![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/hieuthuongnien.jpg) |
TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (ngoài cùng bên phải) là một trong các thành viên đồng chủ trì Hội nghị |
Sáng ngày 15/12/2023, Bộ KH&CN phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị khoa học thường niên năm 2023 với chủ đề “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2030 - Chính sách và thực tiễn”. Hội nghị diễn ra đã thu hút sự quan tâm tham dự của nhiều giảng viên các trường đại học, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu và sự quan tâm theo dõi đưa tin của một số cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh quan điểm về xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp để thực thi Nghị quyết bao gồm xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam trở thành cơ sở nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu của đất nước.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/baosonthuongnien.jpg) |
Ông Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh việc phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng giúp thúc đẩy, phát triển khoa học |
Trong những năm qua, để thực hiện nhiệm vụ này, các đơn vị nêu trên đã và đang thể hiện trách nhiệm và vai trò của mình thông qua các chương trình, đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước như: Chương trình Tây Nam Bộ, Chương trình Tây Bắc, Nhiệm vụ Xây dựng Bộ Địa chí quốc gia Việt Nam, Chương trình Phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển; Dự án Trung tâm Tư liệu Việt Nam học… số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ ở các đơn vị nghiên cứu, trường đại học duy trì tăng ở mức độ ổn định, đáp ứng tốt các nhu cầu về nghiên cứu cơ bản, các đơn vị đào tạo đã và đang khẳng định trách nhiệm quốc gia trong hệ thống giáo dục đại học, sau đại học đạt chuẩn và chuẩn bị tốt các điều kiện đáp ứng được các nhu cầu theo chuẩn quốc tế…
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh, hoạt động triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 có vai trò rất quan trọng. Nhưng một chiến lược dù có nội dung hay, đột phá nhưng nếu không được triển khai hiệu quả thì khó có thể đi vào thực tiễn. Vì vậy, đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành KH&CN mà còn của tất cả các ngành, các cấp, do đó, rất cần có sự chủ động tham gia tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/khoahocthuongnien.jpg) |
Các nhà khoa học đang cùng nhau thảo luận, đề xuất các giải pháp phát triển KH&CN của Việt Nam tại Hội nghị |
Đồng nhất quan điểm này, TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, cần hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ông nhấn mạnh “một hệ thống chính sách và pháp luật tốt, phù hợp với thực tiễn sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng và thúc đẩy đội ngũ các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách phát triển hùng hậu; tạo ra một môi trường pháp lý ổn định để khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch lâu dài và ổn định; là công cụ đặc biệt quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ ý tưởng và các sản phẩm sáng tạo, từ đó thúc đẩy các nghiên cứu, đổi mới, phát minh, sáng chế; tạo dựng niềm tin, động lực thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới; thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận với kiến thức, kỹ thuật và các công nghệ tiên tiến trên thế giới, kiến tạo thị trường khoa học…"
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/toancanhthuongnien.jpg) |
Toàn cảnh Hội nghị |
Có thể nhận thấy, với những đóng góp thiết thực, Hội nghị đã trở thành diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý có cơ hội chia sẻ nhiều hơn những ý kiến khả thi, nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, Qua đó góp phần có hiệu quả vào chiến lược phát triển đội ngũ trí thức cao ở Việt Nam trong thời gian tới.
Phạm Vĩnh Hà