Tham dự hội thảo có PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; PGS.TS. Lê Xuân Bá, Hội Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng…
Ngoài ra, hội thảo hân hạnh được đón tiếp đông đảo các quý vị đại biểu, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các nhà quản lý và các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2023-2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu. Những “cơn gió ngược” từ kinh tế thế giới về xung đột chính trị, lạm phát và lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm…đã gây những tác động bất lợi, khiến kinh tế Việt Nam giảm đà tăng trưởng một cách đáng kể, xuất nhập khẩu suy yếu, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng suy giảm hàng loạt, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm.
Trước bối cảnh có nhiều thách thức lớn này, công tác điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2023 đã đạt được những thành công đáng ghi nhận. Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 5,05%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thế giới (3,1%) và cao mức bình quân trong khu vực ASEAN-5 (4,2%). Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát thấp, tỷ giá biến động nhỏ, thu chi ngân sách ổn định, đầu tư nước ngoài tăng mạnh.
TS. Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, mục đích của Hội thảo này nhằm đánh giá chuyên sâu thực trạng của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng kinh tế năm 2024, đặc biệt làm rõ thực trạng phục hồi sau những cú sốc tiêu cực từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế, làm rõ nhân tố tác động liên quan, từ đó đề xuất các giải pháp chính sách để thúc đẩy phục hồi kinh tế theo hướng bền vững.
Các đại biểu phát biểu, trình bày tham luận tại hội thảo
Tổng quan về kinh tế Việt Nam: Phục hồi và thách thức, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, theo ông Thành, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn. Theo đó, tăng trưởng 2023 trong Quí I đạt 3.3%; 6 tháng là 3.7%; 9 tháng là 4.2%; cả năm là 5.1%. Dù Việt Nam thuộc “nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh trên thế giới” nhưng mức tăng trưởng vẫn thấp so mục tiêu 6.5% Quốc hội đề ra; thấp hơn mức trung bình năm 5.9% trong thập niên trước.
Để đối mặt với những thách thức này, theo TS. Võ Trí Thành, Chính phủ Việt Nam cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tiêu dùng, đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút FDI chất lượng qua tận dụng việc nâng cấp quan hệ đối tác với Hoa Kỳ, Nhật Bản và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, cải cách thể chế và sửa đổi khung pháp lý cũng cần tiếp tục để tạo nên phát triển bền vững, và là nền tảng cho các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh. Ba nhóm giải pháp này sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc định hình hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
“Dù còn nhiều khó khăn, thậm chí sóng bão, song Việt Nam vẫn có lý do để tin vào một kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế năm 2024. Quan trọng hơn, Việt Nam cần tận cơ vượt khó, bắt nhịp xu thế; tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt, chất lượng hơn, cả về thể chế, hạ tầng lẫn nguồn nhân lực để bứt phá phát triển trong giai đoạn tới”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Tại hội thảo, gần 150 khách mời là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội, ngân hàng và các doanh nghiệp, hiệp hội… đã trao đổi, thảo luận một số vấn đề như: Thị trường bất động sản Việt Nam: Thuận lợi, thách thức trong phục hồi; hoạch định và thực thi chính sách ứng phó với bất ổn và phục hồi kinh tế của Chính phủ: Thành tựu, hạn chế và giải pháp; đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh nhằm hồi sinh và phát triển doanh nghiệp Việt Nam… Qua đó, các chuyên gia cũng đưa ra các kiến nghị chính sách đối với công tác điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng, đồng thời thúc đẩy cải cách kinh tế và hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, duy trì đà tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trân trọng cảm ơn các bài tham luận khoa học và các ý kiến trao đổi, thảo luận và đóng góp của các đại biểu. TS. Lê Xuân Sang cho biết, Ban tổ chức sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến đóng góp tại hội thảo để có báo cáo kiến nghị chính sách kinh tế vĩ mô gửi đến Chính phủ và bộ ngành trung ương, các cơ quan liên quan.
PV.