Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu đánh giá tình hình sử dụng tiếng Việt và tiếng Gia-rai trên lớp học ở các lớp 1-2 vùng dân tộc thiểu số Gia-rai của tỉnh Gia Lai” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

17:00 30/05/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Chiều ngày 26 tháng 5 năm 2017, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Nghiên cứu đánh giá tình hình sử dụng tiếng Việt và tiếng Gia-rai trên lớp học ở các lớp 1-2 vùng dân tộc thiểu số Gia-rai của tỉnh Gia Lai” do PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương làm chủ nhiệm, Viện Ngôn ngữ học là cơ quan chủ trì. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá đạt loại xuất sắc.
Chủ nhiệm đề tài- PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương trình bày<br>kết quả nghiên cứu trước Hội đồng    

Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá tình hình sử dụng tiếng Việt và tiếng Gia-rai trên lớp học ở một số lớp 1-2 vùng dân tộc thiểu số Gia-rai của tỉnh Gia Lai, Đề tài đưa ra những kiến nghị giúp nâng cao hiệu quả sử dụng ngôn ngữ trong dạy – học ở các lớp đầu cấp tiểu học, góp phần nâng cao chất lượng dạy – học và phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Ngoài phần mở đầu, kết luận và kiến nghị, nội dung chính của Đề tài được cấu trúc thành 4 chương: Chương 1 – Cơ sở lý luận và thực tiễn nghiên cứu tình hình sử dụng tiếng Việt và tiếng Gia-rai trên lớp học ở các lớp 1-2 vùng dân tộc thiểu số Gia-rai ở tỉnh Gia Lai; Chương 2 – Tình hình sử dụng tiếng Việt trong dạy học ở một số lớp 1-2 vùng dân tộc thiểu số Gia-rai, tỉnh Gia Lai; Chương 3 – Tình hình chuyển mã từ tiếng Việt sang tiếng Gia – rai của giáo viên trong dạy – học ở một số lớp 1-2 vùng dân tộc thiểu số Gia-rai, tỉnh Gia Lai; Chương 4 – Đánh giá kĩ năng đọc của học sinh lớp 1-2 vùng dân tộc thiểu số Gia-rai và thái độ của học sinh, giáo viên và phụ huynh đối với việc sử dụng ngôn ngữ trong dạy – học.

Luật Giáo dục nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tiếng Việt là ngôn ngữ giảng dạy chính thức trong nhà trường. Tuy nhiên, do điều kiện sống và tập quán văn hóa cộng đồng nên nhiều trẻ em dân tộc thiểu số khi bước vào lớp một chưa được làm quen với tiếng Việt hoặc chỉ biết tiếng Việt ở mức hạn chế. Tiếng Việt vì vậy trở thành “rào cản ngôn ngữ” đối với các em trong việc tiếp cận một nền giáo dục bình đẳng và có chất lượng. Mặc dù đã có nhiều sáng kiến giáo dục được triển khai trong thời gian gần đây nhưng những rào cản ngôn ngữ này vẫn chưa được giải quyết triệt để và bền vững. Việc thực hiện đề tài này do vậy có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng.

Đề tài đã sử dụng cách tiếp cận nghiên cứu trường hợp và các phương pháp  liên ngành của Ngôn ngữ học xã hội và Giáo dục học, kết hợp giữa nghiên cứu định lượng và định tính. Cụ thể, nghiên cứu được thực hiện tại một trường tiểu học ở xã Ia Diêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, nơi có đa số học sinh là người dân tộc Gia-rai. Dựa trên các cơ sở lý luận về lựa chọn ngôn ngữ trong dạy học ở môi trường đa ngữ, lý luận về phân tích hội thoại và lý luận về chuyển mã, Đề tài đã miêu tả chi tiết tình hình sử dụng tiếng Việt trong dạy học ở các lớp 1-2 của các giáo viên người Kinh và tình hình chuyển mã từ tiếng Việt sang tiếng Gia-rai của các giáo viên người Gia-rai.  Đề tài đã sử dụng kết quả đánh giá kĩ năng đọc của học sinh lớp 1-2 để đo lường tính hiệu quả của hai mô hình sử dụng ngôn ngữ khác nhau: (1) chỉ sử dụng tiếng Việt và (2) sử dụng tiếng Việt và tiếng Gia-rai. Kết quả đánh giá kĩ năng đọc cho thấy: Thứ nhất, kỹ năng đọc của học sinh Gia-rai ở các lớp 1-2 còn rất yếu; Thứ hai, những học sinh được học ở lớp với giáo viên có khả năng sử dụng cả tiếng Việt và tiếng Gia-rai trong dạy học có xu hướng đạt kết quả cao  hơn các học sinh chỉ được học bằng tiếng Việt, và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê ở lớp 2. Kết quả khảo sát thái độ của học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và các cán bộ quản lí giáo dục ở địa phương cũng cho thấy có sự đồng thuận cao: mặc dù nhấn mạnh vai trò của tiếng Việt trong dạy - học và nguyện vọng của trẻ em dân tộc thiểu số được học và sử dụng tốt tiếng Việt, những người được hỏi đều cho rằng ở các lớp đầu cấp tiểu học, do năng lực tiếng Việt của học sinh Gia-rai còn hạn chế, việc học tập của các em sẽ hiệu quả  hơn nếu tiếng Gia-rai được sử dụng để hỗ trợ tiếng Việt trong dạy học.

Từ cơ sở lí luận, thực tiễn và các kết quả nghiên cứu đạt được, nhóm tác giả đã đề xuất một số kiến nghị sau: Thứ nhất, ở những nơi có đa số học sinh các lớp đầu cấp Tiểu học thuộc cùng một dân tộc nhưng có năng lực tiếng Việt hạn chế, và có giáo viên có khả năng sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ của các em, nên khuyến khích giáo viên sử dụng tiếng dân tộc hỗ trợ dạy – học bằng tiếng Việt; Thứ hai, để việc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số hỗ trợ việc dạy – học bằng tiếng Việt ở các lớp đầu cấp Tiểu học vùng dân tộc thiểu số thực sự hiệu quả, cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi; Thứ ba, cần có sự đồng thuận và ủng hộ của nhiều đối tượng có liên quan. Để làm được điều đó, cần đem vấn đề ngôn ngữ giảng dạy ra đối thoại với các cấp chính quyền liên quan, với giáo viên và với cộng đồng; Thứ tư, cung cấp các hoạt động hỗ trợ giáo viên vùng dân tộc thiểu số (giáo viên dân tộc thiểu số và giáo viên người Kinh) để họ có thể nâng cao năng lực tiếng dân tộc thiểu số đến mức có thể sử dụng trong dạy học một cách hiệu quả; Thứ năm, tiến hành nghiên cứu việc sử dụng ngôn ngữ trong dạy – học ở các lớp đầu cấp Tiểu học ở các vùng dân tộc thiểu số khác một cách kỹ lưỡng và với quy mô lớn hơn để kiểm nghiệm kết quả nghiên cứu trường hơp trong tiếng Gia-rai; Thứ sáu, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, phát triển các tài liệu hướng dẫn giáo viên cách sử dụng hịệu quả tiếng mẹ đẻ của học sinh để hỗ trợ việc dạy – học bằng tiếng Việt ở các lớp đầu cấp Tiểu học vùng dân tộc thiểu số.

  Toàn cảnh buổi nghiệm thu  

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về mặt lý luận, thực tiễn. Nhóm tác giả đã thành công trong việc áp dụng những lý luận và phương pháp mới để giải quyết các vấn đề nghiên cứu đặt ra. Đặc biệt các tư liệu điều tra của Đề tài rất hữu ích đối với các học giả và giới nghiên cứu nói chung. Mô hình sử dụng ngôn ngữ trong dạy – học mà Đề tài kiến nghị sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy – học và phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam./.

Nguyễn Minh Hồng

In trang Chia sẻ

Tin khác