Thủ tướng Phạm Minh Chính khai mạc Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng chủ trì phiên họp còn có các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang. Cùng sự tham dự của một số lãnh đạo đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, một số trường đại học, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Phiên họp được tổ chức nhằm đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ trong những tháng đầu năm 2025 và xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo và thành lập 3 tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo, gồm: Tổ Công tác triển khai Đề án 06, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số gắn với Đề án 06, do Bộ trưởng Bộ Công an làm Tổ trưởng; Tổ Công tác về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Tổ trưởng và Tổ Công tác cải cách hành chính, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ trưởng.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đây là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, hiện thực hóa mục tiêu đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Nghị quyết xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là nền tảng để phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên từ năm 2025 và đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số vào những năm tới với sự đóng góp quan trọng, không thể tách rời của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động tại Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 và Nghị quyết số 71/NQ-CP sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06. Chính phủ cũng đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang quyết liệt triển khai "bộ tứ chiến lược" theo các nghị quyết của Bộ Chính trị: Phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (Nghị quyết 57); Hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết 59); Đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66); Phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia (Nghị quyết 68). Đồng thời, Chính phủ đang thực hiện công cuộc tinh gọn bộ máy, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm thực hiện một cách đồng bộ và thống nhất các chiến lược, kế hoạch,.. từ trung ương đến địa phương, nhằm thúc đẩy có hiệu quả các mục tiêu tăng trưởng quốc gia.
Quang cảnh phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại phiên họp, Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính của cả nước tháng 4 đạt 50,4% (tháng 3: 49,15%). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trung bình cả nước đạt 39,46% (tháng 3: 38,72%). Đến nay, cổng Dịch vụ Công quốc gia đã cung cấp 3.525 dịch vụ công trực tuyến; tháng 4 có hơn 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng Dịch vụ Công quốc gia. Về kinh tế số, quý I/2025, kinh tế số lõi đạt 8,63%, kinh tế số lan tỏa đạt 10,09%, tỷ trọng kinh tế số trên GDP đạt 18,72%. Ước tính, tăng trưởng kinh tế số quý I/2025 tăng trưởng khoảng 10% so với quý I/2024. Doanh thu công nghệ thông tin ước đạt 423.378 tỷ đồng, tăng trưởng 4% so với tháng 3/2025 và tăng trưởng 44,41% so với cùng kỳ năm 2024. Giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin ước đạt 373.242 tỷ đồng (tương đương 14,540 tỷ đô la Mỹ), tăng trưởng khoảng 10% so với tháng 3/2025 và tăng trưởng 51,72% so với cùng kỳ năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 và tiến độ triển khai Trung tâm Dữ liệu Quốc gia. Tính đến ngày 12/5/2025, tổng số Chứng thư chữ ký số đã cấp là 17.175.876. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu dân cư đã kết nối với 15 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố, phục vụ xác thực thông tin công dân trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh cũng có những báo cáo chi tiết về tình hình thực hiện và kết quả đạt được của các đơn vị về các vấn đề liên quan.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả đạt được trong triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số quốc gia. Theo Thủ tướng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành được triển khai quyết liệt, thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Đạt được những bước tiến quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số, đặc biệt là phát triển hạ tầng viễn thông, thương mại điện tử, quản lý thuế, hóa đơn điện tử. Đề án 06 được triển khai tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Những kết quả này đã giúp Việt Nam có được những tiến bộ trong Bảng xếp hạng về Chuyển đổi số Quốc tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế đang gặp phải như nhiều nhiệm vụ chưa được thực hiện hiệu quả, chậm tiến độ; còn vướng mắc về thể chế, chính sách; người đứng đầu một số đơn vị chưa thể hiện rõ vai trò trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là trong việc xây dựng hạ tầng chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu số; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ; nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu và yếu…
Từ những nhận định trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, đẩy mạnh tiến độ xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành và kết nối, chia sẻ hiệu quả. Mục tiêu đến cuối năm 2025, phải hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
Thứ ba, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện Cổng Dịch vụ Công quốc gia kết nối với ứng dụng VNeID.
Thứ tư, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng số, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải đảm bảo phủ sóng di động tại 100% các xã, thôn, bản trên cả nước trước tháng 12/2025.
Thứ năm, đẩy mạnh phát triển nhân lực số. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về Phát triển kỹ năng số cho người dân.
Thứ sáu, tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp bảo mật tiên tiến.
Thủ tướng cũng đề ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được đến cuối năm 2025. Theo đó, 100% người dân từ 14 tuổi trở lên được cấp căn cước và tài khoản định danh điện tử. Tối thiểu 90% người dân hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính. Tiết kiệm tối thiểu 20% thời gian so với phương thức truyền thống. 100% dịch vụ công thiết yếu được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Tăng tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GDP lên 30%. Tối thiểu 80% dân số trưởng thành có kỹ năng số cơ bản.
Về bố trí nguồn lực, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính huy động từ: Nguồn tăng thu năm 2024; Phát hành trái phiếu; Tăng cường hợp tác công tư; Huy động nguồn lực từ nhân dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu bố trí ít nhất 3% ngân sách năm 2025 cho khoa học công nghệ, trong đó có nguồn vượt thu 10 nghìn tỷ đồng.

Một số hình ảnh của Ban chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại điểm cầu Hội trường 3C
Việc lắng nghe, quán triệt nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo từ Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên họp đã cho thấy quyết tâm của Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện thành công Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam./.