Luận cứ khoa học để hoàn thiện và ứng dụng bộ chỉ tiêu phát triển bền vững kinh tế, xã hội, môi trường cấp tỉnh

17:00 10/10/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong khuôn khổ nghiên cứu của các đề tài cấp Bộ, ngày 10 tháng 10 năm 2023, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Luận cứ khoa học để hoan thiện và ứng dụng bộ chỉ tiêu phát triển bền vững kinh tế, xã hội, môi trường cấp tỉnh”.

Tọa đàm có sự tham gia của Ban lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng cùng toàn thể các phòng chuyên môn, các cán bộ nghiên cứu trong và ngoài Viện.

Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc (LHQ). LHQ đã  đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững gồm: (1). Xóa nghèo; (2). Xóa đói; (3). Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh; (4). Đảm bảo chất lượng giáo dục; (5). Bình đẳng giới; (6). Nước sạch và vệ sinh; (7). Năng lượng sạch và bền vững; (8). Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế; (9). Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng; (10). Giảm bất bình đẳng giữa các quốc gia; (11). Các thành phố và cộng đồng bền vững; (12). Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm; (13). Hành động về khí hậu; (14). Bảo tồn tài nguyên và môi trường biển; (15). Bảo tồn Tài nguyên và môi trường đất; (16). Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ; (17). Quan hệ đối tác vì các mục tiêu.

Các đại biểu phát biểu, trao đổi, trình bày tại tọa đàm

Tọa đàm đã lắng nghe các tham luận của 03 đề tài cấp Bộ: Chủ nhiệm đề tài TS. Bùi Quang Bình trình bày bài tham luận của đề tài “Luận cứ khoa học để hoàn thiện và ứng dụng bộ chỉ tiêu phát triển bền vững môi trường cấp tỉnh - Thử nghiệm ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng”; Chủ nhiệm đề tài TS. Phạm Thị Thu Phương trình bày bài tham luận “Luận cứ khoa học để hoàn thiện và ứng dụng bộ chỉ tiêu phát triển bền vững xã hội cấp tỉnh - Thử nghiệm ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng”; Chủ nhiệm đề tài TS. Trần Thị Thu Hương trình bày bài tham luận “Luận cứ khoa học để hoàn thiện và ứng dụng bộ chỉ tiêu phát triển bền vững kinh tế cấp tỉnh - Thử nghiệm ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng”.

Tại Tọa đàm các diễn giả đã trình bày một số kết quả nghiên cứu ban đầu của đề tài về hoàn thiện bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững cấp tỉnh gắn với thực hiện Chương trình Nghị sự 2030; Các tính toán thử nghiệm hệ thống chỉ tiêu đo lường cho một số tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng trên cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.

TS. Trần Thị Thu Hương đã đưa ra các nguyên tắc xây dựng bộ chỉ tiêu về kinh tế; các quan điểm của Đảng và Nhà nước về mục tiêu phát triển bền vững kinh tế. Đề tài đã đưa ra quy trình 5 bước xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển bền vững đánh giá của đề tài là: (B1). Lựa chọn chỉ tiêu phát triển bền vững kinh tế có sự giao thoa giữa bộ chỉ tiêu SDGs toàn cầu, bộ chỉ tiêu PTBV ở một số quốc gia, bộ chỉ tiêu PTBV ở Việt Nam cấp Quốc gia; (B2). Lựa chọn các chỉ tiêu đã có sẵn số liệu hoặc chỉ tiêu dự kiến nhưng đảm bảo tính khả thi; (B3). Áp dụng khung SMART để lựa chọn các chỉ tiêu; (B4). Nghiên cứu đặc thù của vùng và địa phương để xây dựng bộ chỉ tiêu PTBV kinh tế phù hợp; (B5). Hoàn thiện danh mục và tham vấn ý kiến chuyên gia.

TS. Phạm Thị Thu Phương đã trao đổi về các nội dung: cơ sở để rà soát và hoàn thiện chỉ tiêu phát triển bền vững xã hội cấp tỉnh; các tiêu chí hoàn thiện bộ chỉ tiêu. Tác giả cũng đề xuất ra 08 bước để rà soát và hoàn thiện bộ chỉ tiêu gồm: (B1). Rà soát, xác định các chỉ tiêu chính, chỉ tiêu thành phần, chỉ số; (B2). Lựa chọn chỉ số và thu thập dữ liệu; (B3). Chuẩn hóa dữ liệu; (B4). Tính chỉ số tổng hợp; (B5). Xếp hạng các tỉnh theo chỉ số tổng hợp và chỉ số thành phần; B6. Tính toán trọng số; (B7). Kiểm tra độ tin cậy và chính xác của thang đo; (B8). Đề xuất bộ chỉ tiêu khả thi, chính xác và tin cậy. TS. Phạm Thị Thu Phương đã đưa ra một số bộ chỉ tiêu phát triển bền vững xã hội và cấp tỉnh để đại biểu thảo luận.

Trong bày trình bày, TS. Bùi Quang Bình đã phân tích, tổng hợp và đưa ra tiến trình, thách thức thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững về môi trường trên thế giới, từ đó đưa ra một số nhận xét về tình hình thực hiện và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững về môi trường tại Việt Nam. Đề tài đã bước đầu đưa ra các khó khăn, thách thức và đưa ra 06 giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững môi trường ở Việt Nam là: Xây dựng đồng bộ các chính sách; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tài chính và nguồn lực; đào tạo và phát triển nhân lực; hợp tác quốc tế; nâng cao năng lực thống kê.

Về thách thức và tiến trình thực hiện các mục tiêu PTBV về môi trường, TS. Bùi Quang Bình cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm đảo ngược các tiến bộ đạt được trong thực hiện các mục tiêu PTBV; các quốc gia có thu nhập thấp đạt chỉ số SDG thấp hơn, gặp khó khăn trong tiến trình thực hiện các mục tiêu PTBV; ngay cả các nước thu nhập cao cũng đối mặt với thách thức trong việc đạt được một số mục tiêu PTBV, nhất là về tiêu dùng và sản xuất bền vững, hành động khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.

TS. Bùi Quang Bình phân tích, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu PTBV về môi trường. Năm 2021, Việt Nam xếp hạng thứ 51/165 quốc gia về điểm chỉ số SDG và tiếp tục có sự cải thiện so với các năm trước. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 2 về thực hiện các mục tiêu chỉ đứng sau Thái Lan.

TS. Bùi Quang Bình phân tích cũng chỉ ra khó khăn và thách thức, đó là hệ thống cơ chế chính sách chưa đồng bộ và việc thực thi chưa hiệu quả; còn hạn chế về nguồn nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng; thiếu dữ liệu và độ trễ thời gian của dữ liệu; 25% chỉ tiêu PTBV về môi trường chưa có số liệu thống kê…

TS. Bùi Quang Bình cũng đề xuất một số giải pháp: (i) về xây dựng đồng bộ chính sách (Xác định chủ trương, chiến lược, quy hoạch để quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; Thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường; Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật;  Tăng cường tuân thủ và thực thi các quy định về tài nguyên và môi trường; Đảm bảo trách nhiệm và trừng phạt vi phạm môi trường); (ii) về tài chính và nguồn lực (Huy động và sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả; Tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới, đa dạng hóa nguồn lực); (iii) về đào tạo và phát triển nhân lực (Nâng cao chất lượng và năng lực của nguồn nhân lực; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ; (iv) về hợp tác quốc tế (Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế; Chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các quốc gia khác); (v) về nâng cao năng lực thống kê (Đầu tư vào năng lực thống kê để có đủ dữ liệu đánh giá tiến trình thực hiện PTBV; Đảm bảo dữ liệu chính xác và đầy đủ để đưa ra quyết định chính sách).

Quang cảnh tọa đàm

Tọa đàm đã nhận được rất nhiều các ý kiến trao đổi xung quanh các nội dung trình bày của 03 diễn giả.

PV.

 

In trang Chia sẻ

Tin khác