Tranh cổ động Việt Nam sau Đổi mới từ góc nhìn văn hóa – là đề tài cấp Bộ, nghiệm thu đạt loại xuất sắc

17:00 13/01/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Chiều ngày 13/01/2021, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Tranh cổ động Việt Nam sau Đổi mới từ góc nhìn văn hóa” do TS. Nguyễn Mỹ Thanh làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Văn hóa là cơ quan chủ trì, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.
GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài phát biểu TS. Nguyễn Mỹ Thanh trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu

Tranh cổ động là loại tranh đồ họa được sáng tạo để phục vụ cho mục đích chính trị, xã hội cụ thể, gần gũi với đời sống người dân. Tranh cổ động có đặc trưng nghệ thuật riêng, có ý tưởng nội dung cô đọng, hình ảnh xúc tích, dễ hiểu cùng với những khẩu hiệu, câu chữ ngắn gọn, mang tính thời sự. Tranh cổ động Việt Nam từ những năm 1945 đến 1975 đã đánh dấu mốc lớn cho sự thành công về nghệ thuật đồ họa cũng như hoàn thành nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đấu tranh cách mạng, vận động, cổ vũ, giáo dục quần chúng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng XHCN ở miền Bắc… Tranh cổ động trong giai đoạn này là minh chứng cho khả năng sáng tạo của các họa sĩ đã truyền tải thành công các nội dung tuyên truyền bằng ngôn ngữ đồ họa đến các tầng lớp nhân dân trong những thời điểm/giai đoạn lịch sử.

Sau khi đất nước Đổi mới, tranh cổ động nước ta ngày càng bị các biển hiệu áp phích quảng cáo lấn át. Các phương tiện truyền thông truyền hình, báo mạng, báo giấy… đã cung cấp thông tin phong phú hơn cho đời sống nhân dân, phần nào làm mờ nhạt vai trò truyền thông, tuyên truyền của tranh cổ động… Tuy tranh cổ động Việt Nam không còn được đánh giá cao như giai đoạn chống Pháp, Mỹ, nhưng ngôn ngữ biểu đạt và vai trò tuyên truyền của dòng tranh này vẫn giữ một vị trí quan trọng trong công tác tuyên truyền trực quan của các bộ ban ngành.

Trước những thực trạng nêu trên, đề tài “Tranh cổ động Việt Nam sau Đổi mới từ góc nhìn văn hóa” được thực hiện là cần thiết và có tính thực tiễn cấp bách. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở bốn chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về tranh cổ động. Trong chương này, các tác giả đã tổng quan tình hình nghiên cứu tranh cổ động trong nước và nước ngoài; cơ sở lý luận, các khái niệm và lý thuyết nghiên cứu…

Tranh cổ động còn được gọi là tranh tuyên truyền trực quan, trực tiếp thông qua thị giác, người xem tiếp nhận được các thông tin từ ngôn ngữ hình thể, màu sắc, chữ và số cũng như các phương tiện truyền thông thị giác khác. Tranh cổ động được xếp vào dòng tranh nghệ thuật truyền đạt các thông tin qua các chỉ dấu, hình tượng, biểu tượng nghệ thuật. Người sáng tác phải đưa những ý tưởng, cảm hứng sáng tạo… vào tranh để đạt đến những thẩm mỹ về nghệ thuật. Người xem thông qua ngôn ngữ tạo hình, bên cạnh việc tiếp nhận thông tin, còn có các hàm nghĩa khác tạo nên xúc cảm thụ nghệ thuật từ những bức tranh cổ động có chất lượng cao. Sự biểu đạt hướng đến nhận thức về nghệ thuật, tạo cho người xem những xúc cảm trước hệ thống ký hiệu biểu đạt bao gồm cảm xúc thị giác với cái đẹp của hình thể màu sắc, cảm xúc với sự liên tưởng từ ký ức do tác động của các hình tượng, biểu tượng…

Chương 2: Những đổi mới của đất nước và chủ đề chính của tranh cổ động sau năm 1986 đến nay. Chương này các tác giả tập trung vào việc tìm hiểu những đổi mới của đất nước và chủ đề chính của tranh cổ động sau năm 1986 đến nay.

Có thể thấy: Tranh cổ động đã được xác định nhiệm vụ tuyên truyền bắt kịp với các vấn đề chính trị và xã hội trong từng thời điểm/giai đoạn. Vì vậy, những nội dung được thể hiện trong tranh cổ động đều theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước. Nó thể hiện nhưng quan điểm, chính sách, diễn ngôn mà mỗi thời kỳ đại hội Đảng đề ra. Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của tranh cổ động phục vụ chính trị ở Việt Nam trước 1986 có thể thấy được nội dung chính trị một cách rõ ràng, cho dù nội dung đó được thể hiện một cách trực tiếp, đi thẳng vào vấn để hoặc tinh tế, gián tiếp, ẩn sâu vào những hình ảnh nêu ra trong tranh. Các đề tài chủ yếu thường được thể hiện trong tranh cổ động chính trị như: đường lối, mục tiêu chính trị, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, đoàn kết dân tộc, lãnh tụ, lời kêu gọi hành động cụ thể. Từ sau đại hội VI của Đảng, tranh cổ động chính trị vẫn tiếp tục được phát huy và mở rộng bởi những cuộc thi vẽ tranh do các cơ quan nhà nước tổ chức.

Chương 3:  Ngôn ngữ đồ họa và sự biểu đạt của tranh cổ động từ sau Đổi mới đến nay.

Trong chương 3, các tác giả đúc kết lại những đặc trưng trong ngôn ngữ tạo hình của tranh cổ động để làm rõ hơn những kỹ thuật, thủ pháp của ngôn ngữ tạo hình mà người họa sĩ đã kết hợp giữa mỹ thuật truyền thống và sự sáng tạo cái mới. chúng tôi tập hợp lại những hình tượng, biểu tượng và ý nghĩa trong bảng màu thường xuyên được thể hiện trong tranh cổ động giai đoạn trước năm 1986 và nối tiếp ở giai đoạn sau. Bên cạnh đó, kỹ thuật sáng tác, thể hiện tranh cổ động bằng những chương trình đồ họa máy tính cũng đã tạo nên những sự khác biệt so với tranh cổ động giai đoạn trước năm 1986. Cách thức thể hiện này đã giúp sự biểu đạt của tranh cổ động được công chúng tiếp nhận dễ dàng và luận giải nghĩa…

Chương 4: Những thực hành ý nghĩa biểu đạt và chức năng truyền thông thị giác của tranh cổ động sau đổi mới.

Chương 4 đã tập trung đi sâu phân tích những thực hành biểu đạt của tranh cổ động trong đời sống, đó là sự tiếp nhận của người dân với những nội dung tuyên truyền của tranh cổ động chính trị và xã hội, quan điểm sáng tác của họa sĩ vẽ tranh cổ động biểu đạt sao cho hàm nghĩa của tranh cổ động được truyền tải thông tin một cách dễ hiểu, có sức thu hút thị giác nhưng vẫn theo những qui chuẩn về hình thể, vị trí các biểu tượng chính trị. Những thực hành về ý nghĩa biểu đạt của tranh cổ động đã thể hiện tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và kêu gọi, cổ vũ khối đại đoàn kết liên minh công, nông, tri thức, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Bên cạnh đó, vai trò truyền thông thị giác của tranh cổ động cũng đã thể hiện được sức mạnh trong ý nghĩa biểu đạt của hệ thống ngôn ngữ ký hiệu đặc thù mà hình thức giao tiếp qua thị giác sẽ mang lại những ghi nhận thông tin với cảm xúc, dễ nhớ.

Quang cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài

Đề tài đã sử dụng lý thuyết ký hiệu học của R.Barthes để giải mã hệ thống ký hiệu siêu ngôn ngữ/ký hiệu biểu tượng. Phân tích tranh cổ động sau đổi mới trong quan hệ giữa cái biểu đạt/ngôn ngữ đồ họa và cái được biểu đạt/nội dung bức tranh tạo ra ý nghĩa và triển khai thành hệ thống mới là ý nghĩa biểu đạt/hàm nghĩa của văn bản. Hệ thống ký hiệu ngôn ngữ đồ họa của tranh cổ động mang ý nghĩa biểu đạt trong các tạo hình, bao gồm bố cục, đường nét, hình thể, màu sắc, không gian… hệ thống ký hiệu hình tượng, biểu tượng và đặc trưng của màu sắc trong tranh vừa kết nối truyền thống, tâm lý nghệ thuật của người Việt vừa mở ra những ý nghĩa mang tính chính trị, xã hội. Cách khai thác tạo hình, màu sắc, không gian từ nghệ thuật truyền thống sẽ luôn đem lại sự gần gũi, dễ nhận biết đối với người dân.

Thực hành biểu đạt của tranh cổ động không chỉ diễn ra trong những hoạt động tạo ra ý nghĩa mà còn là những hàm nghĩa trong hệ thống ký hiệu ngôn ngữ biểu tượng, hình tượng được thể hiện trên tranh. Phân tích tranh cổ động như những văn bản với ý nghĩa biểu đạt cũng đã cho thấy sự đa dạng văn hóa của nước ta: những biến đổi văn hóa trong hai giai đoạn trước và sau năm 1986 được thể hiện trong những quan điểm sáng tác của họa sĩ, hàm nghĩa về hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua các biểu tượng chính trị, cách biểu đạt bố cục thay đổi cùng những câu khẩu hiệu khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Những biểu đạt văn hóa qua tranh cổ động đã thể hiện quyền lực mềm của Nhà nước Việt Nam, cổ vũ người dân đoàn kết, đồng lòng theo Đảng.

Chức năng truyền thông thị giác của tranh cổ động khi dòng tranh này thường xuyên xuất hiện trên đường phố, ở những không gian công cộng để tham gia cùng với những hệ thống truyền thông khác của Nhà nước. Sức mạnh truyền thông của tranh cổ động chính là ngôn ngữ biểu đạt đặc thù, nó không như những bài báo viết hay báo hình… mà nó là những bố cục hình, màu, nhịp điệu, không gian, biểu tượng… thu hút thị giác của người dân. Nó tạo nên những xúc cảm thị giác, tác động đến nhận thức về tâm lý thẩm mỹ nghệ thuật, người xem có thể nhận thấy hoặc không nhận thấy những tác động của ngôn ngữ tạo hình nhưng nó được ghi lại trong trí nhớ của mỗi người và những câu khẩu hiệu tham gia trong bố cục của các bức tranh này đã nhắc nhở, khuyến khích mỗi người dân trong các hoạt động chung của toàn xã hội.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài có thể làm tài liệu tham khảo, cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và giảng dạy. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.  

PV.

 

In trang Chia sẻ

Tin khác