Đề tài “Một số vấn đề mới trong phát triển và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt” nghiệm thu cấp Bộ đạt loại xuất sắc

12:00 11/09/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 10 tháng 9 năm 2014, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Một số vấn đề mới trong phát triển và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt” do GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp làm chủ nhiệm. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.

Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài hướng đến đối tượng ngôn ngữ được coi là phi chuẩn của giới trẻ hiện nay và thực trạng sử dụng chúng. Nhiệm vụ trọng tâm của Đề tài cụ thể là:

a) Tìm hiểu lý luận ngôn ngữ học và mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn ngôn ngữ;

b) Vấn đề chuẩn và phi chuẩn;

c) Khảo sát thực trạng dùng tiếng Việt bị coi là lai căng, tiêu cực của giới trẻ hiện nay;

d) Nguyên nhân dẫn đến thực trạng sử dụng nói trên;

e) Xem xét vấn đề dưới quan điểm lý luận ngôn ngữ học hiện đại (ngôn ngữ học xã hội, ngữ pháp tạo sinh, ngữ pháp chức năng; ngữ dụng học, v.v...)

f) Đề xuất những kiến nghị để phát triển và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt.

Đề tài được thực hiện trong 2 năm 2012-2013. Nội dung nghiên cứu được trình bày trong 3 chương.

Chương 1: Chuẩn hóa những vấn đề liên quan: Đề tài trình bày các thông tin liên quan đến quan niệm “gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”; khái niệm về “chuẩn” và “phi chuẩn”, vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt… và kết luận các mối quan hệ nêu trên luôn mang tính thời sự đối với các nhà ngôn ngữ học và các nhà hoạch định chính sách. Để giải quyết các vấn đề này, các khuynh hướng chuẩn hóa khác nhau gồm: quy phạm luận, miêu tả luận, ngôn ngữ học xã hội đã có những quan niệm và cách xử lý khác nhau đối với vấn đề ngôn ngữ. Song, với vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt hiện nay, không thể quên nguyên lý mang tính biện chứng: cái chuẩn của hôm nay có thể không còn chuẩn trong tương lai và ngược lại, cái phi chuẩn của hôm nay lại có thể tiềm tàng thành chuẩn của tương lai…

Chương 2: Đặc điểm sử dụng của một số hình thức tiếng Việt “phi chuẩn” của giới trẻ. Trên cơ sở tổng kết vấn đề: sử dụng những kết hợp lạ, bất ngờ, đặc điểm sử dụng tiếng Việt biến âm, sử dụng tiếng Việt lẫn tiếng Anh… Đề tài đã cho thấy những biểu hiện trong ngôn ngữ của giới trẻ là rất đa dạng. Tiếng Việt bị biến dạng hay trở nên giàu có còn phụ thuộc vào cách thức giáo dục, định hướng, can thiệp của pháp luật và dư luận xã hội. Song, việc định hướng, can thiệp ra sao cần phải được nhìn nhận dưới nhiều góc độ. Đồng thời, cũng cần tìm hiểu thái độ, nguyện vọng của bản thân người sử dụng, không thể đánh giá một cách vội vàng hay áp đặt một cách chủ quan. Đối với ngôn ngữ của lớp trẻ, một mặt cần có thái độ bao dung, độ lượng với những sáng tạo, phá cách để thể hiện cá tính, giải trí, trêu đùa của họ, nhưng một mặt cũng cần cảnh giác và nghiêm khắc với những biểu hiện quá đà, gây hỗn loạn trong giao tiếp và có ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.

Chương 3: Thực trạng sử dụng tiếng Việt “phi chuẩn” của giới trẻ nhìn dưới góc độ một số lý thuyết ngôn ngữ học. Đối sánh việc sử dụng ngôn ngữ nhìn dưới góc độ tâm lý ngôn ngữ học giao tiếp; ngôn ngữ học xã hội; góc độ ngữ pháp; ngữ pháp tạo sinh,... Đề tài đi đến kết luận, dù xem xét dưới góc độ nào thì việc hình thành, sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài ngôn ngữ (kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, tâm lý…) và vấn đề có thể được nhìn nhận từ nhiều quan điểm lý thuyết khác nhau. Việc can thiệp vào ngôn ngữ giới trẻ là không hề đơn giản và không thể không chú ý tới các yếu tố nói trên.

                                                                                                                                Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác