc gia trong trường hợp không có căng thẳng phát sinh, mặc dù vậy quyền lực mềm sẽ không bao giờ thay thế được quyền lực cứng.

Qua buổi hội thảo, từ thực tiễn triển khai Luật Ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc giúp chúng ta hiểu hơn, đặt ra những kỳ vọng lớn hơn về ngoại giao của Việt Nam trong thời gian tới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Nguyễn Minh Hồng

 

In trang Chia sẻ

Tin khác