Hội thảo có sự tham gia của gần 80 đại biểu đến từ các cơ quan: Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, Ủy ban nhân dân Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Hiệp Hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, Viện Kinh tế xã hội và chính sách và một số doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn Thành phố Phú Quốc và đặc biệt có sự tham dự của lãnh đạo và các nhà khoa học của 3 đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng.
Hội thảo với mục tiêu nghiên cứu, phân tích tiềm năng và thực trạng thu hút đầu tư và phát triển bền vững du lịch tại Phú Quốc, Ghi nhận các kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, điểm nghẽn, chỉ ra các nguyên nhân, phân tích bối cảnh, xu hướng và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị chính sách nhằm thu hút đầu tư và phát triển bền vững du lịch biển thành phố đảo Phú Quốc trong thời gian tới.
Hội thảo được chia làm 2 phiên, với 6 báo cáo trình bày trực tiếp và gần 10 ý kiến phát biểu, thảo luận. Các tham luận xoay quanh các vấn đề như“Các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các địa phương Việt Nam và hàm ý chính sách cho tỉnh Kiên Giang” - TS. Hoàng Hồng Hiệp; “Kết quả thu hút đầu tư phát triển du lịch thành phố Phú Quốc giai đoạn hiện nay”- Ông Phạm Văn Nghiêp; “Phát huy tài nguyên du lịch hướng tới phát triển du lịch bền vững tại Phú Quốc” của TS. Triệu Thanh Quang (Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng); “Kết quả thu hút đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc giai đoạn 2015-2022” của bà Huỳnh Trang Kim Hoàng (Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang); “Du lịch Phú Quốc - tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển bền vững” của TS. Nguyễn Ngọc Thư (Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí HTV, Giám đốc Công ty TNHH Lộc Phát Hoàng Ngọc); “Tác động cùa hành vi bền vững trong du lịch đến nhận dạng thương hiệu điểm đến của Phú Quốc” của ThS. Lê Diễm Thu (Trung tâm Kinh tế học, Viện KHXH vùng Nam Bộ).
Tại Hội thảo các đại biểu tập trung trao đổi và thảo luận xoay quanh những vấn đề về tiềm năng, nguồn lực, thế mạnh của thành phố Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung trong quá trình phát triển du lịch bền vững của quốc gia, đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới. Hội thảo góp phần làm rõ, sâu sắc hơn về điểm đến du lịch và đầu tư trong tiến trình phát triển của thành phố Phú Quốc. Cần xác định nét đặc trưng của du lịch Phú Quốc để thu hút đầu tư, phát triển và điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Việc nghiên cứu, nhìn nhận vai trò quan trọng của phát triển bền vững du lịch thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch hợp tác và vì mục tiêu phát triển bền vững của du lịch quốc gia.
Hội thảo đã đưa ra một số nhóm giải pháp chính sách:
Thứ nhất, cần hoàn thiện tốt quy hoạch tổng thể, tích hợp sớm nhất, trên cơ sở quy hoạch tích hợp sắp đươc Thủ tướng Chính Phủ phê chuẩn, cần phải cụ thể hóa và thể chế hóa các quy hoạch thành các chiến lược, kế hoạch cụ thể và bên cạnh đó cần tổ chức thực thi khách quan. minh bạch đảm bảo vì mục tiêu phát triển bền vững Thành phố Phú Quốc.
Thứ hai, tăng cường đầu tư, huy động mọi nguồn lực để hoàn thiên cơ sở hạ tầng đồng bộ, khoa học đảm bảo tính chiến lược, lâu dài và bền vững. Trên cơ sở Quy hoạch cần có các chiến lược, kế hoạch chi tiết để thu hút và huy động các nguồn lực để xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu cống, khu tiện ích chung, hệ thống xử lý nước thải, hạ tầng phát triển du lịch, dịch vụ,… Đầu tư khai thác đi đôi với bảo vệ, tôn tạo và phát triển nguồn tài nguyên biển, cải thiện môi trường du lịch nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững lâu dài. Tích cực thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển du lịch biển, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau, đặc biệt có cơ chế thích hợp để thu hút nguồn vốn trong dân để đầu tư phát triển du lịch biển tại thành phố đảo.
Thứ ba, tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển có chiều sâu. Đầu tư đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch biển hiện có và phát triển các sản phẩm mới đa dạng, hấp dẫn có sức cạnh tranh cao. Cần chú ý tính bản sắc, khai thác tối đa các giá trị văn hóa, truyền thống tạo sự khác biệt của Phú Quốc từ đó tạo ra sự khác biệt, tính cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch biển Phú Quốc như: Cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản phẩm cơ sở hạ tầng gắn với thiết kế hệ nhận diện từ nhà, phòng, cơ sở vật chất được bản địa hóa bởi các văn hóa Nam Bộ, Việt Nam, từ đó tạo sự khác biệt để thu hút khách quốc tế. Chính quyền cần có chính sách khuyến khích sáng tạo nhiều và đa dạng hơn các sản phẩm du lịch,.. Khai thác triệt để các giá trị tài nguyên du lịch biển là thế mạnh của thành phố đảo, từ đó thiết kế chương trình du lịch với các loại hình và thời gian khác nhau phục vụ cho mọi đối tượng khách du lịch, làm phong phú đa dạng các sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh kinh tế đêm, phát triển làng nghề ven biển truyền thống, xây dựng một trung tâm hội chợ sản phẩm OCOP Việt Nam,…. Tiếp tục tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển đặc thù, có bản sắc và sức cạnh tranh cao của Phú Quốc.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển du lịch xanh và bền vững. Tiếp tục tạo điều kiện cho các công ty tổ chức các sản phẩm du lịch xanh, các chương trình du lịch chuyên đề với mục tiêu kết hợp du lịch biển với hoạt động bảo vệ môi trường. Trong đó, du khách giữ vai trò chủ đạo đóng góp vào hoạt động bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực như trồng cây gây rừng, nhặt rác trên bãi biển, phát túi nilon tự hủy, một Thành phố ưu tiện phương tiện xanh, không dùng đồ nhựa một lần, nhân rộng một số mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất nông sản hữu cơ sạch, … Để thực hiện tốt việc phát triển du lịch xanh, bền vững tại thành phố đảo Phú Quốc, cần chú trọng nâng cao sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành trong Tỉnh và địa phương để xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch theo hướng bền vững.
Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch. Du lịch Phú Quốc cần thiết phải có chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao. Để thực hiện được mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch, trong đó, ưu tiên đầu tư chuyên sâu nghề cho đội ngũ lao động bằng nhiều hình thức ở trong và ngoài nước; thu hút các nhà quản lý, các nhà khoa học có trình độ, các doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia đào tạo; tiếp tục đào tạo kỹ năng cho đội ngũ thẩm định viên, giám sát viên, đào tạo viên và sử dụng hiệu quả đội ngũ này trong đào tạo du lịch. Cần có chính sách thu hút các Trường đào tạo nghề chuyên sâu, đẳng cấp về du lịch, lữ hành của Thế giới và Việt Nam, trong đó biến đây trở thành trung tâm đào tạo và thực hành nghiệp vụ du lịch, lữ hành,..có uy tín, từ đó tạo tiếng vang và đồng thời cung cấp nguồn nhân lưc cho sự phát triển chuyên nghiệp của Phú Quốc về lâu dài.
Thứ sáu, cần có các chương trình, tạo thể chế kết nối và hơp tác chia sẻ. Tỉnh Kiên Giang và UBND Thành phố Phú Quốc cần tăng cường kết nối, phối hợp với các cơ quan trung ương để đề xuất hoàn thiện các cơ chế chính sách vượt trội tạo sự thu hút cho Phú Quốc dựa trên nền tảng các văn bản của Trung ương như Quy hoạch vùng, Chiến lược phát triển ngành, từ đó đề xuất các chương trình tổng thể kết nối liên, xuyên ngành về: doanh nghiệp, hàng không và giao thông vận tải, thuế, tổng cục du lịch bộ văn hóa,…để cùng tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp, chi phí hợp lý thấp,…từ đó thu hút lượng khách du lịch. Cần có các chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư chiều sâu,..để thu hút được nhiều hơn nữa các tập đoàn, công ty lớn ở Việt Nam và thế giới, từ đó sẽ tạo điều kiện nguồn lực phát triển nhanh và bền vững cho Phú Quốc.
Thứ bảy, xây dựng và hoàn thiện thể chế quản trị đối với mô hình thành phố đảo. Việc hoàn thiện thể chế quản trị nói chung với mô hình thành phố đảo hướng đến phát triển dịch vụ, du lịch sẽ là một bước đi tiên quyết cho sự thành công và phát triển bền vững của Phú Quốc. Cần hoàn thiện và hướng đến một thiết chế, thể chế và bộ máy thiết kế phù hợp với một đô thị du lịch và dịch vụ trong đó tăng cường hệ thống cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ trong quản trị, quản lý, tăng cường nhân lực số gắn với chuyển đổi số sang kinh tế số, xã hội số và quản trị số. Hướng đến hoàn thiện một chuẩn mực của bộ máy hành chính công gắn với văn hóa dịch vụ, minh bạch, hiệu quả, chia sẻ và cùng phát triển.
Thứ tám, tăng cường đầu tư hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư và phát triển bền vững du lịch biển. Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Cần xây dựng sản phẩm tuyên truyền và giới thiệu về du lịch biển Phú Quốc như ấn phẩm giới thiệu về các bãi biển, khu bảo tồn thiên nhiên biển, các chương trình du lịch...Cần xây dựng một hệ sinh thái mở kết nối hơp tác cùng các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, thu hút du lịch trên nền tảng số, đồng thời có chương trình quảng bá, xúc tiến tuần lễ du lịch Phú Quốc tại các địa phương và ở các quốc gia là thị trường mục tiêu để có các chương trình hấp dẫn, cuốn hút người quan tâm. Tăng cường cuốn hút các sự kiện quốc tế, thu hút các nhân vật nổi tiếng,…để tạo sự chú ý và biết đến của Phú Quốc, từ đó sẽ phát sinh nhu cầu dịch vụ du lịch tại Phú Quốc.
Mỹ Trinh
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ