Đề tài cấp Bộ: “Hệ thống các di tích thềm sông Hồng và sông Lô giai đoạn cuối Pleistocene và đầu Holocene”, nghiệm thu đạt loại xuất sắc

17:00 14/01/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Chiều ngày 14/01/2021, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Hệ thống các di tích thềm sông Hồng và sông Lô giai đoạn cuối Pleistocene và đầu Holocene” do TS. Nguyễn Trường Đông làm chủ nhiệm, Viện Khảo cổ học là cơ quan chủ trì, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.
PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài phát biểu TS. Nguyễn Trường Đông trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu

Có người cho rằng, chỉ có văn hóa Sơn Vi nơi đây (khu vực nghiên cứu sông Hồng và sông Lô), phân chia khu vực thượng lưu các con sông thuộc giai đoạn sớm của văn hóa Sơn Vi, còn khu vực trung lưu thuộc giai đoạn muộn, hoặc điển hình của văn hóa Sơn Vi, các di tích khu vực trung lưu là sự hội tụ của các di tích khu vực thượng lưu. Có tác giả đưa ra trật tự văn hóa Sơn Vi - Hòa Bình, hay Sơn Vi – Hòa Bình sớm – Hòa Bình phát triển – hậu kỳ đá mới, trong đó văn hóa/kỹ thuật Hòa Bình bắt nguồn từ văn hóa/kỹ thuật Sơn Vi, hoặc trật tự Sơn Vi – Hòa Bình – hậu kỳ đá mới. Có ý kiến khác còn cho rằng có sự gần gũi với các sưu tập ở Trung Quốc, rồi đẩy niên đại di tích lên cuối sơ kỳ, đầu trung kỳ đá cũ ...

Các phương pháp nghiên cứu trong các công bố chủ yếu là loại hình học. Nhận thức về quá khứ vẫn nằm trong khuôn khổ của trường phái lịch sử - văn hóa, khái quát sự vận động của quá khứ bằng con đường phát triển của văn hóa. Về số lượng di tích, thềm sông Hồng có số lượng và mật độ di tích vượt trội so với thềm sông Lô. Về sự phân bố, đa số các di tích đều nằm ven các sông lớn, một số lượng nằm ven các con suối, cho thấy con đường di chuyển của người cổ bằng các đường nước. Về địa hình, đồi thấp ven sông, ven suối là cảnh quan cư trú phổ biến. Ngoài ra một kiểu địa hình cư trú nữa đặc trưng riêng trên khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn, đó là các di tích phân bố trên sườn dốc núi đá cao. Cư dân vùng Tuyên Quang có xu hướng chọn các đồi bằng phẳng để sinh sống. Về độ cao so với mực nước biển, thềm sông Hồng giảm từ từ, đều đặn, trong khi thềm sông Lô có sự giảm đột ngột từ Cao nguyên đá xuống thung lũng thành phố Hà Giang, rồi xuống thấp nữa ở khu vực Tuyên Quang. Về độ rộng lòng sông, sông Lô hẹp lòng hơn sông Hồng. Mức độ chênh nhau giữa độ rộng lòng thượng lưu và trung lưu ở sông Lô là cách biệt rõ rệt, trong khi mức độ này ở sông Hồng là khá nhỏ.

Mỗi khu vực của thềm sông có sự phổ biến riêng về loại hình di vật. Di vật thềm sông Hồng đa dạng hơn về loại hình, chất liệu đá tốt hơn, kỹ thuật mảnh thịnh hành hơn, kích thước nhỏ hơn, hình dáng ngắn hơn, nhưng lại có cường độ ghè đẽo lớn hơn di vật thềm sông Lô. Có sự trái ngược giữa hành vi chọn lựa nguyên liệu, ghè đẽo chế tác, sử dụng, thanh xuân hóa và thải loại công cụ giữa cư dân hai thềm sông, thể hiện ở việc di vật sông Hồng càng ghè thì kích thước càng nhỏ, còn di vật sông Lô càng ghè thì kích thước càng lớn. Điều này tác động đến hình dáng công cụ như càng ghè thì di vật sông Hồng có xu hướng dài ra, hẹp ngang và mỏng đi, còn ở thềm sông Lô, di vật có xu hướng ngắn đi.

Từ những thực tiễn trên, đề tài “Hệ thống các di tích thềm sông Hồng và sông Lô giai đoạn cuối Pleistocene và đầu Holocene”, đã được thực hiện một cách rất công phu. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở năm chương:

Chương 1: Điều kiện tự nhiên. Trong chương này, các tác giả đã tổng quan tình hình địa bàn nghiên cứu thuộc đề tài này gồm hai thềm sông Hồng và thềm sông Lô thuộc bốn tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và Tuyên Quang. Do vậy đã trình bày sơ lược về điều kiện tự nhiên khu vực Đông Bắc và sau đó là khu vực Việt Bắc để hiểu được bối cảnh các di tích tiền sử xuất hiện.

Chương 2: Tổng quan tư liệu. Trong chương này các tác giả tập trung vào việc trình bày lại toàn bộ lịch sử phát hiện và nghiên cứu các di tích, di vật ở hai thềm sông Hồng và sông Lô thuộc địa bàn bốn tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và Tuyên Quang. Có thể thấy hiện tượng như: (a) các di tích đều có đặc điểm là nằm trên bề mặt đồi gò thuộc thềm sông hoặc suối, đại đa số không có địa tầng, chỉ 2 di tích ở Yên Bái có tầng văn hóa nguyên vẹn; (b) có di tích có nhiều di vật, có di tích chỉ có một hoặc vài di vật, có di tích có hoặc không có các di vật như chày nghiền, bàn mài, bàn nghiền, hòn ghè, hòn kê và rìu mài lưỡi. Di vật có các đặc điểm hình thái chung và cơ bản như mũi nhọn, rìa ngang, rìa dọc, rìa xiên, phần tư cuội... trong đó có số ít các công cụ hình thái Hòa Bình hoặc kiểu Hòa Bình.

Từ đây vấn đề được quan tâm và nhận được nhiều quan điểm khác nhau không nằm trong bản thân các di tích, di vật, mà chính là cái đứng đằng sau chúng, đó là tính chất văn hóa, niên đại và các giai đoạn phát triển...

Chương 3:  Phân tích, so sánh đặc điểm cư trú giữa cư dân cổ thềm sông Hồng và sông Lô.

Trong chương 3, các tác giả so sánh mức độ chênh lệch giữa độ cao so với mực nước biển và độ rộng lòng sông giữa thượng lưu và trung lưu để khẳng định thềm sông Hồng có nhiều ưu thế và thuận lợi hơn cho người cổ cư trú so với sông Lô, và sự đa dạng của cảnh quan và do vậy là tính chất khó khăn hơn trong việc di chuyển giữa các vùng. Chính số lượng và mật độ di tích ở thềm sông Hồng so với sông Lô đã minh chứng cho điều này. Cho dù thế nào đi nữa thì có thể thấy người cổ cư trú trên hầu hết các loại địa hình cảnh quan ở các thềm sông, kể cả kiểu địa hình tưởng chừng khó khăn nhất là sườn dốc núi cao trên Cao nguyên đá thì vẫn có người cư trú. Những di tích như vậy không chỉ có ở thềm sông Miện mà còn thấy ở sườn núi đá thềm suối trong thung lũng khu phố Mậu Duệ (xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn), khẳng định tồn tại một nhóm người tiền sử có xu hướng thích sống trên sườn núi đá duy nhất chưa từng thấy bất kỳ đâu.

Chương 4:  Phân tích, so sánh đặc điểm di vật thềm sông Hồng và sông Lô. Chương này các tác giả đã tiến hành phân tích so sánh di vật giữa hai thềm sông Hồng và sông Lô, có sự tương đồng và khác biệt giữa chúng. Về thành phần di vật, sưu tập hai thềm sông giống nhau ở chỗ cùng có 5 nhóm di vật gồm nhóm công cụ hình thái Sơn Vi, nhóm công cụ hình thái Hòa Bình, nhóm mảnh, nhóm công cụ chỉ có dấu vết sử dụng và nhóm nguyên liệu. Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản thể hiện sự tiến bộ kỹ thuật nằm ở loại hình rìu mài lưỡi chỉ có mặt ở thềm sông Hồng. Đi vào cụ thể hơn, sự khác biệt còn biểu hiện ở sự phổ biến hơn cả của một hoặc một số loại hình công cụ, ví dụ, công cụ rìa dọc, công cụ bầu dục, rìu ngắn phổ biến ở thềm sông Hồng, trong khi công cụ mũi nhọn, công cụ rìa ngang, công cụ hình chữ nhật phổ biến ở thềm sông Lô; hay nhóm di vật mảnh và nhóm di vật chỉ có dấu vết sử dụng phổ biến hơn ở thềm sông Hồng. Tất cả thể hiện sự đa dạng, phong phú của di vật ở thềm sông Hồng so với sông Lô.

Chương 5: Thảo luận. Phần thảo luận này đã trình bày vắn tắt toàn bộ kết quả nghiên cứu về bối cảnh tự nhiên, phân tích so sánh di tích, di vật đá giữa hai thềm sông, thảo luận đôi lời các quan điểm trước đây về tính chất văn hóa, niên đại và các giai đoạn phát triển, đưa ra câu hỏi và giả thuyết liên quan đến hướng di cư, các đợt di cư của người xưa trong khu vực nghiên cứu. Để thực hiện những nhiệm vụ đó, các tác giả thực hiện đề tài đã sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như phương pháp loại hình học, phương pháp kỹ thuật học để phân loại di vật, và phương pháp phân tích thuộc tính dựa trên thống kê để phân tích so sánh di tích di vật, bên cạnh các kỹ thuật vẽ sơ đồ phân bố di tích dựa trên tọa độ GPS. Từ những tư liệu cũ, nhận định cũ, nhưng áp dụng phương pháp mới và cách tiếp cận mới, đề tài đã có những lý giải mới cho những di tích, di vật trong khu vực nghiên cứu, giúp người đọc hiểu một phần cuộc sống, di cư, di chuyển, tính đa dạng, tính thích ứng của cư dân cổ trên các thềm sông suối ngoài trời giai đoạn cuối Pleistocene đầu Holocene.

Quang cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài

Các kết quả nghiên cứu của đề tài rất hũu ích, có thể làm tài liệu tham khảo, cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và giảng dạy. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.  

PV.

In trang Chia sẻ

Tin khác