![PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu chào mừng tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/pct%20ta%20minh%20tuan%206-12.jpg) |
Chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Tạ Minh Tuấn- Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng, Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Con người. Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học đầu ngành về vấn đề phát triển con người, dân số và gia đình như GS. TS. Nguyễn Thiện Nhân, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; GS.TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội xã Hội học Việt Nam, GS.TS. Hồ Sĩ Quý, nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Con người; PGS, KTKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Con người, ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Người Cao tuổi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, bà Hoàng Thị Hạnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc; Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ông Nguyễn Vinh Quang, Viện trưởng, Viện Khoa học Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội, TS Trịnh Thu Nga, phó Viện trưởng Viện Khoa học và lao động. TS. Nguyễn Thị Minh Hòa, trưởng Bộ môn Dân số-Nguồn nhân lực, khoa quản lý nguồn nhân lực, Đại học lao động – xã hội.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều lãnh đạo và các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu và các trường đại học như Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Viện Xã hội học, Viện Nghiên cứu Gia đình và giới, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Nghiên cứu Thanh niên, Ủy ban Dân tộc, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Học viện An ninh nhân dân, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Sĩ quan lục quân 1, Học viện Kỹ thuật Hậu cần Công an Nhân dân, cùng sự tham gia của nhiều nhà khoa học và đại diện nhiều cơ quan thông tấn, báo chí.
![PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người phát biểu khai mạc và<br>đề dẫn Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/chi%20le%20phat%20bieu%203.jpg)
|
Hội thảo làm rõ bối cảnh Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, tỷ lệ dân số của Việt Nam nằm trong độ tuổi từ 60 trở lên chiếm 11,9% năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già”. Điều này đặt ra những thách thức về phát triển con người không chỉ cho nhóm người cao tuổi mà cho toàn xã hội. Thực tế cho thấy, già hóa dân số đang là một xu hướng toàn cầu có ảnh hưởng tới hầu hết mọi quốc gia. Chương trình nghị sự vì Phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc kêu gọi không để ai bị bỏ lại phía sau và đảm bảo đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững cho mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, đặc biệt tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương trong đó có người cao tuổi.
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Đồng thời PGS.TS. Tạ Minh Tuấn khẳng định ý nghĩa và chủ đề quan trọng của Hội thảo và nhấn mạnh: Già hóa dân số không chỉ nên nhìn nhận ở nguy cơ mà còn cần được tiếp cận theo hướng sẽ mang lại cơ hội đáng kể cho phát triển bền vững gắn liền với sự tham gia tích cực của người cao tuổi. Với kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và cả nguồn lực tài chính, người cao tuổi hoàn toàn có thể trở thành những tác nhân và là nguồn lực quan trọng trong cộng đồng để đóng góp tích cực trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, gia đình và cộng đồng, từ đó đề xuất các giải pháp về đóng góp của nghiên cứu con người trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
![PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, GS.TS. Nguyễn Đình Cử và PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê (từ trái sang phải) đồng chủ trì các Phiên tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/chu%20tri%20hoi%20thao%206-12.jpg) |
Trong phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người nhấn mạnh, già hóa dân số đã tạo ra các tác động đa chiều, ảnh hưởng tới nhiều chiều cạnh khác nhau của phát triển con người từ kinh tế đến an sinh xã hội, văn hóa, ứng xử... và có thể ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người cao tuổi. Điều này rất cần các nhà khoa học, các nhà quản lý bàn luận, nghiên cứu để có thể có các tham mưu chính sách về an sinh xã hội, về chăm sóc người cao tuổi, đưa ra các giải pháp thích ứng với dân số già trên mọi lĩnh vực cũng như các chiều cạnh của phát triển con người, đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội của quốc gia.
![GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc<br>Việt Nam, Nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/gs%20ts%20nguyen%20thien%20nhan%207-12.jpg)
|
Hội thảo nhận được 47 bài tham luận và chọn 07 báo cáo tham luận tại Hội thảo, Hội thảo được chia làm 03 phiên thảo luận. Các diễn giả (PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, GS.TS. Hồ Sĩ Quý, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Ông Nguyễn Vinh Quang, TS. Trịnh Thu Nga; Ông Đào Trọng Độ, TS. Nguyễn Thị Minh Hòa). Ở phiên thứ nhất, các báo cáo đã làm rõ việc trên thế giới đã xác lập rất rõ ngành khoa học về nghiên cứu con người với nhiều hướng nghiên cứu khác nhau, trong đó, hướng nghiên cứu con người xã hội với phương pháp tiếp cận nghiên cứu liên ngành, đa ngành là hướng nghiên cứu khá phổ biến. Khoa học nghiên cứu con người lấy con người làm trung tâm trong nghiên cứu các mối quan hệ đa dạng của xã hội loài người để hiểu các hành vi, tương tác trước các thách thức xã hội đang biến đổi phức tạp, nghiên cứu nhấn mạnh vào sở thích, hành vi của con người khi coi họ như một tế bào của xã hội và mọi hiện tượng phong phú, phức tạp ở mỗi cá thể, và cá nhân với nhân cách riêng biệt của nó đều được giải thích bằng các nguyên nhân xã hội. Nghiên cứu nhằm mang lại cho con người có cuộc sống tốt đẹp, chất lượng sống cao hơn.
![GS.TS. Hồ Sĩ Quý, VASS, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người trình bày báo cáo đầu tiên tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/gs%20ts%20ho%20sy%20quy.jpg) |
Phiên thứ hai và phiên thứ 3 đã trình bày tổng quan về các nghiên cứu về Người Cao tuổi ở Việt Nam và các vấn đề đặt ra về lí luận cũng như thực tiễn; Bảo hiểm xã hội với vấn đề già hóa dân số, với việc đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam; đào tạo nghề, tạo việc làm cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số nhằm huy động nguồn lực của nguồn cao tuổi vào công cuộc phát triển đất nước; đồng thời cũng chỉ ra các thách thức đối với lực lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh già hóa dân số cũng như cơ hội để huy động nguồn lực từ người cao tuổi.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến, trao đổi của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách cùng chia sẻ các tri thức, thông tin và các vấn đề liên quan đến phát triển con người trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam và trên thế giới, bàn đến các cảnh báo đã được đưa ra ở một số nước trên thế giới vì nguy cơ bị suy giảm dân số mạnh của các nước trong tương lai; đề xuất những kiến nghị, giải pháp thích ứng với dân số già trên các lĩnh vực cũng như các cách tiếp cận của phát triển con người. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận nhiều khía cạnh tác động của già hóa dân số. Về khía cạnh kinh tế, già hóa dân số ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm và đầu tư của đất nước.
![Ông Nguyễn Vinh Quang, Viện trưởng, Viện Khoa học Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam<br>trình bày Báo cáo tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/ong%20nguyen%20vinh%20quang.jpg)
|
Bên cạnh đó, già hóa dân số cũng tạo sức ép đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và hệ thống y tế, sức ép đối với tài chính công với những áp lực về đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Về góc độ xã hội, các ảnh hưởng của vấn đề già hóa dân số được phản ánh rõ nhất trong mối quan hệ gia đình, mối quan hệ giữa các thế hệ. Việc thu hẹp của quy mô gia đình sẽ làm chức năng hỗ trợ của gia đình đối với người già thay đổi do gia đình không còn giữ được cấu trúc truyền thống, liên kết lỏng lẻo giữa các thế hệ sẽ phổ biến hơn. Những điều này có thể làm các mâu thuẫn xã hội xuất hiện, có khả năng gây ra tình trạng lạm dụng và bạo lực đối với người cao tuổi, môi trường sống thiếu thân thiện, thiếu sự tôn trọng và kém an toàn với người cao tuổi. Qua đó thảo luận về các giải pháp giảm các áp lực này, tham khảo kinh nghiệm của các nước để xây dựng các chính sách để người cao tuổi được tăng cường tính tự chủ, độc lập về khía cạnh tài chính, có cơ hội và năng lực tham gia đầy đủ vào hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe, đảm bảo quyền cho người cao tuổi để đạt đến "già hóa thành công".
![Toàn cảnh Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/toan%20canh%20ht%206-12.jpg) |
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao chủ đề và các báo cáo được trình bày tại Hội thảo. Đồng thời đề nghị, sau hội thảo của Viện Nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm thúc đẩy mạnh nhiều nghiên cứu, tham mưu chính sách đối với lĩnh vực nghiên cứu con người nói chung và xem xét để nâng cấp thành Hội thảo quốc gia về phát triển con người trong bối cảnh già hóa dân số từ nay đến năm 2045 nhằm thu hút sự tham gia của các bộ, ban, ngành Trung ương, Chính phủ, góp phần lan tỏa tầm hưởng cũng như làm rõ tính cấp thiết của vấn đề già hóa dân số hiện nay.
Bên cạnh đó, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự trân trọng đối với các ý kiến tại Hội thảo, cùng với sứ mệnh của Viện Nghiên cứu Con người, Giáo sư đã đề xuất những nội dung nghiên cứu mà Viện cần tập trung, đó là: Xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá chất lượng sống con người Việt Nam, đánh giá chỉ số hạnh phúc con người Viêt Nam, trong đó có sự so sánh giữa khu vực nông thôn, thành thị, so sánh các nhóm tuổi, các tầng lớp dân cư khác nhau…; Phân tích mối quan hệ tác động qua lại giữa con người Việt Nam – Văn hóa – Môi trường tự nhiên – Sinh kế trước yêu cầu phát triển bền vững; các mối quan hệ giữa Con người – Dân chủ – Thể chế, chính trị. Đặc biệt, những kiến nghị của Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đưa ra không chỉ dừng lại ở việc phân tích các vấn đề liên quan đến già hóa dân số mà cần quan tâm sâu hơn, rộng hơn đến sự phát triển của thế hệ trẻ, lao động trẻ Việt Nam. Qua nghiên cứu, Viện Nghiên cứu con người nói riêng và Viện Hàn lâm nói chung cần chú ý đến các nghiên cứu, dự báo dân số Việt Nam trong dài hạn. Đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần xay dựng các căn cứ khoa học để hoàn thiện các chính sách liên quan như: chính sách gia đình, chính sách tiền lương, chính sách nhà ở, chính sách lao động… góp phần đảm bảo sự phát triển con người Việt Nam bền vững, đây sẽ là cơ sở khoa học để Viện Hàn lâm tăng cường chất lượng công tác tham mưu xây dựng nội dung Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV sắp tới cũng như các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
![Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/luu%20niem%20vien%20con%20nguoi%206-12.jpg) |
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật quí giá, không chỉ tập trung thảo luận về già hóa dân số và các chính sách an sinh xã hội, các vấn đề liên quan đến phát triển con người trong bối cảnh già hóa dân số, đây cũng là dịp để nhìn lại chặng đường nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Con người sau hơn 20 năm phát triển và định vị vị trí, vai trò của Viện Nghiên cứu Con người trong tương lai và đặt nền móng để tiếp tục thực hiện Hội thảo lần thứ hai về nghiên cứu con người với chủ đề: “Nâng cao chất lượng cuộc sống vì mục tiêu phát triển con người”.
Nguyễn Thu Trang