Không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, di dân tái định cư (TĐC) bởi các dự án phát triển đang đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan đến ổn định đời sống của các cộng đồng bị ảnh hưởng, đặc biệt là đảm bảo sinh kế. Bất ổn về sinh kế đã tạo ra nhiều hệ lụy xã hội như di dân tự phát, tàn phá tài nguyên môi trường và nhất là tình trạng đói nghèo.
Ở khu vực miền Trung, đã có không ít các công trình thủy điện được xây dựng trong những thập niên qua. Trong đó, Quảng Nam được xem là một trong số những địa bàn có nhiều công trình thủy điện nhất cả nước. Công tác di dân TĐC do xây dựng các công trình thủy điện ở đây đang đặt ra khá nhiều vấn đề, trong đó có việc ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số - những cộng đồng dễ bị tổn thương và khó tiếp cận với các nguồn lực để phát triển. Những hệ lụy của TĐC thủy điện đến chuyển đổi sinh kế đang khá “nóng” ở một số địa bàn, trong đó có hai công trình quy mô lớn là thủy điện A Vương và thủy điện Sông Tranh 2.
Trên cơ sở những vấn đề nêu trên, đề tài “Sinh kế của người Cơ-tu vùng tái định cư thủy điện A Vương và người Ca dong (Xơ-đăng) vùng tái định cư thủy điện sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam” góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc xây dựng và đổi mới chính sách TĐC, chính sách phát triển tại Việt Nam. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở bốn chương như sau:
Chương 1: Khái quát về địa bàn nghiên cứu và quá trình tái định cư của người Cơ-tu và người Ca dong.
Sinh tụ lâu đời trên dãy Trường Sơn, trồng trọt trên nương rẫy là loại hình sinh kế chủ yếu của người Cơ-tu và Ca dong.Người Cơ-tu và Ca dong luôn ứng xử trân trọng đối với rừng, nhất là rừng thiêng và rừng đầu nguồn. Trong cơ cấu kinh tế truyền thống, việc khai thác các nguồn lợi tự nhiên đóng vai trò khá quan trọng, nhất là giải quyết sự thiếu hụt về lương thực, thực phẩm. Khi còn nhiều rừng, hoạt động này được diễn ra thường xuyên. Ngoài săn bắt các con thú trên rừng, dựa vào ưu thế có nhiều sông, suối, cả hai tộc người còn rất phát triển hoạt động đánh bắt thủy sản. Sau khi đầu tư công trình thủy điện A Vương và thủy điện sông Tranh 2, nhìn chung, đời sống nhân dân sau TĐC còn nhiều khó khăn. Đáng lưu ý nhất là vấn đề thiếu đất sản xuất Việc triển khai các phương án hỗ trợ sản xuất, thay đổi phương thức canh tác và công tác khuyến nông, khuyến lâm đôi khi chưa được quan tâm đúng mức. Việc chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho người dân sau TĐC còn khó khăn, không có lao động địa phương được tham gia làm việc tại các công ty thủy điện. Bên cạnh đó là tình trạng nhà ở không phù hợp với phong tục tập quán và sinh hoạt, chất lượng xây không đảm bảo, hệ thống nước sinh hoạt bị hư hỏng, xuống cấp....
Chương 2: Thực trạng sinh kế của người Cơ-tu và người Ca dong vùng tái định cư. Tuy phần nhiều đã ổn định sinh kế, nhưng người dân vẫn đang phải đối mặt với không ít những khó khăn như tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, sự xuống cấp của nhà TĐC, đặc biệt là sự suy giảm diện tích và chất lượng đất canh tác, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao. Một bộ phận người dân lấy khai thác nguồn lợi tự nhiên làm hoạt động sinh kế chính. Tái diễn tình trạng phá rừng làm nương rẫy, ảnh hưởng lớn đến nguồn tài nguyên thiên nhiên....
Chương 3: Ảnh hưởng của một số yếu tố văn hóa – xã hội tộc người tới sinh kế. Trong Chương 3, nhóm thực hiện đề tài triển khai đánh giá những yếu tố ảnh hưởng của văn hóa – xã hội tộc người tới sinh kế như niềm tin của người dân với hệ thống chính trị; Trình độ học vấn, sức khỏe; Tri thức địa phương và sinh kế; Phong tục tập quán; Tín ngưỡng...
Chương 4: Kiến nghị và giải pháp hướng tới phát triển sinh kế bền vững.
Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, do hạn chế về nhận thức, thói quen tiêu dùng trong đời sống sinh hoạt, trong thực hành nghi lễ ở người Cơ-tu và Ca dong thể hiện sự mất cân đối lớn trong thu chi của mỗi gia đình. Đây là một rào cản không nhỏ trong phát triển kinh tế hộ, nhất là trong bối cảnh đất đai cũng như nguồn lợi tự nhiên khác ngày càng suy giảm. Ở nơi mới, họ bị thay đổi hoàn toàn không gian sống, điều kiện sống, cũng đồng nghĩa với việc, những tri thức và kỹ năng trong các hoạt động sinh kế truyền thống trở nên ít có ý nghĩa hơn. Họ cảm nhận được sự trống vắng và khuyết thiếu của những yếu tố văn hóa truyền thống mang tính “bệ đỡ tinh thần” cho cuộc sống khi mất đi sự kết nối. Và khi cộng đồng đã có sự đứt gãy từ bên trong thì dù có dùng các biện pháp can thiệp, hỗ trợ phát triển như thế nào cũng không thể tạo lập một cộng đồng phát triển bền vững nói chung và phát triển sinh kế nói riêng. Nhóm thực hiện đề tài cũng đã đưa ra một số kiến nghị và giải pháp nhằm phát triển sinh kế bền vững, như: (i) Khi lập Dự án TĐC, cần chú trọng nghiên cứu các nguồn vốn văn hóa, xã hội của cộng đồng bị di dời, phải tính toán được mức độ thiệt hại của các nguồn vốn này khi đền bù; (ii) Khi triển khai các chương trình phát triển sinh kế hậu TĐC, cần khôi phục và phát huy hiệu quả vai trò của các nguồn lực mềm trong phát triển sinh kế của các tộc người thiểu số, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện; (iii) Bên cạnh việc phát huy những yếu tố văn hóa, xã hội tộc người được xem là nguồn lực thì cần có cơ chế, chính sách nhằm hạn chế, loại bỏ những yếu tố đang là rào cản, trở ngại cho phát triển sinh kế; (iv) Cần có chính sách nhằm gắn kết xã hội, hạn chế sự suy giảm của nguồn vốn này trong phát triển sinh kế, trong đó cần cân nhắc và có chính sách giải quyết kịp thời một số bất cập đang phát sinh từ chủ trương sáp nhập thôn, bản vùng cao, nhất là tình trạng sáp nhập thôn một cách cơ học, không tính đến yếu tố địa lý, địa hình, yếu tố lịch sử.
Trong bức tranh sinh kế của người Cơ-tu và Ca dong hiện nay, trồng trọt vẫn là hoạt động sinh kế chính yếu và chịu nhiều tác động nhất của TĐC thủy điện, thể hiện sự thay đổi lớn về cơ cấu cây trồng, diện tích, kỹ thuật, năng suất và sản lượng. Trong nghiên cứu này nhóm tác giả nhấn mạnh đến việc tiếp cận các nguồn lực văn hóa, xã hội tộc người để phát triển sinh kế hộ gia đình thay vì chú ý vào các hoạt động sinh kế cụ thể. Từ đó chỉ ra, yếu tố văn hóa, xã hội tộc người, nếu biết cách khai thác thì có thể trở thành động lực quan trọng trong phát triển sinh kế, nhất là ở những cộng đồng còn chưa phát triển.
Đề tài “Sinh kế của người Cơ-tu vùng tái định cư thủy điện A Vương và người Ca dong (Xơ-đăng) vùng tái định cư thủy điện sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam” là chủ đề nghiên cứu rất có ý nghĩa. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về mặt lý luận, thực tiễn. Đề tài góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu giúp các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan nhà nước, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng,... tham khảo, khai thác, sử dụng trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu và bổ sung hoàn thiện các chính sách về giảm nghèo, phát triển sinh kế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, về tái định cư thủy điện ở Việt Nam. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.
PV.