Tham dự buổi lễ về phía MAS có: GS. Tserendorj Tsegmeg, Phó Chủ tịch MAS; TS. Zolboo Dashyam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế; TS. Purevsuren Byambakhishi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Triết học; PGS.TS. Tsengellkham Byambaa, Viện Nghiên cứu Quốc tế.
![PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học xã hội <br>cho PGS.TS. Tsengellkham Byambaa, MAS](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/trao%20knc%20pct%20duc%20minh%20139.jpg)
Về phía Viện Hàn lâm, VASS, có sự hiện diện của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cùng đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc, các nhà khoa học của VASS; đại diện các cán bộ Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam, các sinh viên Mông Cổ đang học tại Việt Nam cùng đại diện các bộ, ngành của Việt Nam: Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao; Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Hội Hữu nghị Việt Nam- Mông Cổ, các nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ, các nhà báo, các chuyên gia và nhà khoa học của Việt Nam.
Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/11/1954, sự kiện này mở ra trang sử mới trọng đại trong quan hệ hai nước, đáp ứng ý chí, nguyện vọng của Lãnh đạo và nhân dân hai nước, cũng như phù hợp bối cảnh thời đại. Trải qua 70 năm, quan hệ hợp tác và hữu nghị hai nước được tôi luyện trong khó khăn, thử thách. Hai nước luôn giữ vững nền tảng hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, Nhà nước và nhân dân hai nước luôn dành cho nhau sự giúp đỡ vô tư, trong sáng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay.
![Đại sứ Jigiee Sereejav chụp ảnh lưu niệm cùng với Lãnh đạo VASS, MAS và các chuyên gia khoa học Việt Nam- Mông Cổ](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/luu%20niem%20dai%20bieu%201.jpg)
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Phó Chủ tịch bày tỏ sự trân trọng vào mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Mông Cổ. Điều này được thể hiện qua các dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử quan hệ hai nước như: Chuyến thăm Mông Cổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 7/1955; Chuyến thăm Việt Nam của Bí thư thứ nhất Đảng Nhân dân Cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Mông Cổ tháng 9/1959; Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ vào các năm 1994, 2005, 2013, 2023; Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ của Chủ tịch nước Việt Nam vào các năm 2000, 2008…Các hoạt động đối ngoại đó cho thấy quan hệ nồng ấm hai nước không ngừng phát triển vững chắc, ngày càng trở nên thực chất, hiệu quả và bao trùm mọi lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, giao thông vận tải, logistics, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.
Qua đó, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng đối với Chính phủ và nhân dân hai nước trong việc nâng cấp quan hệ song phương lên tầm cao mới. Theo đó, Việt Nam và Mông Cổ sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề chung mà thế giới đang phải trải qua những biến động phức tạp, khó lường do tác động của đại dịch Covid-19, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, chiến tranh và xung đột tiếp diễn tại nhiều khu vực trên thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi khí hậu…
Trong phát biểu chào mừng, TS. Tserendorji Tsegmeg, Phó Chủ tịch MAS cũng bày tỏ sự trân trọng vào quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong suốt 70 năm qua cũng như mối quan hệ hợp tác khoa học giữa VASS và MAS, cụ thể, MAS đã ký thỏa thuận hợp tác với VASS vào tháng 11 năm 2012… Qua đó, Phó Chủ tịch MAS nhấn mạnh đến cơ hội và triển vọng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực khoa học xã hội và cùng tận dụng thế mạnh mỗi bên để tăng cường phát triển kinh tế, an ninh quốc gia; phát triển các hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa hai cơ quan về lịch sử, ngôn ngữ và khảo cổ học; cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển xanh, phát triển bền vững và khu vực cũng như các lĩnh vực khác.
Trong không khí thắm tình hữu nghị, Ngài Jigiee Sereejav, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mông Cổ tại Việt Nam đánh giá cao mối quan hệ ngoại giao 70 năm giữa hai nước và nhấn mạnh: “Di sản của sự tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ và hợp tác là giá trị quý giá của nhân dân hai nước chúng ta”. Trên cơ sở phân tích các giai đoạn lịch sử trong quan hệ hai nước, Đại sứ bày tỏ niềm tin sâu sắc vào triển vọng của mối quan hệ đang trên đà phát triển đỉnh cao và thuận lợi. Theo đó, Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực ASEAN và “hàng xóm thứ ba” của Mông Cổ và quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
![Đại sứ Jigiee Sereejav (ở giữa) tặng ấn phẩm cho TS. Tserendorji Tsegmeg và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dai%20su%20tang%20qua.jpg)
Nhận định về triển vọng phát triển của quan hệ Việt Nam – Mông Cổ trong thời gian tới, PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, VASS cho rằng: Quan hệ ngoại giao Việt Nam- Mông Cổ đã trải qua chặng đường 70 năm trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động. Với nỗ lực của chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ song phương không ngừng được củng cố, vun đắp. Cho đến trước kết thúc Chiến tranh Lạnh, quan hệ Việt Nam- Mông Cổ được xây dựng dựa trên nền tảng chính trị với tư cách là quan hệ hữu nghị của các nước thành viên phe xã hội chủ nghĩa. Sau kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhất là từ 1994 đến nay, quan hệ Việt Nam- Mông Cổ bước sang giai đoạn mới được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác về chính trị, an ninh, quốc phòng và kinh tế. Hợp tác song phương trong bối cảnh trong nước và quốc tế mới đã đạt được những kết quả to lớn, đáp ứng lợi ích của cả hai nước.
Tại Hội thảo, PGS. TS. Tsengellkham Byambaa, MAS, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam tại Mông Cổ đã nhận định sâu sắc về mối quan hệ chính trị giữa hai nước. Theo đó chính sách đối ngoại của hai nước có mục tiêu và quan điểm chung, bảo tồn những đặc điểm, di sản, văn hóa và truyền thống độc đáo, đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật quốc tế. Đây chính là nền tảng vững chắc tạo nên quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam- Mông Cổ.
![Toàn cảnh Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/toan%20canh%20ht%2012-9.jpg)
Bên cạnh đó, vượt qua những rào cản trong quan hệ hai nước, TS. Võ Hải Thanh, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cho rằng, nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước, cần có những nỗ lực từ cả hai phía, bao gồm: (1) Tổ chức thường xuyên các chuyến thăm cấp cao để trao đổi về các vấn đề hợp tác song phương; (2) Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp của hai nước tiếp cận thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác và mở rộng hợp tác; (3) Tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch để tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước.
Trong khuôn khổ hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch VASS đã trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khoa học xã hội” cho PGS.TS. Tsengellkham Byambaa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học, MAS đã có nhiều thành tích trong sự nghiệp xây dựng phát triển Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam- Mông Cổ.
![Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/978_luu%20niem%203.jpg)
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích, để các nhà khoa học và chuyên gia hai nước cùng xem xét toàn diện 70 năm quan hệ Việt Nam- Mông Cổ trên các lĩnh vực chính trị- ngoại giao, an ninh- quốc phòng, kinh tế (thương mại và đầu tư), văn hóa- xã hội. Qua đó gợi mở các giải pháp chính sách nhằm khắc phục các hạn chế còn tồn tại và phát huy giá trị mối quan hệ hữu nghị truyền thống quý báu vì hòa bình, ổn định và phồn vinh của cả hai nước.
Nguyễn Thu Trang