![TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn phát biểu khai mạc tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/nguyen%20song%20tung%20phat%20bieu%20khai%20mac-02112023.jpg)
TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn và TS. Nguyễn Đình Đáp – Chủ nhiệm nhiệm vụ đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo về phía VASS có PGS.TS. Vũ Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng điều hành Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; TS. Kiều Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; TS. Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm cùng đông đảo các viên chức, người lao động của VASS.
Về phía các đại biểu khách mời có ông Nguyễn Văn Phấn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Truyền thông môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Liễu, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; ông Vũ Quốc Anh, Quản lý dự án của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Điều phối Liên minh Hành động vì khí hậu; Đại diện tổ chức Công nghiệp, Liên hiệp quốc; Đại diện Mạng lưới kinh tế tuần hoàn, Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc tại Việt Nam; Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường; các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế liên quan đến môi trường.
![TS. Nguyễn Song Tùng, Viện Trưởng Viện Địa lý nhân văn và </br>TS. Nguyễn Đình Đáp đồng chủ trì Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dong%20chu%20tri%20hoi%20thao%20net%20zero-02112023.jpg)
Áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi chính những lợi ích về cả kinh tế, môi trường và xã hội mà nó được kỳ vọng mang lại như: Tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, kinh tế tuần hoàn đang được Việt Nam xem là một ưu tiên trong phát triển đất nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cho biết, hiện nay các hệ sinh thái trên Trái Đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi, đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người, ảnh hưởng đến việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Để ngăn chặn biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang ưu tiên năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm. Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức quốc tế, chuyển đổi năng lượng, cùng với sử dụng hiệu quả năng lượng chỉ đóng góp được 55% cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, còn 45% nằm ở các giải pháp kinh tế tuần hoàn. Trong bối cảnh đó, kinh tế tuần hoàn là nền tảng, tạo ra “chìa khóa vàng” giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero như đã cam kết, cũng như góp phần chống lại biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường để phát triển bền vững.
TS. Nguyễn Song Tùng nhận định, mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích như giúp giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị; tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác và tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa việc phát thải khí thải, chất thải rắn ra môi trường. Cùng với đó, xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường, tạo ra thị trường mới, cơ hội mới, việc làm mới, nâng cao sức khỏe cho người dân. Bởi vậy, qua Hội thảo này Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn mong muốn các đại biểu và chuyên gia tập trung thảo luận và chia sẻ một số vấn đề: (i) Chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; (ii) Lộ trình và giải pháp, các nguồn lực tài chính cho thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam; (iii) Vai trò của kinh tế tuần hoàn trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0; (iv) Thông tin các nội dung cơ bản về Hội nghị COP28.
![TS. Nguyễn Thị Liễu, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu trình bày báo cáo tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/ts.%20nguyen%20thi%20lieu-02112023.jpg)
![Ông Vũ Quốc Anh, Quản lý dự án của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam),</br> Điều phối Liên minh Hành động vì khí hậu trình bày báo cáo tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/vu%20quoc%20anh-%2002112023.jpg)
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 03 bài tham luận: (i) “Giảm phát thải khí nhà kính, tổ chức, phát triển thị trường cacbon và lộ trình hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26 hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững” do TS. Nguyễn Thị Liễu - Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trình bày; (ii) “Định hướng thực hiện mục tiêu PTRO tại địa phương và của đối tác CCWG và đánh giá nỗ lực toàn cầu tại COP28” do ông Vũ Quốc Anh, Quản lý dự án của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Điều phối Liên minh Hành động vì khí hậu trình bày; (iii) “Giới thiệu các mô hình, giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và thực hiện phát thải ròng bằng 0 trong một số ngành, lĩnh vực” do TS. Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lý nhân văn, VASS trình bày.
![Quang cảnh Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/toan%20canh%20hoi%20thao-02112023.jpg)
Sau khi nghe trình bày các báo cáo tham luận, Hội nghị nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự, trong đó tập trung vào một số nội dung sau: (i) Lộ trình NetZero vào năm 2050 và mục tiêu của Việt Nam; (ii) Nhận thức sâu rộng và tuyên truyền về kinh tế tuần hoàn; (iii) Mâu thuẫn giữa giảm phát thải khí nhà kính và vấn đề tăng trưởng kinh tế; (iv) Luận giải một số vấn đề như xanh hóa nền kinh tế, xanh hóa tiêu dùng, mua bán công xanh, con người xanh…; (v) Giải pháp cho tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn như: Chuyển đổi số và cải thiện công nghệ giúp giảm tiêu hao năng lượng và tăng năng suất…
Ông Nguyễn Văn Phấn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Truyền thông môi trường,
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (ảnh bên trái) và PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, VASS (ảnh bên phải) phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế cacbon thấp hướng tới phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định trong bốicảnh nước ta còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế. Do đó, các kiến nghị chính được đưa ra bao gồm: (1) xây dựng cơ chế khuyến khích việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn; (2) thúc đẩy và tham gia hợp tác quốc tế hiệu quả trong các hiệp định và cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu và phát triển xanh; (3) tập trung xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực thành công để làm cơ sở phổ biến, nhân rộng; (4) hỗ trợ tiếp cận theo phương thức đầu tư hợp tác công tư nhằm huy động tối đa nguồn lực các bên liên quan; và (5) đầu tư nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức đại diện doanh nghiệp để tăng cường khả năng tập hợp, đối thoại, góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách kinh tế, phổ biến chính sách pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng cảm ơn các diễn giả cũng như những ý kiến, trao đổi thảo luận của các vị đại biểu và đề nghị sau buổi Hội thảo này, với những thông tin lĩnh hội được, các đại biểu tham dự sẽ là những hạt nhân tiếp tục lan tỏa tới đồng nghiệp, gia đình, bạn bè và những người xung quanh những thông tin về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn từ những việc làm nhỏ nhất như: Phân loại rác tại nguồn, sử dụng hợp lý tài nguyên góp phần giảm thiểu tối đa lượng rác thải phát sinh,… chung tay vào công cuộc bảo vệ môi trường.
Bên lề Hội thảo đã diễn ra Chương trình “đổi rác lấy cây xanh” và giới thiệu các mô hình, giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn.
Một số hình ảnh bên lề Hội thảo:
![Khu trưng bày pano tuyên truyền tại Chương trình](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/pano%202-02112023.jpg)
![Đại biểu đổi rác thải nhựa nhận quà tại Chương trình](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/doi%20rac%201.jpg)
![Đại biểu đổi hộp đựng pin đã qua sử dụng nhận quà tại Chương trình](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dôi%20rac%202.jpg)
![Đại biểu chụp ảnh lưu niệm với cây xanh được đổi tại Chương trình](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/đại%20biểu%20chụp%20ảnh%20lưu%20niem%20với%20cây%20xanh.jpg)
Nguyễn Minh Hồng