|
HĐKHCNNN gồm: GS.TS. Đỗ Hoài Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng; Hai ủy viên phản biện là TS. Vũ Tuấn Anh (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam); PGS.TS. Bùi Quang Tuấn (Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng). Các thành viên hội đồng là GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn và PGS.TS. Đặng Nguyên Anh (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); PGS.TS. Bùi Tất Thắng (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư); PGS.TS. Nguyễn Thế Chính, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; PGS.TS. Nguyễn Đình Long (Viện Nghiên cứu Qui hoạch Nông nghiệp, Nông thôn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam); TS. Nguyễn Đức Tuy, UBND tỉnh Kontum; TS. Tuyết Hoa Niekdăm, Đại học Tây Nguyên. Ngoài ra, tham dự buổi nghiệm thu còn có đại diện Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng; Chủ nhiệm đề tài và tập thể thành viên thực hiện Đề tài.
Thay mặt tập thể tác giả, TS. Lê Anh Vũ – Chủ nhiệm Đề tài đã trình bày kết quả nghiên cứu của Đề tài.
Mục tiêu tổng quát của Đề tài là làm rõ thực trạng liên kết nội vùng Tây Nguyên; chỉ ra những mặt được, các tồn tại, hạn chế trong liên kết vùng; từ đó khuyến nghị các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng Tây Nguyên giai đoạn đến năm 2020.
Các mục tiêu cụ thể của Đề tài tập trung vào:
1. Tổng quan các tài liệu nghiên cứu, hình thành cơ sở lý luận làm cơ sở phân tích thực trạng liên kết nội vùng và liên vùng, đề xuất các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng.
2. Làm rõ thực trạng liên kết nội vùng Tây Nguyên, những mặt được và điểm yếu, hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong liên kết vùng Tây Nguyên.
3. Đề xuất một số quan điểm có tính đột phá về tư duy, về nhận thức; cơ chế chính sách quản trị vùng nhằm thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện liên kết, phân công hợp tác trong nội vùng Tây Nguyên và các liên kết ngoại vùng nhằm phát triển bền vững Tây Nguyên trong giai đoạn đến năm 2020.
Nội dung nghiên cứu của Đề tài được trình bày trong 03 chương. Chương 1: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về liên kết vùng; Chương 2: Thực trạng liên kết nội vùng Tây Nguyên; Chương 3. Quan điểm, giải pháp tăng cường liên kết nội vùng Tây Nguyên đến 2020.
Các kết quả nghiên cứu của Đề tài đã làm rõ một số vấn đề:
(1) Xác định được các khái niệm về “liên kết vùng” và “liên kết nội vùng” nhằm phát huy lợi thế so sánh trong cạnh tranh và phân tích các mối quan hệ trong vùng và liên vùng.
(2) Nghiên cứu kinh nghiệm về tổ chức quản lý vùng ở Phần Lan, các thể chế và chính sách phát triển vùng ở Vùng đồng bằng Chu Giang mở rộng (Trung Quốc), quy hoạch lãnh thổ ở Hàn Quốc giai đoạn 1992-2001, chính sách phát triển vùng ở Philippines đã góp phần gợi mở về chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với vùng cho các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam.
(3) Khái quát về những thành công và điểm yếu trong các chuỗi giá trị như cà phê, cao su, điều, chè, hoa, rau.
(4) Chỉ ra sự thiếu hụt trong liên kết phát triển các ngành công nghiệp chế biến và nông nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành thân thiện với môi trường, thực trạng phát triển du lịch kém so với tiềm năng, chưa giải quyết tốt vấn đề di cư, những yếu kém trong quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường ở Tây Nguyên.
(5) Nêu ra 5 quan điểm, đề xuất 5 nhóm giải pháp chung và 9 nhóm giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy liên kết ở Tây Nguyên. Một số giải pháp mang tính mới (hình thành bộ máy điều phối phát triển vùng, nâng cao năng lực của các tổ chức đại diện cho nông dân trong quan hệ liên kết).
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa lý luận và thực tiễn, thể hiện ở:
1/ Tính ứng dụng và tham khảo trong công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng Tây Nguyên.
2/ Bổ sung nguồn tri thức mới trong công tác đào tạo cán bộ, quản lý nhà nước và công bố rộng rãi cho công chúng nhằm góp phần phổ biến kiến thức về các vấn đề phát triển Tây Nguyên.
Đề tài được Hội đồng đánh giá loại Khá. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu cần bổ sung và sửa chữa một số điểm, chỉnh lại một số lỗi kỹ thuật. Các kết quả nghiên cứu của Đề tài cùng các giải pháp đưa ra có tính khả thi, góp phần phát triển bền vững Tây Nguyên.
Nguyễn Thu Trang